Đồng ruble của Nga giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD và EUR vào hôm 24/2 vừa qua, chỉ vài phút sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Cùng ngày, thị trường chứng khoán của Nga “bốc hơi” 150 tỉ USD vốn hóa, trong khi chỉ số chứng khoán MOEX sụt giảm tới 35%.
Đó mới chỉ là những phản ứng đầu tiên của thị trường tài chính sau các hành động quân sự của Nga ở Ukraine, cho thấy mối lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn từ phía phương Tây.
Nguy cơ bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu
Tờ The Moscow Times dẫn lời một số nhà phân tích, cho rằng các lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây có thể dẫn đến những hậu quả ngắn hạn và dài hạn đối với nền kinh tế Nga. Một số ngân hàng quốc doanh lớn của Nga có thể bị trừng phạt, bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu.
Henry Rome - chuyên gia phân tích cấp cao của Tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị Eurasia - nhận định: “Với mức độ nghiêm trọng của các hành động từ phía Nga, chúng tôi dự báo các nhà hoạch định chính sách phương Tây sẽ hành động vượt ra khỏi kế hoạch ban đầu trong trường hợp xấu nhất, điều này sẽ “trục xuất” Nga khỏi SWIFT (một hệ thống nhắn tin an toàn giúp thực hiện nhanh chóng các giao dịch xuyên biên giới - PV), đồng thời cũng khiến đường ống khí đốt Nord Stream 2 sẽ bị hoãn vô thời hạn”.
Mỹ và Bỉ trước đây từng nhấn mạnh khả năng chặn việc xuất khẩu công nghệ sang Nga – một động thái được cho là sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân của Nga, vốn phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ phương Tây ở cả phần cứng và phần mềm.
Bên cạnh đó, bất chấp nỗ lực phi đô la hoá cao độ của Matxcơva những năm gần đây, số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế trong Chuyển đổi của Ngân hàng Phần Lan cho thấy, hơn một nửa hàng xuất khẩu của Nga vẫn được định giá bằng đồng USD. Trong khi đó, 30% hàng hoá xuất khẩu khác của Nga được tính bằng đồng EUR, vì các đối tác kinh tế của Nga - phần lớn là những người mua dầu và khí đốt - đã từ chối ý tưởng chuyển sang đồng tiền ruble của nước này.
Mà đồng ruble mất giá sẽ càng gây áp lực lớn đối với nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Nga khi lạm phát của nước này đang ở mức cao nhất trong 6 năm qua, khoảng 8,7%, và tình hình tài chính hộ gia đình đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn cả một thập kỷ trước. Một cuộc khảo sát gần đây của một tổ chức khảo sát thuộc sở hữu nhà nước cho thấy gần 2/3 gia đình Nga cho biết họ không có tiền tiết kiệm.
Sự mất giá của đồng ruble cũng có khả năng đẩy giá cả hàng hoá tại Nga lên cao, hoặc rất cao. Theo một nghiên cứu, hàng hóa nhập khẩu chiếm khoảng 75% các sản phẩm và nguyên liệu dùng để chế tạo các sản phẩm và thực phẩm hàng ngày được bán ở Nga.
Điều đó sẽ khiến Ngân hàng trung ương Nga rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan quen thuộc – cố gắng kiềm chế lạm phát mà không gây tổn hại lớn tới nền kinh tế. Các nhà kinh tế dự báo, Ngân hàng trung ương Nga có thể sẽ ưu tiên các mục tiêu như năm 2014, khi nền kinh tế Nga đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế khó khăn sau khi sáp nhập Crimea và giá dầu toàn cầu giảm.
Đồng ruble của Nga - Ảnh: Sputnik/TTXVN |
Lãi suất ở Nga hiện đang ở mức 9,5% và dự kiến sẽ tăng lên 11% hoặc cao hơn trong những tuần tới. Chi phí đi vay cao hơn chắc chắn sẽ làm tổn hại đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nga, nhiều người trong số họ đang mắc nợ nặng nề sau một thập kỷ kinh tế đình trệ.
Tờ The Moscow Times dẫn lời nhà phân tích Levon Kameryan của Scope Ratings (tổ chức xếp hạng tín nhiệm có trụ sở tại Đức) cho biết, sự leo thang xung đột vũ trang có thể dẫn tới việc dòng vốn tháo chạy khỏi nước Nga khi người dân tìm cách bảo vệ các khoản tiết kiệm và tài sản của họ trước cuộc khủng hoảng kinh tế đang rình rập.
