Tại thông cáo phát đi vào đầu giờ trưa hôm nay, Vingroup cho hay đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.
“Đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là Công nghệ và Công nghiệp của Vingroup”, thông cáo viết, trong đó nêu rõ: “Quyết định trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không VinAviation đảm nhiệm. Khóa Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên.”
Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không trên cả nước.
Cần thiết phải nói rằng quyết định dừng dự án Vinpearl Air từ tập đoàn của người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú Phạm Nhật Vượng, là đầy bất ngờ và đem đến cả những sự tiếc nuối.
Mới cách đây ít tuần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) còn trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án vận tải hàng không Vinpearl Air của CTCP Hàng không Vinpearl Air (Vinpearl Air).
Theo báo cáo, dự án có tổng vốn đầu tư là 4.700 tỷ đồng, bao gồm: nguồn vốn chủ sở hữu là 1.300 tỷ đồng (chiếm 27,66%); nguồn vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỷ đồng (chiếm 72,34%).
Vinpearl Air dự kiến hoàn thành các thủ tục và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để chính thức đưa vào vận hành, khai thác bay thương mại trong tháng 7/2020.
Trong năm đầu tiên, Vinpearl Air dự kiến khai thác 6 máy bay loại tầm ngắn, tầm trung thân hẹp, với số ghế từ 150 - 220 ghế thuộc dòng máy bay Airbus như A320-200 Neo và A321-200 Neo hoặc B737-NG. Tới năm 2022, hãng sẽ bắt đầu khai thác thêm dòng máy bay thân rộng từ 280 - 350 ghế với số lượng 3 chiếc. Từ năm 2020 - 2025, trung bình mỗi năm Vinpearl Air sẽ đựa vào khai thác thêm 6 máy bay/năm. Đến năm 2025, đội bay của hãng sẽ đạt 30 chiếc.
Về hiệu quả đầu tư của dự án, Vingroup trù liệu Vinpearl Air có thời gian hoàn vốn kéo dài từ 5 - 6 năm và dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023.
Nhưng như vừa đề cập, Vingroup đã quyết định rút khỏi lĩnh vực vận tải hàng không, đồng nghĩa dự án Vinpearl Air đã khép lại.
Sếp Vingroup nói gì? Phát biểu về quyết định rút khỏi lĩnh vực vận tải hàng không - ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết: Thị trường Hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các Công ty lớn đang tham gia. "Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng Công nghệ - Công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui”, ông Quang nêu rõ. Trong chiến lược phát triển đã được công bố năm 2018, Vingroup đặt mục tiêu sẽ trở thành tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại Dịch vụ hàng đầu Việt Nam trong 10 năm tới. Để thực hiện chiến lược này, tháng 12/2019, Vingroup đã rút khỏi mảng bán lẻ và nông nghiệp. Quyết định dừng đầu tư kinh doanh vận tải Hàng không là bước đi tiếp theo trong việc tái cơ cấu hoạt động, tập trung vào các ưu tiên cốt lõi của tập đoàn này./. |