[ĐỌC CHẬM] The Economist: Mỹ tránh được thảm họa vỡ nợ nhưng chưa thoát thảm kịch tài chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Dự luật trần nợ mới được Quốc hội Mỹ thông qua tạo được tiếng vang, nhưng có thể sẽ không mang lại nhiều kết quả tích cực, theo giới phân tích.

1.png
Dự luật về trần nợ đã được Quốc hội Mỹ thông qua và chuyển tới Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký duyệt (Ảnh: EPA)

Đến hẹn lại lên, màn kịch về trần nợ công ở Mỹ cứ 2 năm lại diễn ra một lần và thường không có kết cục tốt đẹp. Kịch bản trong năm nay cũng vậy, và nó đang hướng đến một kết cục mà ai cũng có thể đoán được.

Sau khi đe doạ cả thế giới bằng nguy cơ vỡ nợ và một thảm hoạ tài chính, đảng Cộng hoà ở Quốc hội Mỹ đã nhận được sự nhượng bộ khiêm tốn từ Tổng thống Joe Biden và đi đến thoả thuận rằng nước Mỹ cần phải tôn trọng các nghĩa vụ của mình.

Hai bên đã đạt được một thoả thuận nhằm nâng trần nợ công, cho phép chính phủ tiếp tục vay mượn tiền – đảo ngược thảm hoạ vỡ nợ trong vòng ít nhất là 18 tháng tới. Các lãnh đạo đảng Cộng hoà đã gọi thoả thuận này – có tên là Đạo luật trách nhiệm tài chính – là một chiến thắng lịch sử, xét về sự thận trọng trong vấn đề ngân sách. Nhưng trên thực tế, nó không có tác dụng giải quyết được nguồn gốc sự vô trách nhiệm tài chính ở Mỹ.

Ngày 31/5 (theo giờ Mỹ), thoả thuận trần nợ đã vượt qua rào cản khó khăn nhất khi được Hạ viện phê duyệt với tỷ lệ 314 phiếu thuận/117 phiếu chống. Đến rạng sáng ngày 2/6, dự luật cũng được Thượng viện thông qua với tỷ lệ 63 thuận/36 chống. Ông Biden cần ký duyệt trước ngày 5/6, thời điểm mà Bộ Tài chính cảnh báo rằng nước Mỹ sẽ cạn tiền mặt.

Trước đó, một vài thượng nghị sĩ bảo thủ đã lên tiếng đe doạ trì hoãn dự luật này, nhưng việc thông qua là điều chắc chắn. Điều này là do cả Chuck Schumer, thủ lĩnh nhóm đa số đảng Dân chủ tại Thượng viện, và Mitch McConnell, thủ lĩnh nhóm thiểu số đảng Cộng hoà, đều cực lực ủng hộ thoả thuận này. Tại Hạ viện, sự ủng hộ này cũng đến từ lưỡng đảng, trong đó bao gồm 2/3 số thành viên đảng Cộng hoà và 4/5 thành viên đảng Dân chủ.

Tại Thượng viện, dự luật được ủng hộ bởi các nghị sĩ ôn hòa ở cả hai bên, nhiều người trong số họ bày tỏ sự ngờ vực về nhiều phần của thỏa thuận nhưng cho rằng sự quan ngại của họ không là gì nếu so với nguy cơ vỡ nợ.

im-765893.jpg
Để đạt được thỏa thuận, cả hai bên đều phải đưa ra sự nhượng bộ nhất định (Ảnh: MarketWatch)

Cắt giảm chi phí không hiệu quả

Dự luật về trần nợ này dường như cũng tạo được ấn tượng. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), một cơ quan trung lập, đã tính toán rằng trong vòng một thập kỷ tới, dự luật này sẽ giảm khoảng 1,3 nghìn tỷ USD chi tiêu của Mỹ. Khi được tính bằng nghìn tỉ thay vì tỉ, thì trên định nghĩa đương nhiên con số này rất lớn.

Nhưng vấn đề là chi tiêu liên bang lên đến cả chục nghìn tỉ: CBO kỳ vọng sẽ chi khoảng 80 nghìn tỉ trong vòng một thập kỷ tới. Hơn nữa, ước tính về thoả thuận nợ của họ cũng quá lạc quan. Các thoả thuận bên lề giữa Nhà Trắng và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy sẽ giảm bớt các khoản cắt giảm chi tiêu.

Donald Schneider, chuyên gia về ngân sách, cho rằng chỉ riêng việc áp dụng "kế toán sáng tạo" cũng có thể xoá sạch hơn 90 tỉ USD khỏi kế hoạch giảm chi tiêu này. Quan trọng hơn, hạn chế chi tiêu chỉ có thể có hiệu lực trong năm 2024 và 2025.

Bởi vậy, nếu cộng dồn tất cả tầm ảnh hưởng kinh tế của thoả thuận này, sẽ thấy nó không có nhiều hiệu quả.

