Doanh nghiệp hưởng lợi từ Cổng dịch vụ công quốc gia

VietTimes – Chiều nay (12/6), tại thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra hội nghị trực tuyến giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích mang lại cho doanh nghiệp. Chủ trì hội nghị là đồng chí Mai Tiến Dũng – Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Đồng chí Mai Tiến Dũng tại buổi hội nghị (Nguồn: Thông tin Chí phủ)
Đồng chí Mai Tiến Dũng tại buổi hội nghị (Nguồn: Thông tin Chính phủ)

Phát biểu tại hội nghị này, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Logistic Việt Nam - hoan nghênh về việc công bố Cổng dịch vụ công quốc gia, đồng thời ông rất vui khi nghe tin sắp tới đầu mối duy nhất kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu là cơ quan hải quan. Qua đó, Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ góp phần làm giảm chi phí về logistic.

“Hiện nay, chi phí logistic của Việt Nam đang khá cao so với khu vực. Theo thống kê gần đây nhất của Ngân hàng Thế Giới, chi phí logistic tại Việt Nam tương đương khoảng 20% GDP” – ông Hiệp nói.

Ông Hiệp mong rằng, sẽ có thêm nhiều tích hợp hơn nữa trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với ngành dịch vụ logistic, đặc biệt đối với dịch vụ thông quan, kiểm tra chuyên ngành và những dịch vụ liên quan.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cho biết, Hiệp hội Logistic cũng đang cố gắng giảm thiểu những vấn đề cần sử dụng đến giấy tờ, số hóa những chứng từ vận tải, số hóa lệnh giao hàng, qua đó giảm tải các chi phí về giấy tờ cho doanh nghiệp.

Tiếp nhận ý kiến của ông Hiệp, về lợi ích Cổng dịch vụ công mang lại, ông Mai Tiến Dũng cho biết, chưa bao giờ hải quan cải cách được như hiện nay, qua đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí.

Tới đây tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thực hiện chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành, theo hướng cơ quan hải quan là cơ quan đầu mối duy nhất kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu.

Về Chính phủ điện tử, Việt Nam đã triển từ những năm 2000, đến nhiệm kỳ Chính phủ Quốc hội khóa XIV, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì quá trình này đã được triển khai rất nhanh, sớm đạt được nhiều lợi ích.

Chính thức khai trương từ tháng 12/2019, Cổng dịch vụ công quốc gia bao gồm 8 nhóm dịch vụ với 512 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 288 dịch vụ cho doanh nghiệp.

Từ khi thành lập đến nay, có 37 triệu lượt người truy cập vào hệ thống. Bộ phận kỹ thuật tiếp nhận và hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi, trên 5.600 phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.

Cổng dịch vụ công quốc gia (Nguồn: dichvucong.gov.vn)
 Giao diện Cổng dịch vụ công quốc gia (Nguồn: dichvucong.gov.vn)

Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ XIV đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 3.893 trên 6.191 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 6.776 trong tổng 9.926 danh mục ngành hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Ông Dũng cho biết, khi triển khai chính phủ điện tử thì nền tảng cơ sở dữ liệu rất quan trọng. Nhưng hiện nay mới chỉ có cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Trong đó bảo hiểm y tế khoảng 85 triệu dữ liệu và bảo hiểm xã hội khoảng trên 5 triệu dữ liệu. Bên cạnh đó, có thêm cơ sở dữ liệu quốc gia, doanh nghiệp, tài chính.

Trong khi đó, cơ sở dữ liệu quan trọng nhất về dân cư và đất đai lại chưa có.

Ông Dũng cho rằng, việc hoàn thành cơ sở dữ liệu không phải ngay lập tức, nhưng với tinh thần vừa làm vừa hoàn thiện, củng cố thì sẽ sớm thực hiện được, nếu cứ chờ và đảm bảo vấn đề đồng bộ thì sẽ không thể làm được gì cả.

Ông Mai Tiến Dũng nhận định, những cái khó của Cổng dịch vụ công đang được thực hiện tốt mặc dù mới đưa vào hoạt động hơn 6 tháng. Nhưng quan trọng nhất, các doanh nghiệp cần tham gia ủng hộ để phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp tham gia và Cổng dịch vụ công rất thấp.

Cụ thể, trong tổng số 166.352 tài khoản đăng nhập một lần tại Cổng dịch vụ công quốc gia thì có 164.589 tài khoản cá nhân, chỉ có 1.763 tài khoản doanh nghiệp (hơn 1%). Doanh nghiệp hiện nay vẫn đang rất thờ ơ, mặc dù đây là lợi ích lớn cho doanh nghiệp về tiết kiệm thời gian, chi phí.

Cuối cùng, ông Dũng cho biết, Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục cải tiến quy trình, xử lý những vấn đề bất cập, qua đó cũng tiếp nhận những ý kiến từ các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, đồng thời kiên quyết xử lý những sai phạm trong quy trình dịch vụ điện tử./.