Theo PBoc, chỉ riêng tháng 7/2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong các tháng trước đó với 42 tỷ USD, mức giảm mạnh hơn so với thời điểm tháng 4/2015.
Dữ liệu của Bloomberg về dự trữ ngoại hối tháng 6/2015 của Trung Quốc
Trước đó, tháng 4/2015 Ngân hàng Thế giới (WB) công bố dự trữ ngoại hối của 22 nền kinh tế hàng đầu thế giới đến thời điểm tháng 12 năm 2014 là 100.000 tỷ USD, trong đó đứng đầu là Trung Quốc với 3.899,3 tỷ USD, gấp 3 lần nước đứng thứ 2 là Nhật Bản (1.260 tỷ USD).
Như vậy, tính từ cuối năm 2014 đến nay, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã bốc hơi 249 tỷ USD, trong đó những tháng 6,7 và 8/2015, dự trữ ngoại hối nước này giảm mạnh nhất, trên 40 tỷ USD/tháng.
Con số công bố của PBoC cũng trùng khớp với các dữ liệu của Bloomberg đưa ra vào cuối tháng 6/2015, khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc vào thời điểm 30/6 là 3.693 tỷ USD, mức giảm mạnh nhất so với thời điểm tháng 4/2015 khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc về mức 3.730 tỷ USD. Bloomberg cho biết trong 7 tháng qua, mỗi tháng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã bốc hơi khoảng 35 tỷ USD.
Theo nhận định của Bloomberg và PBoC, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc suy giảm mạnh là do tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng chứng khoán Trung Quốc bắt đầu từ đầu tháng 7/2015. Ngoài ra do giá vàng thế giới giảm sâu, làm giảm mạnh giá trị vàng dự trữ của Trung Quốc, nước đứng thứ 5 thế giới về dự trữ vàng. Bên cạnh đó, việc đồng nhân dân tệ tăng giá, cũng khiến thương mại 7 tháng qua của Trung Quốc giảm mạnh.
Cụ thể, đầu tháng 7/2015, sau một thời gian được chống đỡ từ Chính phủ, chứng khoán Trung Quốc đã bắt đầu rạn nứt và có nhiều dấu hiệu đổ vỡ. Ngày 8/7, hơn 1.300 doanh nghiệp lớn trên các sàn chứng khoán của Trung Quốc ngừng giao dịch khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc bốc hơi 3.500 tỷ USD so với 1 tháng trước đó từ 10.000 tỷ USD xuống chỉ còn 7.000 tỷ USD.
Theo Chinadaily, sau sự biến này chỉ trong 1 tháng (8/7 – 8/8) đã có hơn 20 triệu nhà đầu tư tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc. Con số này chiếm khoảng 1/3 tổng số nhà đầu tư, dự tính khoảng 51 triệu nhà đầu tư.
Để cứu vãn tình hình, Chính phủ Trung Quốc đã chi nhiều tỷ USD vào thị trường chứng khoán. Theo Ngân hàng Goldman Sach (Mỹ) ngày 8/8, từ tháng 6/2015 đến tháng 8/2015, Chính phủ Trung Quốc đã chi khoảng 900 tỷ Nhân dân tệ (147 tỷ USD để cứu trường chứng khoán nước này. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bốc hơi mạnh trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư nước ngoài lo ngại ngừng đổ tiền đầu tư vào nước này trước triển vọng kinh tế vĩ mô trung và dài hạn u ám.
Bên cạnh đó, theo PBoC, giá vàng thế giới giảm sâu cũng là đòn đánh mạnh dự trữ ngoại hối của nước này bởi hiện tỷ lệ dự trữ vàng trong dự dữ ngoại hối của nước này cũng chiếm tỷ lệ 1,7%. Theo công bố của PBoC, dự trữ vàng của Trung Quốc đến cuối tháng 7/2015 đã giảm xuống còn 59 tỷ USD, so với mức hơn 62 tỷ USD trước đó một tháng trước đó, mức giảm tương ứng 3 tỷ USD.
Một nguyên nhân khác khiến cho dự trữ ngoại hối Trung Quốc giảm là do kim ngạch thương mại nước này 7 tháng đầu năm 2015 giảm. Theo Cục hải quan Trung Quốc công bố ngày 8/8/ cho thấy, kim ngạch thương mại nước này giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2014 xuống mức 13,63 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 2,23 nghìn tỷ USD).
Đáng chú ý, theo PBoC, việc đồng nhân dân tệ đang tăng giá so với USD chính là một trong những thách thức với Trung Quốc, vốn khi nền kinh tế hướng ra xuất khẩu. Tăng giá đồng nhân dân tệ sẽ làm giảm giá trị cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc và khiến các doanh nghiệp nước này phải bỏ nhiều tiền hơn để nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu. PBoC nhận định, nhân dân tệ tăng giá là nguyên nhân khiến dự trữ ngoại hối Trung Quốc sụt giảm trong thời gian qua.
Theo Dân trí