Theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trận động đất mạnh 7,9 độ Richter có tâm chấn nằm giữa thủ đô Kathmandu và thành phố Pokhara. Chấn động có thể được cảm nhận ở thủ đô New Delhi và một số thành phố miền bắc Ấn Độ. Tiếp đó là hơn 15 cơn dư chấn cường độ từ 4,5-6,6 độ Richter.
Tối 25-4, cảnh sát Nepal ước tính có ít nhất 1.200 người thiệt mạng, trong đó bao gồm 634 người tại khu vực thung lũng Kathmandu, và hơn 1.700 người bị thương.
Trong khi đó, Trung tâm khẩn cấp quốc gia và quân đội Nepal đưa ra con số hơn 1.457 nạn nhân. Số người chết tại thủ đô Kathmandu lên đến hơn 300 người. Nước láng giềng Ấn Độ có 36 người thiệt mạng, Bangladesh là 4 người, Trung Quốc là 12 người.
“Nỗ lực cứu hộ vẫn đang tiếp diễn. Chúng tôi sợ rằng con số sẽ còn tăng khi đào xuống các đống đổ nát” - AFP dẫn lời người phát ngôn cảnh sát Nepal Kamal Singh Bam nói.
Sự chuẩn bị kém của Nepal, nơi nhiều gia đình sống chen chúc trong những ngôi nhà cũ nát, luôn là điều đáng lo ngại mỗi khi xảy ra động đất.
Chưa bao giờ khủng khiếp như vậy
Tại thủ đô Kathmandu, Reuters miêu tả nhiều tòa nhà biến thành đống gạch vụn trong nháy mắt, trong khi bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị gãy chân tay. Ít nhất 200 người bị kẹt bên trong tòa tháp cổ Dharara xây dựng từ thế kỷ 19 khi tòa tháp này đổ sập sau trận động đất.
Chị Kim Cương, chủ chuỗi nhà hàng Việt Nam ở thủ đô Kathmandu, cho Tuổi Trẻ biết mức độ động đất kinh hoàng chưa từng có vì chị nhìn thấy cảnh đổ sập khắp nơi. Chị Kim Cương đang ở trong nhà hàng Saigon Phở thì bắt đầu cảm nhận những rung lắc.
Ban đầu chị nghĩ có xe tải chạy qua nên đường rung nhưng mọi thứ bắt đầu lắc mạnh hơn. “Tôi và tất cả mọi người trong nhà hàng hoảng loạn chạy ra ngoài. Hai nhân viên của quán chạy nhanh quá bị té chảy cả máu chân. Tôi cũng hoảng loạn quá chạy bị té chảy máu tay” - chị Kim Cương nhớ lại.
Chạy ra đến đường, mọi thứ còn tồi tệ hơn. Theo lời chị, xe máy đang đi ngoài đường té nhào, nhiều người bị thương nằm la liệt, kẻ la người khóc, xe hơi ngừng chạy hết, tài xế bỏ chạy. “Nhiều cô gái ôm nhau ngồi khóc. Cảnh tượng rất hỗn loạn” - chị Kim Cương thuật lại và nói thêm sau đó có rất nhiều dư chấn khiến người dân không dám vào nhà.
Trong mắt chị là khung cảnh đáng sợ chưa từng thấy. “Nhà đổ, tường sập, người chết, người bị thương, xe cấp cứu chạy đầy ngoài đường. Tòa tháp cổ Kathmandu biến mất hoàn toàn rồi” - chị tả lại cảnh tượng xung quanh và nói thêm khu phố Thamel nơi có đông khách du lịch nước ngoài bị thiệt hại rất nặng.
Dường như cả đất nước Nepal đều bị thiệt hại sau trận động đất lớn này. Chị Kim Cương kể rằng các địa phương đều báo về qua các phương tiện truyền thông rằng bị ảnh hưởng nặng. “Mọi thứ chưa bao giờ khủng khiếp như vậy.
Nhiều dư chấn mạnh xảy ra sau đó. Sân bay Kathmandu hiện đang đóng cửa. Đáng lẽ tôi phải về Việt Nam vào buổi trưa, mà giờ thì không biết sao. Bạn tôi làm ở bên hàng không nói hành khách ở sân bay cũng đang bấn loạn. Sân bay phải đóng cửa vì sợ mất đồ của hành khách” - chị nói.
Từ thủ đô Thimphu của nước Bhutan kế cận, một số người địa phương cho Tuổi Trẻ biết họ cũng cảm nhận được rung chuyển mạnh từ trận động đất mặc dù ở Bhutan các thiệt hại dường như không đáng kể. Reuters cho biết những người leo núi ở Everest đang lo sợ các vụ lở tuyết sau các chấn động dưới lòng đất.
Tháp Dharara trước động đất - Ảnh: thepicjournal.blogspot.com |
Mùa leo núi
Cô Devyani Pant, một du khách Ấn Độ, cho biết cô đang ngồi trong quán cà phê với bạn thì bàn ghế bắt đầu rung chuyển, các bức tranh trên tường rơi xuống đất. “Tôi hét lên rồi phóng ra ngoài - cô nhớ lại - Bây giờ chúng tôi đang thu dọn thi thể và đưa những người bị thương lên xe cấp cứu. Chúng tôi buộc phải xếp họ chồng lên nhau cho đủ chỗ”.
Các quan chức Nepal cũng lo ngại thảm kịch cho ngành du lịch nước này khi động đất đã gây ra một số vụ lở tuyết trên núi Everest khiến ít nhất 10 người thiệt mạng. Bộ Du lịch Nepal ước tính có gần 1.000 người leo núi, gồm 400 người nước ngoài, đang ở khu cắm trại hoặc trên núi khi xảy ra động đất. Có khoảng 300.000 du khách nước ngoài đang ở Nepal để chuẩn bị cho mùa leo núi.
Bộ trưởng thông tin Nepal Minendra Rijal cho biết khu vực gần tâm chấn bị tàn phá nặng nề. “Chúng tôi kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm và thiết bị để xử lý tình trạng khẩn cấp mà chúng tôi đang đối mặt" - ông nói.
Ngay sau đó, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố Paris sẵn sàng hỗ trợ Nepal trong cứu hộ thảm họa. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết trên Twitter: “Chúng tôi đang tìm kiếm thông tin và nỗ lực tiếp cận những người bị ảnh hưởng, ở Ấn Độ và Nepal”.
Mỹ cũng cho biết đang gửi một đội phản ứng thảm họa đến Nepal hỗ trợ và chi 1 triệu USD để giải quyết các nhu cầu khẩn cấp trước mắt.
|
Những gì còn lại của tháp Dharara sau trận động đất ngày 25-4 - Ảnh: AFP |