Việc cổ phiếu VFS của VinFast chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng đầu tư tài chính. Ít được chú ý hơn, nhiều năm trước, một doanh nghiệp Việt Nam khác cũng từng ghi dấu trên sàn chứng khoán Mỹ, đó là CTCP Xây dựng và Đầu tư Việt Nam (Cavico).
Cũn chọn cách qua 'cửa' SPAC, Cavico niêm yết trên sàn phi tập trung (OTC) Pink Sheets vào năm 2006, rồi sau đó chuyển sang sàn OTC Bulletin Board (OTC.BB) vào năm 2008.
Đến tháng 9/2009, Cavico chính thức 'đặt chân' lên sàn Nasdaq với mã chứng khoán CAVO nhưng bị hủy niêm yết sau chưa đầy 2 năm do vi phạm quy định về công bố thông tin.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, trong giai đoạn 2006 - 2007, nhiều thành viên của Cavico cũng góp mặt trên sàn, kể như: CTCP Cavico Việt Nam Khai thác mỏ và Xây dựng (Cavico Mining - Mã CK: MCV), CTCP Cavico Khoáng sản và Công nghiệp (Cavico Industry & Mineral - Mã CK: CMI) và CTCP Cavico Xây dựng nhân lực và Dịch vụ (Cavico Construction Manpower & Services - Mã CK: CMS).
Trong đó, MCV đã bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 11/5/2012 do vi phạm các quy định về công bố thông tin.
Cavico Construction Manpower & Services hiện đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn CMH Việt Nam. Tương tự, Cavico Industry & Mineral được đổi tên thành CTCP CMISTONE Việt Nam.
Được thành lập vào đầu thập niên 2000, từ một nhà thầu phụ, Cavico đã phát triển thành tập đoàn đa ngành, gồm nhiều doanh nghiệp thành viên như: Cavico Cầu hầm, Cavico Khai thác mỏ và xây dựng, Cavico Xây lắp điện, Cavico Hạ tầng, Cavico Thương Mại, Cavico Giao thông và Cavico Du lịch.
Cavico từng là nhà thầu thi công xây dựng nhiều dự án năng lượng như Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 (180MW), Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 4 (340 MW), Nhà máy Thủy điện Nậm Chiến (Sơn La).
Ngoài ra, công ty này cũng trực tiếp tham gia đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng đô thị, công nghiệp vật liệu tại tỉnh Sơn La như Khu đô thị Chiềng Ngần, Nhà máy xi măng Mai Sơn.
Sự phát triển của Cavico mang đậm dấu ấn của doanh nhân gốc Hà Nam - ông Bùi Quảng Hà. Đơn cử như Công ty TNHH Cavico Việt Nam (Cavico Việt Nam).
Cập nhật tới ngày 28/9/2022, Cavico Việt Nam có quy mô vốn điều lệ hơn 200 tỉ đồng, cơ cấu sở hữu gồm 4 thể nhân. Trong đó, vị doanh nhân sinh năm 1964 đại diện cho phần vốn góp 50,01 tỉ đồng (theo mệnh giá), tương ứng với 25% vốn điều lệ.
Mối hợp tác với VinES
Thoái lui khỏi thị trường chứng khoán, 'hệ sinh thái' Cavico của doanh nhân Bùi Quảng Hà vẫn tiếp tục phát triển, đặc biệt là mảng khai khoáng.
Năm 2021, Công ty TNHH Cavico Lao Mining – thành viên của Cavico – được Chính phủ Lào cấp phép đầu tư khai thác mỏ Nickel với trữ lượng lên tới 500.000 tấn quy kim loại trong vòng 20 năm.
Cuối năm ngoái, Cavico Lao Mining và CTCP Giải pháp năng lượng VinES (VinES) – thành viên của Tập đoàn Vingroup – đã ký biên bản hợp tác về việc cung ứng Nickel phục vụ cho việc sản xuất pin lithium.
Cái 'bắt tay' giữa Cavico và VinES được kỳ vọng sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu Nickel cho các kế hoạch sản xuất, phát triển các dòng pin cho xe điện và thiết bị lưu trữ điện năng của VinES.
Hiện tại, VinES đang vận hành hai nhà máy sản xuất cell pin và pack pin trong Tổ hợp Nhà máy sản xuất ô tô - xe máy điện VinFast (Hải Phòng) và chuẩn bị đưa vào hoạt động một nhà máy công suất 100.000 pack pin/năm tại Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Trước đó, cuối tháng 11/2022, VinES và đối tác Gotion High-tech đã khởi công xây dựng nhà máy liên doanh sản xuất pin lithium-ion (LFP) tại Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư khoảng 6.329 tỉ đồng (275 triệu USD).
Nhà máy dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2023 với công suất mục tiêu 5 GWh pin LFP/năm, tương đương với khoảng 100.000 bộ pin/năm (mỗi bộ 50 kWh)./.