Theo dữ liệu được công bố trên trang web chính thức của Bộ Y tế Ấn Độ ngày 23/4, số trường hợp được xác nhận mắc COVID-19 ở Ấn Độ đã tăng lên tới 16.263.695 người. Trong vòng 24 giờ, Ấn Độ đã xác nhận thêm 332.730 ca mắc mới, mức cao kỷ lục mới kể từ khi xảy ra dịch bệnh; có 2.263 trường hợp tử vong mới trong 24 giờ, đưa tổng số người tử vong lên 186.920. Tình hình có thể còn nghiêm trọng hơn do Ấn Độ vừa trải qua một lễ hội lớn của đạo Hindu với hàng chục triệu người tham dự trong điều kiện thiếu các biện pháp phòng dịch.
Theo Reuters, nhiều bệnh viện công ở thủ đô New Delhi cho biết lượng oxy còn lại chỉ có thể cầm cự được từ 8 đến 24 giờ, trong khi các bệnh viện tư nhân khác còn trong tình trạng bi đát hơn khi báo cáo lượng oxy chỉ còn từ 4 đến 5 giờ.
Tin tức cho biết, vấn đề trở nên tồi tệ hơn là, tại Maharashtra, bang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của đợt dịch lần này, một nhà máy lưu trữ oxy đột ngột bị rò rỉ vào ngày 21/4, dẫn đến việc nguồn cung cấp oxy cho một bệnh viện địa phương bị gián đoạn dẫn đến cái chết của ít nhất 22 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.
Hình ảnh đáng sợ về một bãi hỏa táng lộ thiên (Ảnh: Reuters). |
Không chỉ vậy, nhiều nơi ở Ấn Độ còn xuất hiện hiện tượng thiếu nguồn cung vaccine. Ít nhất sáu bang đã báo cáo không có đủ vaccine dự trữ, điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng ở Ấn Độ. Phía Ấn Độ đã nhiều lần yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu vaccine để nâng cao sản lượng vaccine của Ấn Độ, nhưng lâu nay vẫn chưa nhận được trả lời.
Mặt khác, theo hãng tin Pháp AFP, do số người chết hàng ngày ở Ấn Độ ngày càng tăng, các lò hỏa táng trên khắp Ấn Độ đã quá tải do số người chết vì dịch bệnh mới gia tăng. Do không có thời gian để lò nguội nên khung sắt trong lò thiêu điện ở Surat đã bị đốt cháy.
Tuy nhiên, đây không phải là lò hỏa táng duy nhất ở Ấn Độ bị quá tải. Theo thông tin từ nhiều cơ quan truyền thông Ấn Độ, các lò hỏa táng ở nhiều thành phố trong nước đang bị áp lực. Ở một số khu vực, nếu người dân muốn hỏa táng người thân bị chết phải tự mang củi đến và phải xếp hàng chờ đến 12 tiếng. Tại một số vùng, người dân phải tự mình thiêu người thân ngay trong vườn nhà thay vì đưa đến bãi hỏa táng. Có nơi, do không kịp thiêu, người ta buộc phải chôn người thân trái với tập tục địa phương.
Chôn người bị chết vì COVID-19 ở ngoại ô Delhi (Ảnh: AP). |
Để kiềm chế tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ, nhiều vùng của Ấn Độ đã tăng cường siết chặt việc phong tỏa và các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng Ấn Độ Modi đã có một bài phát biểu trên truyền hình vào tối ngày 20/4, nói rằng Ấn Độ hiện đang chiến đấu với làn sóng thứ hai của dịch bệnh COVID-19, nhưng sẽ không thực hiện một cuộc phong tỏa trên khắp đất nước. Ông Modi nói thêm rằng việc phong tỏa chỉ là biện pháp cuối cùng và "nên cố gắng tránh nếu có thể". Ông cũng nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh hiện nay khác với năm ngoái, cần đảm bảo kinh tế không bị ảnh hưởng.
