Trong cuộc họp gần đây tại Sochi giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng, các lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Nga cùng các lãnh đạo các bộ ngành và các vùng miền khác nhau, tổng thống Putin đã đưa ra một loạt các chỉ đạo về việc Nga sẵn sàng đối phó với một cuộc chiến tranh, sau khi nước này tập trận Zapad 2017.
Cuộc tập trận này hầu như không được truyền thông chính thống phương Tây nhắc đến nhiều. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga và phương Tây vốn có mối hiềm khích từ lâu. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây luôn rêu rao rằng điều này lại thể hiện sự lơ là vì những ý tưởng của ông Putin hết sức nguy hiểm và có thể sẽ dẫn đến cuộc Chiến tranh lạnh thứ hai.
Hồi tháng 9 vừa qua, Nga cùng Belarus đã tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay. Cuộc tập trận Zapad 2017 đã kiểm tra tính thực tế của các kế hoạch Nga tham gia vào một cuộc xung đột quy mô lớn với NATO, vì những cuộc diễn tập diễn ra dọc biên giới giữa Belarus, Nga, Kaliningrad với các quốc gia vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithuania.
Trước khi diễn tập, một số nhà phân tích phương Tây đã đưa ra giả thiết theo thuyết âm mưu rằng Zapad-2017 là một bàn đạp để Nga xâm chiếm Lithuania, Ba Lan và Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Zapad-2017 có 12.700 lính tham gia, cùng với 70 máy bay và máy bay trực thăng, 260 xe tăng, 200 bệ phóng tên lửa, 10 tàu chiến và diễn tập trong 7 ngày liên tục.
Hôm 20/11, mở đầu cuộc họp về các vấn đề quân sự với quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng tại Sochi, ông Putin nhận định về tình hình quốc phòng quân sự Nga như sau:
“Việc phát triển một chương trình vũ khí nhà nước mới đang gần hoàn thiện. Việc triển khai chương trình này sẽ quyết định phần lớn khả năng chiến đấu của vũ khí và các nhánh quân sự trong thập kỷ tới và về lâu dài. Chúng ta cần kiểm soát thận trọng các kế hoạch".
“Quân đội và Hải quân của chúng ta phải sở hữu các vũ khí tối tân nhất, các thiết bị quân sự đặc biệt, có khả năng tạo ra sự thay đổi về chiến lược và chiến thuật tác chiến trong tương lai, sánh ngang với (hoặc thậm chí là có thể vượt trội hơn) các đối thủ. Nếu chúng ta muốn đối đầu và chiến thắng, chúng ta cần phải tốt hơn nữa.”
“Chương trình này tốt hơn hết phải đảm bảo được sự răn đe chiến lược và có khả năng vô hiệu hóa hiệu quả trong trường hợp gặp phải mối đe dọa tiềm tàng từ bên ngoài.”
“Tất nhiên việc thực hiện chương trình này sẽ phải phụ thuộc vào khả năng của các công ty quốc phòng, các trung tâm khoa học và nghiên cứu. Tuy nhiên, quan trọng là không chỉ phát triển kịp thời công nghệ tiến tiến hay các mẫu thử vũ khí đáp ứng được yêu cầu của Bộ Quốc phòng, mà còn phải sẵn sàng đưa các vũ khí này vào sản xuất đại trà, không được chậm trễ hay gián đoạn", tổng thống Nga yêu cầu.
Hôm 21/11, ông Putin lại nhấn mạnh vào việc thực hiện yêu cầu phòng thủ đất nước của Nga: “Lực lượng vũ trang đã tiếp nhận hơn 3.400 vũ khí hạng nặng và tiên tiến, bao gồm 16 tàu chiến, 190 máy bay và trực thăng hiện đại, 800 xe tăng và các xe chiến đấu bọc thép, 170 hệ thống phòng thủ tên lửa và 1.950 xe đa chức năng".
Ông chỉ đạo: “Các chuyên gia công nghiệp quốc phòng đã bảo dưỡng thường xuyên các vũ khí và thiết bị chính ngay trên chiến trường. Nói chung, các biện pháp này cho phép tăng cường tỷ lệ số vũ khí hiện đại và mô hình thiết bị cho lực lượng vũ trang, lên đến khoảng 60% vào cuối năm nay.”
“Nhiều mô hình vũ khí đã được kiểm nghiệm trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Các cuộc thử nghiệm trong điều kiện chiến đấu thực tế đã chứng minh vũ khí của Nga đều là vũ khí chất lượng cao. Lợi thế của những vũ khí này là tính đáng tin cậy và các nhiệm vụ đơn giản", ông Putin cho biết.
