Điều trần công khai luận tội Tổng thống Trump: Những lời khai khiến lưỡng đảng giật mình

VietTimes -- Phiên điều trần công khai đầu tiên liên quan tới việc luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump được thực hiện trong hôm 13/11 (giờ Mỹ) diễn biến đầy kịch tính, với nhiều tình tiết chắc chắn sẽ khiến cả hai chính đảng ở Mỹ phải tính toán thận trọng khi quá trình luận tội tiếp diễn.
Phiên điều trần công khai đầu tiên được thực hiện đã đưa ra nhiều tình tiết mới bất ngờ (Ảnh: Politico)
Phiên điều trần công khai đầu tiên được thực hiện đã đưa ra nhiều tình tiết mới bất ngờ (Ảnh: Politico)

Hai nhân chứng tham gia điều trần ngày 13/11 bao gồm Quyền Đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor và Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và châu Á George Kent. Cả hai nhân vật đưa ra nhiều lời khai giống như những gì từng đưa ra trong các phiên điều trần kín được tổ chức hồi tháng trước.

Đây là phiên điều trần công khai đầu tiên được tổ chức liên quan tới các cáo buộc cho rằng ông Trump lạm dụng quyền lực để gây sức ép với chính phủ Ukraine, thu về lợi ích chính trị. Đảng Dân chủ chắc chắn đã nắm được những câu trả lời có giá trị từ phía ông Taylor và ông Kent để phục vụ cho việc soạn thảo các điều khoản luận tội Tổng thống trong thời gian tới đây.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa cũng nhiều lần phản kháng, cho rằng cả hai nhân chứng này đều rất ít tiếp xúc trực tiếp với ông Trump. Tuy nhiên, sau Taylor và Kent vẫn còn rất nhiều nhân chứng sẽ tham gia điều trần trong thời gian tới, và họ đều là những người tiếp xúc trực tiếp với ông Trump.

Sau đây là những diễn biến đáng chú ý nhất về phiên điều trần này.

Bằng chứng mới chống lại ông Trump

Xuất hiện nhiều bằng chứng mới không có lợi cho ông Trump (Ảnh: Politico)
Xuất hiện nhiều bằng chứng mới không có lợi cho ông Trump (Ảnh: Politico)

Ông Taylor khai trước giới lập pháp về một đoạn hội thoại khác mà trong đó ông Trump một lần nữa đề cập tới việc Ukraine cần chính thức mở một cuộc điều tra nhằm vào gia đình cựu Phó Tổng thống Joe Biden – nhằm tăng cường động lực cho chiến dịch tái tranh cử của ông vào năm 2020.

Cuộc hội thoại này bất ngờ làm dấy lên một câu hỏi quan trọng: Ông Trump đã nói gì với các nhà ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề chính sách Ukraine? Theo lời khai của ông Taylor, trong một cú điện đàm với Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland, ông Trump đã được thông báo rằng phía Ukraine đã sẵn sàng “thực hiện” các cuộc điều tra như được đề nghị. Thông tin về cuộc điện đàm được một phụ tá của ông Taylor tình cờ nghe được và sau đó báo lại cho ông.

Cuộc điện đàm đó được thực hiện vào ngày 26/7 năm nay, chỉ 1 ngày sau cú điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky – thời điểm ông Trump thúc giục người đồng cấp Ukraine điều tra gia đình nhà Biden.

Ông Taylor nói rằng, phụ tá của ông còn hỏi ông Sondland rằng ông Trump suy tính gì về vấn đề Ukraine. Ông Sondland đáp lại rằng, ông Trump “quan tâm hơn tới các cuộc điều tra nhằm vào nhà Biden, mà hiện ông Giuliani (Luật sư riêng của ông Trump) đang thúc đẩy”.

David Holmes, phụ tá của ông Taylor, người đã tình cờ nghe được về việc ông Trump hỏi về các cuộc điều tra, cũng sẽ tham gia một phiên điều trần kín trong hôm 15/11 để phụ vụ cho tiến trình điều tra luận tội của Hạ viện.

Luận điểm của Trump gây tranh cãi

Các luận điểm ưa thích mà ông Trump đưa ra để giải thích vụ việc về Ukraine gây ra tranh cãi. Điều này từng được thể hiện rõ sau khi ông công bố đoạn băng ghi lại cú điện đàm với lãnh đạo Ukraine, và nó lại xảy ra trong phiên điều trần công khai vừa qua.

