Đô đốc Richardson tuyên bố "cứng" với Trung Quốc: Tiếp tục tự do đi lại ở Biển Đông

VietTimes -- Thân phận của ông John Richardson rất có sức thuyết phục, đã thể hiện sự cân nhắc của Mỹ trong việc cấp bách tìm hiểu quan điểm của Trung Quốc...
Từ ngày 17 đến ngày 20/7/2016, Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ thăm Trung Quốc. Trong hình là Lễ đón tại Bắc Kinh ngày 18/7/2016.
Từ ngày 17 đến ngày 20/7/2016, Đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ thăm Trung Quốc. Trong hình là Lễ đón tại Bắc Kinh ngày 18/7/2016.

Tờ Tin tức Bành Bái ngày 21/7 cho biết ngày 20/7 Đô đốc John Richardson đã kết thúc chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên sau khi nhậm chức, chuyến thăm này được dư luận rộng rãi đoán rằng Mỹ đang nỗ lực cùng Trung Quốc quản lý, kiểm soát bất đồng, ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang trong vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, trước khi kết thúc chuyến thăm, tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, Đô đốc John Richardson đã thể hiện thái độ cứng rắn, tuyên bố Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hành động tự do đi lại trên toàn cầu, trong đó có Biển Đông. Đồng thời, ông cũng kêu gọi quân đội hai nước Trung Quốc và Mỹ tránh xung đột.
 
Cùng ngày, Đô đốc John Richardson đã đến thăm Hạm đội Bắc Hải và Học viện Tàu ngầm Thanh Đảo của Hải quân Trung Quốc, đồng thời đã tiến hành một cuộc gặp với Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải Viên Dự Bách. Theo sắp xếp hành trình được công bố trước đó, ông John Richardson còn lên tham quan tàu sân bay Liêu Ninh.

Ngày 18/7/2016, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ hội đàm với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc.
Ngày 18/7/2016, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ hội đàm với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc.

Về phát biểu có tính chất "cứng rắn" của Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi trong cuộc hội đàm ngày 18/7, trong đó có vấn đề xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông, chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp) do Bắc Kinh tiến hành ở Biển Đông đã thực hiện được mục tiêu mang tính giai đoạn, trong tương lại có thể sẽ mở rộng.

Thăm dò hoặc tuyên bố "giới hạn", mở đường cho các hành động tiếp theo

Sau khi Tòa trọng tài vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines đưa ra phán quyết không lâu, Mỹ cử Tham mưu trưởng Hải quân tiến hành chuyến thăm đầu tiên đến Trung Quốc, rõ ràng là Mỹ có sự tính toán chiến lược quan trọng.

Hơn nữa, khi bắt đầu chuyến thăm, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi đã cùng Đô đốc John Richardson tiến hành hội đàm chính thức.

Nhà nghiên cứu Tả Hi Nghênh từ Viện Nghiên cứu Phát triển và chiến lược quốc gia, Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng: "Cuộc hội đàm này rất quan trọng. 

Thân phận của ông John Richardson rất có sức thuyết phục, đã thể hiện sự cân nhắc của Mỹ trong việc cấp bách tìm hiểu quan điểm của Trung Quốc, có lợi cho trao đổi thông tin giữa cấp cao Trung Quốc và Mỹ".

Ngày 18/7/2016, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ hội đàm với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc.
Ngày 18/7/2016, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ hội đàm với Tư lệnh Hải quân Trung Quốc.

Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ là tướng lĩnh cấp cao cùng cấp với Tham mưu trưởng Lục quân, Tham mưu trưởng Không quân và Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ, cũng là sĩ quan có quân hàm cao nhất của Hải quân Mỹ.

Tham mưu trưởng Hải quân là một trong những thành viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Còn Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ là cố vấn quân sự hàng đầu của Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Chuyên gia vấn đề Biển Đông, nhà nghiên cứu Lưu Lâm từ Ban nghiên cứu quân sự thế giới, Viện Khoa học quân sự Trung Quốc cho rằng: "Chuyến thăm này của Đô đốc John Richardson đã cho thấy Mỹ mong muốn tìm kiếm đối thoại, không muốn tình hình căng thẳng Biển Đông leo thang".

Lưu Lâm cho rằng, ngoài tăng cường trao đổi, trong chuyến thăm này, ông John Richardson còn có ý đồ nắm bắt tình hình. Mỹ muốn tìm hiểu cách thức ứng phó của Trung Quốc đối với tình hình Biển Đông "thời kỳ hậu trọng tài" để có thể dự đoán và chiếm lấy vị thế có lợi.

Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc phát biểu trong cuộc hội đàm với Đô đốc John Richardson ngày 18/7/2016.
Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc phát biểu trong cuộc hội đàm với Đô đốc John Richardson ngày 18/7/2016.

Mỹ mặc dù cử quan chức cấp cao đến thăm Trung Quốc, nhưng hoàn toàn không có nghĩa là Mỹ sẽ dễ dàng nhượng bộ trong vấn đề Biển Đông.

Trong chuyến thăm Australia, ngày 20/7, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ sẽ tiếp tục bảo đảm sự thông suốt của vùng biển, vùng trời khu vực Biển Đông. Bài phát biểu toàn diện về chính sách ngoại giao Mỹ của ông Joe Biden được cho là chủ yếu nhằm vào Trung Quốc.

Cùng ngày, khi tham quan một căn cứ hải quân Trung Quốc, Đô đốc John Richardson cho biết Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục căn cứ vào luật pháp quốc tế tiến hành đi lại, bay qua và hoạt động ở các vùng biển quốc tế, trong đó có Biển Đông. 