Nhà lãnh đạo Nga phát biểu: “Nhiều đối tác quốc tế của chúng ta, bao gồm cả những đối tác mới đã thể hiện sự quan tâm tới vũ khí và trang thiết bị của Nga, tăng cường hợp tác công nghệ- quân sự với Nga. Chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng kinh nghiệm thực tế trong việc đưa các hệ thống vũ khí của mình vào sử dụng. Chúng ta cũng phải khuyến khích những khuynh hướng tích cực trong việc lên kế hoạch, đặt ra yêu cầu và thực hiện các yêu cầu để tất cả các thành tố trong hệ thống liên kết đều hoạt động hiệu quả cùng nhau".
Vào ngày 22/11, ông Putin lại đưa ra những phát biểu về cuộc tập trận Zapad 2017: "Tôi đề nghị chúng ta thảo luận về một sự kiện quan trọng, cuộc tập trận quân sự chiến lược Zapad-2017, chủ yếu là về các khía cạnh dân sự của cuộc tập trận này vì nó liên quan đến nhiều bộ ban ngành và các khu vực dân sự".
“Tham dự cuộc họp này là những người đứng đầu các bộ và các Thống đốc, những người đã đóng góp cho việc tổ chức cuộc tập trận.Tôi muốn họ trình bày về những kết luận và đưa ra đề xuất về các vấn đề đã xảy ra và những vấn đề cần phải giải quyết".
“Cần phải nói rằng cuộc tập trận đã đạt được một số mục tiêu quan trọng. Trước hết, chúng ta đã kiểm tra được tính sẵn sàng huy động và khả năng sử dụng các nguồn lực địa phương để đáp ứng yêu cầu của quân đội. Các nguồn lực dự bị cũng đã được kêu gọi tham gia diễn tập, và chúng ta đã kiểm tra được năng lực của các công ty tư nhân trong việc đưa phương tiện và thiết bị vào quân đội và cung cấp sự đảm bảo kỹ thuật đối với thông tin liên lạc".
“Chúng ta cũng đã đánh giá được việc cung cấp các dịch vụ vận chuyển và hậu cần cũng như thực phẩm và thuốc cho quân đội. Chúng ta cần xem xét lại khả năng của các công ty quốc phòng để nhanh chóng tăng sản lượng".
Ông Putin nêu rõ: “Cuộc tập trận này đã chỉ ra một số thiếu sót, chúng ta phải phân tích chúng để đưa ra các biện pháp bổ sung để tăng cường tính sẵn sàng huy động. Tôi muốn nói rằng khả năng kinh tế để tăng cường sản xuất các sản phẩm và dịch vụ quốc phòng một cách nhanh chóng là một yếu tố quan trọng trong an ninh quân sự. Tất cả các công ty chiến lược và các công ty lớn đều có thể làm được điều này".
"Chúng ta đã tổ chức các cuộc thảo luận chi tiết về chủ đề này vào năm 2015 và 2016. Các hướng dẫn đã được ban hành để hiện đại hóa sản xuất, giúp dự trữ các tài nguyên vật chất và kỹ thuật, và để đảm bảo việc vận chuyển quân nhân. Các bộ và cơ quan đang giải quyết vấn đề này trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Ủy ban Công nghiệp Quân sự.”
"Tôi muốn các vị đưa ra các báo cáo ngắn về công tác này trong cuộc họp hôm nay, và trình bày xem những thiếu sót nào trong những năm qua đã được khắc phục và những hạn chế nào vẫn đang phải đối phó. Chúng ta hãy cùng bàn bạc chi tiết và đưa ra kết luận về tương lai", tổng thống Nga yêu cầu.
Nga hiện là nước chi tiêu quân sự lớn thứ ba thế giới. Theo SIPRI, trong năm 2016, Mỹ đã chi 611,12 tỷ USD vào quốc phòng, Trung Quốc chi 215,18 tỷ USD, và Nga chi 69,25 tỷ USD. Cho dù số tiền Nga bỏ ra chỉ bằng 1/9 của Mỹ chi tiêu vào quân sự, nhưng Nga vẫn có khả năng sản xuất các thiết bị khiến Mỹ phải đắn đo kỹ lưỡng trước khi dám leo thang căng thẳng đến mức thù địch.
Từ những phát biểu của ông Putin, có thể thấy Nga sẵn sàng tham chiến để chiến thắng nếu có một cuộc chiến tranh tổng lực, và nước này cũng đang chuẩn bị cho tình huống này bằng cách hiện đại hóa quân đội và chuẩn bị cho các ngành công nghiệp dân sự chuyển sang sản xuất hỗ trợ chiến tranh.