Dự án chế tạo hệ thống phòng thủ "Vòm Sắt" của Israel từng suýt bị hủy trong quá khứ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Israel ngày nay có nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa nổi tiếng bậc nhất thế giới, bao gồm cả Iron Dome (Vòm Sắt) huyền thoại.

Israel từng định hủy dự án phát triển "Vòm Sắt" mà hiện nay là hệ thống phòng thủ cốt lõi của nước này (Ảnh: Getty)
Israel từng định hủy dự án phát triển "Vòm Sắt" mà hiện nay là hệ thống phòng thủ cốt lõi của nước này (Ảnh: Getty)

Dự án Iron Dome suýt bị huỷ

Nhưng ít ai biết được rằng dự án chế tạo hệ thống này suýt chút nữa đã bị huỷ do sự phản đối trong nội bộ quân đội Israel cách đây nhiều thập kỷ. Câu chuyện về Iron Dome cũng cho thấy những thách thức to lớn trong quá trình phát triển các loại vũ khí có thể đóng vai trò then chốt đối với một quốc gia trong tương lai.

Trong những năm 2000, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã quyết định rằng biện pháp phòng thủ tên lửa tốt nhất chính là chiến lược "phản công" nhằm tiêu diệt tên lửa của đối phương trước khi chúng được phóng đi, theo một báo cáo mới của Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI).

"Quan điểm của IDF về mối đe dọa được củng cố bởi giả định rằng, các đòn tấn công chính xác của Israel có thể nhanh chóng làm giảm số lượng các mối đe dọa sắp xảy ra trong một cuộc xung đột lớn, ngay cả khi không thể loại bỏ chúng hoàn toàn", nghiên cứu của Viện này cho hay.

Một số quan chức IDF lo ngại rằng phòng thủ tên lửa sẽ dẫn đến tâm lý chuộng phòng thủ hơn là tấn công kẻ thù. Nhưng vấn đề khi tấn công là làm sao tìm ra được những tên lửa và bệ phóng của địch thủ trước khi chúng khai hỏa. Hamas và Hezbollah thường giấu vũ khí trong các đường hầm và khu vực dân sự, trong khi việc tấn công tên lửa Iran rất khó khăn vì nước này cách Israel cả nghìn km.

"Một chiến dịch phản công có thể hiệu quả hoặc nhanh chóng, nhưng hiếm khi được cả hai yếu tố này", Sidharth Kaushal, một nhà nghiên cứu của RUSI và Tướng Ran Kochav, người từng đứng đầu hệ thống phòng không và tên lửa của Israel cảnh báo.

Hệ thống phòng không và tên lửa tích hợp của Israel, hay IAMD, là một hệ thống nhiều lớp: tên lửa đánh chặn tầm xa Arrow-2 và Arrow-3 để tiêu diệt tên lửa đạn đạo khi chúng ở trong không gian trước khi lao xuống bầu khí quyển, tên lửa đánh chặn tầm trung David's Sling để chống tên lửa đạn đạo tầm ngắn và rocket cỡ lớn, và tên lửa nhỏ của hệ thống Iron Dome để đánh chặn tên lửa tầm ngắn, đạn pháo và đạn súng cối.

Tuy nhiên, IDF từng ngần ngại trong việc chuyển nguồn lực từ vũ khí truyền thống, như xe tăng và máy bay tấn công, sang phòng thủ tên lửa khi ý tưởng này được hình thành vào những năm 1980.

“Các nhà phê bình đã đặt ra nhiều câu hỏi về tính khả thi về mặt kỹ thuật và chi phí của hệ thống cũng như liệu nó có mang lại những lợi ích chiến lược hứa hẹn hay không”, Kaushal và Kochav viết. Trên thực tế, cũng có những lời chỉ trích tương tự ở Mỹ về việc liệu hệ thống phòng thủ tên lửa "Chiến tranh giữa các vì sao" (Star Wars) của Tổng thống Ronald Reagan có hoạt động được hay không.

555.png
Tên lửa đánh chặn Vòm Sắt là một yếu tố quan trọng trong hệ thống phòng không của Israel, đặc biệt là chống lại tên lửa và pháo cối (Getty)

Sự cần thiết của hệ thống phòng không

Các chỉ huy IDF sau đó đã thuyết phục được nhiều người tin vào lập luận của họ nhờ Chiến dịch Mole Cricket 19 trong Chiến tranh Lebanon năm 1982. Sử dụng máy bay không người lái và máy bay tấn công, Không quân Israel (IAF) đã tiêu diệt 29 khẩu đội tên lửa đất đối không của Syria chỉ trong giờ đồng hồ mà không chịu bất kỳ tổn thất nào. Nếu IAF có thể tiêu diệt các tên lửa phòng không từ trước khi chúng khai hỏa, thì tại sao không làm được tương tự với các bệ phóng tên lửa đạn đạo?

