Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với BambuUP công bố cho thấy toàn cảnh bức tranh tăng trưởng kinh tế năm 2023 tại khu vực này.
Báo cáo cho thấy, tương tự như cả nước, kinh tế vùng ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Đóng góp cho sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 là sự hồi phục mạnh mẽ của khu vực công nghiệp và dịch vụ, với mức tăng trưởng năm 2022 đạt 11%. Đồng thời, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trường ổn định so với giai đoạn trước.
Trong những năm trở lại đây, cơ cấu GRDP của vùng ĐBSCL gần như không có sự thay đổi. Sự chuyển dịch từ khu vực I sang khu vực II và III chỉ dao động trong khoảng 1-2 điểm phần trăm. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do ĐBSCL phải tiếp tục giữ trọng trách an ninh lương thực, nên việc tái phân bổ nguồn lực, đặc biệt là đất lúa, chịu nhiều ràng buộc trong quá trình chuyển đổi.
Chất lượng lao động, thể hiện qua tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL tuy có cải thiện song vẫn luôn là một quan ngại lớn. Trong năm 2022, tỷ lệ này tại ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%). Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của vùng.
Sự phân hóa về tỷ lệ hộ nghèo giữa các tỉnh trong vùng là rất lớn. Các tỉnh công nghiệp, dịch vụ phát triển như: Long An, Tiền Giang, Cần Thơ có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, trong khi các tỉnh mạnh về nông nghiệp như: Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Sóc Trăng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Theo VCCI, ĐBSCL đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung, thì đến năm 2021 PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI ở mức trung bình.
Nếu không có những nỗ lực cải thiện đúng mức, ĐBSCL vốn đã bất lợi sẽ càng trở nên thất thế trong nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Tăng trưởng đầu tư của ĐBSCL tuy duy trì được sự ổn định, song vẫn thấp hơn so với cả nước, khiến tỷ trọng đầu tư của vùng so với cả nước giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022. Trong giai đoạn 2017-2022, tốc độ tăng trưởng đầu tư thực trung bình của vùng đạt 5,2%.
3 yếu tố then chốt ảnh hưởng sự phát triển của khu vực
Báo cáo năm 2023 xác định thể chế, quản trị và liên kết vùng là 3 yếu tố then chốt, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn. Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nếu không được sớm giải quyết, sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế vùng, kéo theo những hệ lụy tụt hậu mang tính nan giải về môi trường và xã hội. Ba vòng xoáy đi xuống của kinh tế, xã hội và môi trường mà vùng đang gặp phải từ nghiên cứu trước chỉ ra, là những thách thức lớn cần được tháo gỡ.
Báo cáo cũng cho thấy, 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở ĐBSCL, bao gồm: (i) Điều kiện tự nhiên; (ii) Công nghệ; (iii) Vốn nhân lực; (iv) Kết cấu hạ tầng; (v) Môi trường đầu tư - kinh doanh; và (vi) Cơ chế quản trị - hợp tác - liên kết vùng.
"Các nguyên nhân trực tiếp này lại là kết quả của nhiều thể chế, chính sách, và các quá trình kinh tế đan xen được tạo thành từ những nguyên nhân thể chế có tính nền tảng. Như vậy, các nút thắt thể chế đang làm cản trở phát triển kinh tế vùng trong hiện tại và nếu không được điều chỉnh, cả trong dài hạn thì vùng sẽ khó phát triển nhanh và bền vững" - Bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUP nói./.