Ông Kent khai rằng ông Trump “cố gắng bôi nhọ” đối thủ chính trị của mình, bác bỏ luận điểm của ông Trump cho rằng ông đang cố gắng chống lại nạn tham nhũng ở Ukraine. Còn ông Taylor cho rằng “không có lý do về mặt chính sách nào” và cũng “không có lý do về mặt an ninh quốc gia nào” để ông Trump phải đóng băng khoản tiền viện trợ quân sự cho Ukraine – mặc dù Nhà Trắng từng nói rằng có nhiều lý do hợp pháp để họ làm vậy.

Cả hai nhân chứng cũng nói rằng họ không thuộc nhóm người “Never Trumpers” (Những người không bao giờ chấp nhận ông Trump). Ông Trump đã gọi ông Taylor là “Never Trumpers!” trong một đoạn tweet tung ra chỉ vài giờ trước phiên điều trần vừa qua.

Phe Cộng hòa thiên về thuyết âm mưu

Ông Devin Nunes tại phiên điều trần (Ảnh: CNN)
Ông Devin Nunes tại phiên điều trần (Ảnh: CNN)

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Devin Nunes (bang California), thuộc Ủy ban Tình báo Hạ viện, trong khi đó chỉ dựa dẫm vào các thuyết âm mưu trong lúc đưa ra bài phát biểu mở đầu. Ông nhắc tới cái gọi là “Hồ sơ Trump-Nga” và công ty nghiên cứu đối thủ là Fusion GPS (Bên lập ra hồ sơ Trump-Nga cáo buộc ông Trump cấu kết với Nga).

Ông Nunes liên tiếp nói rằng các thành viên đảng Dân chủ đã cấu kết với Ukraine hòng can thiệp vào kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và đánh bại ông Trump, mặc dù một vài nhân chứng quan trọng từng khai rằng điều này không có thực.

Kiểu nói không đưa ra bằng chứng thực tế này khiến các nhân chứng tại phiên điều trần bối rối, và dường như không hiệu quả, nhưng lại có thể giúp mớm tin cho một số hãng truyền thông ủng hộ Tổng thống Trump.

Các nhà lập pháp khác của đảng Cộng hòa thì tận dụng thời gian để đào sâu vào các điểm thiếu sót trong cáo buộc nhằm vào ông Trump và chỉ ra rằng cả hai nhân chứng xuất hiện tại phiên điều trần đều chưa từng đối thoại trực tiếp với Tổng thống một lần nào. Đó dường như là một chiến lược thông minh hơn.

Giai đoạn sau đầy hỗn loạn, kịch tính

Từ trước đến nay, các phiên điều trần kín đáng chú ý nhất bị xem không khác gì một âm mưu phụ chống lại Tổng thống Trump, như các phiên điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey, Thẩm phán tòa án tối cao Brett Kavanaugh, công tố viên đặc biệt Robert Mueller. Phần lớn các phiên điều trần này đều ồn ào và náo nhiệt bởi các nhà lập pháp dường như chỉ muốn đưa ra phát ngôn gây chú ý trong phiên điều trần, thay vì lấy lời khai từ nhân chứng.

Ít nhất thì phiên điều trần mới đây có chút khác biệt. Các luật sư phía đảng Cộng hòa và Dân chủ ban đầu dẫn dắt phiên điều trần, họ đưa ra từng câu hỏi, giúp cho phiên điều trần giữ được không khí trầm lắng. Daniel Goldman, luật sư của đảng Dân chủ, tìm cách thu được lợi khai quan trọng của các nhân chứng liên quan tới việc chậm trễ phân phối khoản viện trợ quân sự cho Ukraine. Luật sư Steve Castor của đảng Cộng hòa thì đưa ra nhiều câu hỏi khó hơn nhiều, khiến cho các nhân chứng đôi lúc tỏ ra hết sức bối rối.

Cuối cùng, các nhà lập pháp lại nhập cuộc – và kịch tính bắt đầu, đặc biệt là từ phía đảng Cộng hòa, khi nhiều nhà lập pháp của đảng này tận dụng thời gian để đưa ra nhiều phát ngôn về “người thổi còi” bí ẩn đã tố cáo ông Trump. Nhìn chung, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa làm tốt hơn luật sư của họ trong việc trích xuất các luận điểm mà họ cần có. Vấn đề ở đây là, liệu trong thời gian tới, đảng Cộng hòa liệu có tuân theo chiến lược của luật sư của họ hay sẽ tiếp tục chia rẽ như thế này?