Đồng thời, vài tàu chiến Quân đội Mỹ đứng đầu là tàu sân bay USS Ronald Reagan vẫn tiến hành tuần tra ở Biển Đông. Ngày 19/7, Quân đội Mỹ còn điều thêm 3 tàu khu trục và 1 tàu tiếp tế đến Biển Đông.

Tả Hi Nghênh cho rằng: "Ông John Richardson đến Trung Quốc ngoài trao đổi thông tin, còn muốn phán đoán ý đồ của Trung Quốc, thậm chí có cả mục đích tuyên bố giới hạn của hai bên".

Ngày 20/7/2016, Đô đốc John Richardson tham quan tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc.
Ngày 20/7/2016, Đô đốc John Richardson tham quan tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc.

"Nhưng, không thể loại trừ khả năng Mỹ triển khai một số hành động mang tính khiêu khích sau khi tìm hiểu giới hạn, Mỹ sẽ không cứ vì hạ nhiệt mà hạ nhiệt" - Tả Hi Nghênh tuyên truyền và nhận định.

Tiếp tục tự do đi lại, gia tăng kêu gọi đồng minh

Đối với kế hoạch tiếp tục tự do đi lại ở Biển Đông do Đô đốc John Richardson tuyên bố, các chuyên gia Trung Quốc tỏ ra không thấy bất ngờ.

Tả Hi Nghênh nói: "Mỹ vẫn sẽ triển khai lực lượng quân sự nhất định ở Biển Đông, cũng có thể đi vào vùng biển lân cận một số đảo đá để tuyên bố quyền lợi tự do đi lại".

Lưu Lâm cho rằng: "Quân đội Mỹ sẽ không dễ dàng rời khỏi Biển Đông, bước tiếp theo rất có thể tiếp tục tiến hành các hành động tự do đi lại". "Nhưng, Quân đội Mỹ vẫn sẽ lựa chọn các đảo đá hay điểm cao khi thủy triều xuống, tham gia hành động là tàu sân bay hay tàu khu trục thì vẫn còn đợi quan sát".

Tả Hi Nghênh tiếp tục cho rằng sự quan tâm thực sự của Mỹ là "Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động bồi lấp ở Biển Đông và thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông". Quan chức Lầu Năm Góc đã nói rõ vấn đề này trong phiên điều trần về vấn đề Biển Đông tại Quốc hội Mỹ.

Trong cuộc hội đàm hôm 18/7, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đã tỏ thái độ "cứng rắn" với Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ: "Trung Quốc tuyệt đối sẽ không bỏ dở giữa đường việc xây dựng đảo đá (bất hợp pháp - PV)..., sẽ thúc đẩy hoàn thành xây dựng đảo đá theo kế hoạch".

Trong thời điểm Trung Quốc và Mỹ khó có thể đạt được đột phá về vấn đề Biển Đông, Mỹ tiếp tục gia tăng kêu gọi đối với các đồng minh khu vực.

Ngày 20/7, khi phát biểu tại tòa thị chính thành phố Sydney, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục ca ngợi quan hệ đồng minh Mỹ-Australia. Trước đó, ông cho biết Mỹ và Australia sẽ cùng nỗ lực "bảo đảm sự thông suốt của các tuyến đường hàng hải, tự do bay trên bầu trời".

Tư lệnh Không quân hoàng gia Australia Leo Davis trước đó đã tích cực hưởng ứng, tuyên bố muốn tiếp tục nhìn thấy tàu chiến và máy bay tiếp tục tuần tra thường lệ ở Biển Đông.

Tả Hi Nghênh cho rằng: "Mỹ luôn thúc đẩy xây dựng hệ thống liên minh châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác giữa các đồng minh trở thành mạng lưới và có cơ chế, việc thổi phồng (nhấn mạnh) vấn đề Biển Đông có tác dụng thúc đẩy".

Ngày 20/7/2016, Đô đốc John Richardson tham quan tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc.
Ngày 20/7/2016, Đô đốc John Richardson tham quan tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc.

Tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) ngày 15/7, Nhật Bản đã tích cực đề cập đến vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines, thể hiện rõ thái độ tích cực can thiệp vào vấn đề biển Đông.

Tả Hi Nghênh tuyên truyền: "Đối với Mỹ, tình hình leo thang hoặc dịu đi đều chỉ là cách làm". "Mục đích là thúc đẩy Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines, là công cụ chiến lược để Mỹ thúc đẩy Trung Quốc thay đổi hành vi. Trung Quốc cần chuẩn bị tương ứng".

Ngày 18/7, Đại tá Thân Tiến Khoa, phát ngôn viên Không quân Trung Quốc tuyên bố Không quân Trung Quốc trước đó đã tổ chức ra một cụm máy bay hỗn hợp tiến hành "tuần tra chiến đấu" (phi pháp) ở Biển Đông, trong đó có máy bay ném bom H-6K Chiến Thần với hành trình 8.000 km, thời gian bay có thể đạt 10 giờ.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Lỵ cho rằng máy bay ném bom H-6K xuất hiện ở bãi cạn Scarborough cho thấy cánh tay của Không quân chiến lược Trung Quốc đã có thể vươn tới quần đảo Trường Sa (Việt Nam), hơn nữa có thể vươn tới toàn bộ Biển Đông, cộng với tên lửa hành trình không đối đất tiên tiến nhất hiện nay của Trung Quốc lắp trên máy bay này, tầm bắn ít nhất vài trăm km. Như vậy, Trung Quốc đã có thể triển khai các hành động cả trên biển và trên không ở Biển Đông.

Lưu Lâm cho rằng, Trung Quốc đã thể hiện thái độ sẽ không sợ phán quyết của Tòa trọng tài và sức ép từ bên ngoài. Ngoài duy trì đối thoại, trao đổi, Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục sử dụng các "hành động thực tế" để tiếp tục theo đuổi tham vọng phi pháp ở Biển Đông.