Michael Feroli, nhà kinh tế học đến từ JPMorgan Chase, ước tính rằng dự luật trần nợ mới sẽ giảm chi tiêu của chính phủ khoảng 0,2% GDP trong năm tới, đây là con số nhỏ hơn nhiều so với mức giảm 0,7% trong năm 2011 – thời điểm cũng diễn ra bất đồng về trần nợ dưới thời Tổng thống Barack Obama.

Tin vui cho ông Biden là nhược điểm của kế hoạch cắt giảm chi tiêu có thể rất khó nhận thấy. Mark Zandi, nhà kinh tế đến từ Moody’s Analytics, cho rằng những nhược điểm này có thể chỉ làm tăng tỷ lệ thất nghiệp lên khoảng 0,1% trong năm tới. Còn tin xấu là, cắt giảm chi tiêu sẽ gần như không có tác dụng trong việc kiềm chế lạm phát.

107249148-16856211802023-06-01t024428z_915172272_rc21a1asxc1p_rtrmadp_0_usa-debt.jpeg
Các kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong dự luật mới được cho là không thực sự hiệu quả (Ảnh: CNBC)

Viễn cảnh tài chính vẫn đáng ngại

Một thoả thuận yếu kém rõ ràng tốt hơn là không có thoả thuận nào – điều có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng trên các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, con đường tài chính của nước Mỹ vẫn rất đáng lo ngại.

Vào ngày 26/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dấy lên hồi chuông báo động về tình hình tài chính của Mỹ. Nợ liên bang do các nhà đầu tư trong và ngoài nước nắm giữ đã đạt 93% GDP, gần gấp 3 lần con số được ghi nhận ngay trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009. Đến cuối thập kỷ này, chính phủ Mỹ mỗi năm có thể chi tiền thanh toán lãi thậm chí còn nhiều hơn cả ngân sách quốc phòng.

Có hai phần của ngân sách Mỹ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giải quyết các vấn đề tài chính. Phần thứ nhất là chi tiêu theo quyền lợi – như các khoản lương hưu và bảo hiểm y tế dành cho người già. Những khoản này chiếm gần 2/3 chi tiêu của liên bang, và dự kiến sẽ còn tăng khi dân số già đi. Phần còn lại là doanh thu từ thuế, trong đó chính phủ Mỹ chỉ được nhận lấy một phần nhỏ của GDP nếu so với hầu hết các nước thu nhập cao.

Tuy nhiên, cả hai phần này hoàn toàn không được nhắc đến trong các cuộc đàm phán về trần nợ: Đảng Dân chủ lo lắng về tác động đến hoạt động bầu cử của họ do thuế cao hơn, trong khi đảng Cộng hoà lo sợ hậu quả từ việc cố gắng cắt giảm chi tiêu theo quyền lợi. Do cả hai đảng đều nhất trí tăng ngân sách quốc phòng, nên cắt giảm chi tiêu sẽ hoàn toàn tập trung vào các chương trình “phi quốc phòng” – chỉ chiếm khoảng 15% ngân sách. Các đợt cắt giảm, hiện chưa được thực hiện, sẽ gây ảnh hưởng tới các công viên quốc gia, trường học, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và nhiều hơn nữa.

Có thể một số điều tốt lành sẽ xuất hiện. Ông McCarthy đã kêu gọi một uỷ ban lưỡng đảng tính toán cách khắc phục tình hình tài chính của đất nước – một ý tưởng khiến nhiều người bật cười. Brian Riedl, đến từ Viện Manhattan, một hãng phân tích có trụ sở tại New York, lại không hoàn toàn bác bỏ.

“Các uỷ ban như vậy có thể có tác dụng nếu như cả hai đảng đều thực sự cam kết đạt được kết quả thay vì để cho có”, ông nói.

Trong khi đó, ông Biden cũng đề xuất rằng ông có thể có động thái "thách thức pháp lý" để xem trần nợ có hợp hiến hay không, một động thái từ lâu đã được nhóm cấp tiến trong đảng Dân chủ hối thúc.

Những người mơ mộng có thể tưởng tượng về một tương lai khi mà hai nỗ lực đó sẽ kết hợp với nhau: một uỷ ban tài chính sẽ dẫn dắt các cuộc cải cách ngân sách nghiêm túc, trong khi một vụ kiện thành công sẽ giải phóng nước Mỹ khỏi ám ảnh về trần nợ. Nhưng sẽ không mất nhiều thời gian để thực tế chính trị khắc nghiệt xâm phạm vào ước mơ đó. Thỏa thuận mới nhằm nâng trần nợ công sẽ có hiệu lực đến đầu năm 2025, và vào thời điểm đó màn kịch tiếp theo về trần nợ gần như chắc chắn sẽ lại bắt đầu.

Theo The Economist