Tỷ giá VND/USD chỉ tăng nhẹ trong năm 2014 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục ổn định trong năm 2015 khi cán cân thương mại của Việt Nam liên tục thặng dư khả quan trong các năm 2012, 2013 và 2014.
Dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục (36 tỷ USD), tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì một mức tỷ giá VND/USD hợp lý nhằm tạo lập một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.
Tỷ giá hối đoái VND/USD qua các năm. Nguồn: NHNN, MBS
Mặc dù lãi suất huy động VND có xu hướng giảm song vẫn cao hơn đáng kể so với lãi suất huy động USD. Trong bối cảnh lạm phát duy trì ở mức thấp người dân có xu hướng bán USD và nắm giữ VND, tạo điều kiện cho NHNN có thêm nhiều dư địa để duy trì mức tỷ giá VND/USD hợp lý.
Trong năm 2015, USD có xu hướng mạnh lên nhờ sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế Mỹ sẽ tạo sức ép lên VND. Do đó, MBS đánh giá NHNN sẽ chọn giải pháp điều chỉnh tăng nhẹ tỷ giá VND/USD nhằm giảm áp lực đồng thời hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, mức điều chỉnh sẽ không quá 2%.
Cán cân thương mại Việt Nam 2014. Nguồn: MBS tổng hợp
Cán cân thương mại của Việt Nam năm 2014, đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp thặng dư với
mức thặng dư là 2 tỷ USD.
Tuy nhiên trong năm 2015, MBS đánh giá cán thặng dư cân thương mại có khả năng giảm nhẹ khi giá dầu thô (một mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam) đã giảm mạnh trong thời gian qua. Ngoài ra sự sụt giảm của giá cả hàng hóa toàn cầu cũng ảnh hưởng đến nhiều ngành xuất khẩu khác của Việt Nam như cao su, cà phê …
Dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong năm 2015 sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối và xuất khẩu từ khu vực FDI.
Trong cả năm 2014, số vốn FDI giải ngân đạt 12,4 tỷ USD, tăng 7,4 % so với cùng kỳ năm và có triển vọng gia tăng trong năm 2015 khi các nhà đầu tư nước ngoài đã có niềm tin hơn với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam cũng đang đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do với các nền kinh tế lớn, tạo điều kiện để Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư FDI trong thời gian tới.
Theo Bizlive