Cũng theo vị chuyên gia này, ẩn số quan trọng đối với nền kinh tế Nga vẫn sẽ là vấn đề năng lượng.
Ngân sách của Matxcơva trong những năm gần được đóng góp từ nguồn doanh thu khổng lồ của gần 2/3 lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu sang Châu Âu và khoảng một nửa doanh số bán dầu toàn cầu của nước này.
Đức cho biết rằng nước này có đủ năng lượng dự trữ để vượt qua mùa đông nếu dòng chảy của Nga bị gián đoạn. Hiện tại có rất ít lời bàn tán về việc Châu Âu quyết định ngừng mua năng lượng của Nga, nhưng có những lo ngại rằng Nga có thể ngưng hoặc cố gắng siết chặt Châu Âu để đáp trả bất kỳ gói trừng phạt nào - đặc biệt là khi Putin đã nhiều lần cho thấy nền kinh tế trong nước đứng thứ hai sau chính sách đối ngoại về các điều khoản ưu tiên.
Theo tính toán của Scope Ratings, ước tính xuất khẩu năng lượng của Nga sang Châu Âu trị giá 90 tỉ EUR mỗi năm. Các nhà phân tích cho biết, cho dù Nga có động thái làm gián đoạn dòng chảy - và mất nguồn thu hay không - thì hành động mới nhất sẽ chỉ khiến Châu Âu tăng cường động thái dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
“Pháo đài” bảo vệ nền kinh tế Nga
Tuy nhiên, Điện Kremlin cũng tỏ ra tự tin khi tuyên bố có thể đối phó với các lệnh trừng phạt nhờ vào nguồn dự trữ vàng và ngoại hối lớn.
“Đây có thể sẽ là một tổn thất nặng nề, nhưng chúng tôi đã từng vượt qua điều tương tự trước đây”, một phóng viên kinh tế cho biết trong bản tin cập nhật trên kênh truyền hình quốc gia Nga, sau khi đợt trừng phạt đầu tiên được đưa ra.
Nga đã tăng cường dự trữ ngoại hối đáng kể từ năm 2014 – sau khi quốc gia này bị các nước phương Tây áp lệnh trừng phạt vì sáp nhập Crimea. Ngân hàng trung ương Nga hiện đã tích luỹ được nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ so với các quốc gia khác, lên tới hơn 630 tỉ USD và tin rằng nó sẽ bảo vệ nền kinh tế khỏi tình trạng tồi tệ nhất của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.
Sberbank, ngân hàng quốc doanh lớn nhất và quan trọng nhất của Nga, đã đưa ra một tuyên bố lạc quan vào sáng thứ Năm, rằng họ đã “sẵn sàng cho bất kỳ diễn biến nào” và đã “lên các kịch bản để đảm bảo tiềm lực tài chính cũng như bảo vệ tài sản và quyền lợi của khách hàng”.
Chính phủ Nga cũng duy trì trạng thái thặng dư ngân sách – đồng nghĩa với việc không vay nợ trong nước và quốc tế - với mức nợ công chỉ chiếm dưới 20% tổng GDP.
Đáng chú ý, Chính phủ Nga và các doanh nghiệp hàng đầu của nước này đã dành ra nhiều tuần để đưa ra các biện pháp bảo vệ mình khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Theo The Moscow Times, Điện Kremlin đã dành hàng tuần để tổ chức một loạt các cuộc kiểm tra sự ổn định và tính mạnh mẽ của hệ thống (stress test) để đánh giá xem các ngành công nghiệp chủ chốt của đất nước sẽ hoạt động như thế nào nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh nhất, chẳng hạn như: cô lập hệ thống ngân hàng Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, cấm bán hàng do Mỹ sản xuất cho các công ty Nga.
Các bài kiểm tra căng thẳng tập trung vào lĩnh vực tài chính và ngành công nghiệp điện tử, cũng như các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt như dịch vụ bưu chính, mạng lưới đường sắt, lưới điện năng lượng và hãng hàng không Aeroflot, theo The Bell và Kommersant.
Các ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng quốc doanh Sberbank, đã được đánh giá khả năng hoạt động mà không cần truy cập vào phần mềm do phương Tây sản xuất như Microsoft và SAP, theo Kommersant. Trong khi một số bài kiểm tra khác đánh giá tác động khi Nga bị loại khỏi SWIFT.
Tuy nhiên, vẫn chưa có doanh nghiệp nào lên tiếng chính thức về kết quả của các bài kiểm tra này./.
Nguồn tham khảo: The Moscow Times