Ngày 8/5, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, khôi phục trừng phạt đối với Iran. Ông nói: “Rõ ràng, theo kết cấu yếu kém của thỏa thuận hiện nay, chúng ta không thể ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”. “Vì vậy, hôm nay, tôi tuyên bố, Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran”. Ông nói thêm rằng điều này cho thấy Mỹ sẽ không tiến hành đe dọa “suông”.
Thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được vào năm 2015, thỏa thuận này đã làm giảm trừng phạt đối với Iran. Đổi lại, chương trình hạt nhân của Iran bị hạn chế. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên phê phán thỏa thuận này là “thảm họa”.
Ông Donald Trump cho rằng thỏa thuận này không thể ngăn chặn Iran thử tên lửa đạn đạo. Hơn nữa, theo thỏa thuận việc hạn chế chương trình hạt nhân của Iran cuối cùng chắc chắn sẽ đến hạn.
Nhưng ông Donald Trump luôn chịu sức ép hai mặt, một bên có EU mong muốn Mỹ không nên rút khỏi thỏa thuận, một bên là Israel, nước chỉ trích Iran nói và làm bậy.
Phía Pháp cho rằng không có “phương án B” thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi đó, vào đầu tuần này, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đã đến Washington thuyết phục các quan chức cao cấp của chính quyền Donald Trump không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Trên tờ Thời báo Washington Mỹ, ông Boris Johnson cho rằng trong thời điểm hiện nay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là một “sai lầm”, không đem lại lợi ích gì và chỉ làm cho Iran “được lợi”.
Trong khi đó, vào tuần trước, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đưa ra nhiều “chứng cứ” chứng minh Iran đã bất chấp thỏa thuận, vẫn đang có ý đồ chế tạo bom nguyên tử.
Mặc dù các thanh sát viên quốc tế chứng minh Iran tuân thủ thỏa thuận, nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng phát biểu của Thủ tướng Israel cho thấy “tôi luôn đúng 100%” khi đề cập đến ý đồ hạt nhân của Iran.
Iran kiên trì cho rằng họ không vi phạm thỏa thuận hạt nhân, đồng thời phàn nàn rằng Iran còn chưa nhìn thấy các lợi ích kinh tế từ việc giảm trừng phạt. Tehran luôn cho biết không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng có quyền triển khai chương trình hạt nhân dân dụng vì hòa bình.
Trên truyền hình vào Chủ nhật vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Iran đã đưa ra nhiều kế hoạch để ngăn chặn bất cứ quyết định nào của ông Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân. Nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận thì họ sẽ “ý thức được rằng quyết định này sẽ trở thành điều đáng tiếc mang tính lịch sử”.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có khả năng đe dọa đến lợi ích của Mỹ và phương Tây tại Iran, đồng thời có thể giúp cho “đối thủ” Trung Quốc thay thế, đến khai thác dầu khí tại Iran.
Theo tờ Thời báo Washington, nếu Mỹ tiến hành trừng phạt lại với Iran, thì chính phủ và các doanh nghiệp Mỹ sẽ phải thu hẹp và chấm dứt các hoạt động với Iran, chẳng hạn giảm mua sắm dầu mỏ từ Iran.
Anh, Đức và Pháp từng cho biết cho dù Mỹ rút khỏi thỏa thuận, họ cũng không có kế hoạch rút khỏi thỏa thuận này. Nhưng hệ thống tài chính toàn cầu đều có liên quan chặt chẽ với New York, các nước khác rất khó tiếp tục triển khai quan hệ làm ăn với Iran mà không bị ảnh hưởng bởi trừng phạt của Mỹ.
Một khi thỏa thuận hạt nhân Iran bị đổ vỡ, Iran sẽ không còn bị ràng buộc bởi chế độ thanh sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế. Nếu Iran hủy bỏ thỏa thuận, sự thay đổi của tình hình Trung Đông sẽ gây ra lo ngại cho không ít quốc gia.