Tuy nhiên, trong những năm 1990, các chính trị gia như ông Yitzhak Rabin, cựu Tổng tham mưu trưởng Israel, vẫn đã kiên trì với ý tưởng xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa cho Nhà nước Do Thái. Nguồn tài trợ hào phóng của Mỹ lúc bấy giờ cũng xoa dịu những lo ngại của IDF về nguồn tài nguyên.

Việc tự chế tạo một hệ thống phòng thủ tên lửa cũng dần được ủng hộ hơn sau khi lãnh đạo Iraq Saddam Hussein bắn tên lửa đạn đạo Scud vào Israel trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991: Israel lúc bấy giờ phải dựa vào tên lửa đánh chặn Patriot đặt tại Israel (do Mỹ điều khiển) để ngăn chặn Scud – thế nhưng hầu như không có chiếc nào trong số 40 tên lửa Scud được đánh chặn. Sự thất vọng của Israel đối với Patriot chính là một yếu tố thúc đẩy họ tự phát triển hệ thống phòng không của riêng mình.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel cũng phát triển khi các mối đe dọa thay đổi. Ban đầu, hệ thống tên lửa Arrow được phát triển để đánh chặn tên lửa đạn đạo.

“Hệ thống này đã đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo lần đầu tiên vào năm 1990, đánh dấu một cột mốc kỹ thuật quan trọng”, RUSI cho hay. “Mặc dù đã thử nghiệm thành công nhưng dự án Arrow vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm các vấn đề kỹ thuật, vượt ngân sách và chậm trễ”.

Nhưng rồi, sự trỗi dậy của phong trào Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon đồng nghĩa với việc Israel bị đe dọa bởi tên lửa và pháo tầm ngắn mà hệ thống Arrow tầm cao không thể làm gì được. Đến năm 2011, Israel đã triển khai hệ thống Iron Dome và đã chứng minh được hiệu quả tuyệt vời của nó trong việc xác định và đánh chặn tên lửa trước khi chúng rơi vào các khu vực đông dân cư.

666.png
Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ chế tạo (Ảnh: Reuters)

Còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, một số quan chức ở Israel vẫn cho rằng cách phòng thủ tốt nhất là tấn công, nghĩa là kiểm soát được vị trí nơi tên lửa được bắn hoặc phá hủy khả năng bắn của đối phương.

“Các nhà phê bình chỉ ra rằng mặc dù Iron Dome giảm thiểu một cách hiệu quả mối đe dọa từ tên lửa ngay lập tức, nhưng nó không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột cũng như không đưa ra giải pháp lâu dài cho những thách thức an ninh mà Israel phải đối mặt”, Kaushal và Kochav viết.

"Cuối cùng, lập luận cho rằng hệ thống phòng không đã tạo ra tâm lý “Maginot” trong lực lượng liên tục xuất hiện", hai tác giả ám chỉ đến các tuyến phòng thủ của Pháp mà quân đội Đức Quốc xã đã vượt qua khi bắt đầu Thế chiến II.

Từ những năm 1960 đến những năm 1980, hệ thống phòng thủ tên lửa thường được coi là không khả thi, giống như một nỗ lực viển vông nhằm bắn trúng một viên đạn bằng một viên đạn khác. Nhưng công nghệ đã phát triển nhanh đến mức hệ thống phòng thủ tên lửa giờ được coi là thứ khả năng không thể thiếu.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đã phải đối mặt với thử thách khó khăn nhất vào tháng 4/2024, khi Iran phóng hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái vào Israel. IDF tuyên bố khoảng 99% đã bị chặn. Nhưng Iran đã báo trước về đòn tấn công này nên Israel có thời gian chuẩn bị. Lực lượng từ nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh và Jordan, cũng giúp ngăn chặn cuộc tấn công của Iran.

Hàng chục quốc gia hiện đang vận hành Patriot, S-300 và các hệ thống phòng không khác có khả năng bắn hạ tên lửa, máy bay và máy bay không người lái cỡ lớn. Đặc biệt, Ukraine đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc đánh chặn tên lửa của Nga.

Phòng thủ tên lửa luôn là điều khó khăn, đặc biệt là bởi việc chế tạo nhiều tên lửa tấn công sẽ rẻ hơn so với việc phòng thủ đánh chặn.

Hai chuyên gia Kaushal và Kochav cho hay các chương trình tên lửa và không quân tích hợp "đặc biệt dễ bị trì hoãn và tăng chi phí do tính phức tạp vốn có của những thách thức mà chúng gặp phải". Vấn đề này trở nên tồi tệ hơn khi các hệ thống phòng thủ tên lửa như của Israel phải đối phó với nhiều mối đe dọa, bao gồm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và pháo phản lực.