Vai trò trung tâm của quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng

Ông Mulvany được xem là đóng vai trò trung tâm trong quyết định đóng băng viện trợ cho Ukraine (Ảnh: CATimes)
Ông Mulvany được xem là đóng vai trò trung tâm trong quyết định đóng băng viện trợ cho Ukraine (Ảnh: CATimes)

Tên của ông Mick Mulvany, quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng, xuất hiện nhiều lần trong phiên điều trần vừa qua. Ông được hai nhân chứng xác nhận là nhân vật có vai trò trung tâm dẫn tới quyết định đóng băn khoản viện trợ quân sự cho Ukraine. Còn nhớ, trong một cuộc họp báo tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, ông Mulvany dường như có pha vạ miệng khi thừa nhận rằng có việc “trao đổi lợi ích” trong cú điện đàm Trump-Zelensky, để rồi sau đó chối bỏ điều đã nói.

Đây là một tín hiệu cho thấy đảng Dân chủ đang tìm cách đào sâu hơn vào vai trò của ông Mulvany trong vụ bê bối liên quan tới Ukraine. Ông Mulvany từng bác một trát yêu cầu làm nhân chứng trước các ủy ban của Hạ viện.

Trong phiên điều trần, mặc dù phía đảng Cộng hòa liên tục tranh luận rằng những nhân chứng như ông Kent và Taylor chỉ là người nhận được thông tin trao tay qua nhiều lần, nhưng điều này càng khiến người ta muốn nhanh chóng nghe lời khai từ những nhân chứng đầy giá trị như ông Mulvany – người thân cận với ông Trump.

Ông Mulvany hồi tháng trước từng nói với các phóng viên rằng nên “bỏ qua” cáo buộc trao đổi lợi ích, và nói rằng điều này “sẽ gây ra ảnh hưởng chính trị đối với chính sách ngoại giao”. Tuy nhiên, ông Taylor cho rằng, trong suốt 50 năm làm phục vụ cộng đồng của mình, ông chưa từng thấy một ví dụ nào khác về việc nguồn viện trợ nước ngoài bị đem ra trao đổi để thu về lợi ích chính trị hoặc lợi ích cá nhân của một Tổng thống.

Đại sứ Mỹ tại EU lọt “tầm ngắm”

Rất nhiều câu hỏi đặt ra cho ông Sondland trong thời gian tới đây (Ảnh: CNN)
Rất nhiều câu hỏi đặt ra cho ông Sondland trong thời gian tới đây (Ảnh: CNN)

Việc ông Sondland có nhiều cuộc trao đổi trực tiếp với ông Trump nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bởi vậy, nhân vật này có khả năng trở thành tâm điểm trong quá trình điều tra thời gian tới đây.

Ông Taylor cho hay phụ tá của ông đã tình cờ nghe được đoạn hội thoại trực tiếp giữa ông Sondland và ông Trump, trong đó Tổng thống yêu cầu cập nhật thông tin về việc Ukraine công bố mở cuộc điều tra. Giới lập pháp đảng Cộng hòa trong phiên điều trần liên tục nói rằng lời kể của ông Taylor chỉ là thông tin qua tay, tức ông nghe người khác kể lại – và lời khai này không có giá trị làm bằng chứng.

Ông Sondland vốn được biết tới là người có liên hệ trực tiếp với ông Trump. Trong phiên điều trần kín trước đây, ông Sondland từng khai nhận về cuộc hội thoại với ông Trump vào ngày 26/7, khi ông còn ở Kiev. Ông nói cuộc hội thoại này rất “ngắn” và “không nhiều vấn đề”. Ông cũng nói cuộc hội thoại này không liên quan gì tới cú điện đàm Trump-Zelensky trong hôm trước đó, 25/7.

Tuy nhiên, có nhiều câu hỏi được đặt ra. Liên quan tới cú điện đàm hôm 25/7, ông Trump đã thừa nhận từng đề cập tới các cuộc điều tra mà ông muốn Ukraine theo đuổi. Thêm nữa, ông Sondland chắc chắn sẽ bị thẩm vấn về việc ông nói rằng ông Trump “quan tâm nhiều hơn” tới cuộc điều tra nhằm vào nhà Biden thay vì chính sách Ukraine.

Ông Taylor còn nói rằng, ông Sondland nói chuyện trực tiếp bằng điện thoại di động với ông Trump ít nhất 1 lần, và ngay tại nơi có nhiều người qua lại – rất dễ bị nghe lén. Điều này làm dấy lên câu hỏi về cách thức hoạt động, liên lạc, bảo mật, an ninh số của ông Sondland.

Theo CNN