Theo tin của The Times of India và Hãng thông tấn ANI ngày 20/4, sau khi thủ đô New Delhi của Ấn Độ thông báo phong tỏa vào tối ngày 19/4, hàng chục nghìn lao động nhập cư địa phương đã quyết định rời Delhi trở về quê hương của họ. Hầu hết những người lao động nhập cư này đều mất việc làm do dịch bệnh, do gặp khó khăn trong việc nhận hỗ trợ từ chính phủ, họ không thể duy trì cuộc sống trong thời gian thành phố bị phong tỏa, chỉ có thể chọn cách quay về quê.
Người lao động chờ xe để trở về quê sau khi thủ đô New Delhi bị phong tỏa (Ảnh: AP). |
Chỉ riêng trong ngày 19/4, có ít nhất 50.000 người lao động nhập cư đã tập trung tại bến xe Anand Vihar, một trong những đầu mối giao thông chính ở khu vực thủ đô Ấn Độ và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên. Punit Sethi, người quản lý bền xe tiết lộ rằng hơn 400 xe khách đã được huy động vào ngày hôm đó để chở hơn 20.000 người rời đi. Để đáp ứng nhu cầu hành khách ngày càng tăng, bến xe sẽ huy động thêm ít nhất 600 xe khách.
Tuy nhiên, số lượng người về quê nhiều cũng khiến giá vé tăng chóng mặt. Theo phản ánh của những người lao động nhập cư trở về quê tại hiện trường, một số chuyến xe đường dài thu số tiền cao gấp 10 lần giá vé thông thường. Một hành khách đang chờ trở về nhà đã phàn nàn trong cuộc phỏng vấn với hãng tin ANI: “Lương của chúng tôi được trả theo ngày. Ông thị trưởng nên cho chúng tôi thêm một chút thời gian trước khi đóng cửa thủ đô. Thông thường, tôi chỉ phải trả 200 rupee để về nhà, nhưng bây giờ người lái xe lại đòi từ 3.000 đến 4.000 rupee. Làm sao chúng tôi có thể về nhà được?”.
Nhân viên tổ chức từ thiện phân phát thức ăn cho người vô gia cư không có việc làm do phong tỏa (Ảnh: AP). |
Virus "đột biến kép" được phát hiện ở Ấn Độ có "cơ chế trốn tránh" miễn dịch và đã được du nhập tới châu Âu và Nhật Bản. Điều đáng nói là các quan chức y tế Ấn Độ ngày 24/3 thông báo đã phát hiện ra một biến thể mới của virus coronavirus mới (SARS-CoV-2), chủng này xuất hiện đột biến kép, có thể làm suy yếu hiệu ứng miễn dịch và có tác dụng lây lan mạnh hơn.
Bộ Y tế Ấn Độ đã chỉ ra rằng loại coronavirus đột biến mới được phát hiện ở bang Maharashtra này đã có hai đột biến và được đặt tên là "B.1.617". Các chuyên gia y tế qua nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bộ gen của virus B.1.617 có hai đột biến (đột biến E484Q và L452R) nằm trên protein đột biến, giúp virus dễ dàng kết hợp với tế bào người hơn. Hai đột biến này có thể nâng cao khả năng kết hợp của virus với thụ thể ACE2 trên bề mặt tế bào cơ thể người, khiến chúng dễ dàng lây lan hơn, đồng thời tăng cường tốc độ phát tán của virus trong cơ thể.
Do đó, virus đột biến kép B.1.617 không chỉ có khả năng lây nhiễm mạnh hơn mà còn có “cơ chế trốn tránh” miễn dịch, có thể gây tái nhiễm cho những người đã được tiêm phòng hoặc đã phát triển kháng thể với virus. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có bằng chứng y khoa rõ ràng để khẳng định điều này.
Số người nhiễm bệnh gia tăng, nguồn lực y tế của Ấn Độ đang dần cạn kiệt (Ảnh: Reuters). |
Liệu sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh ở Ấn Độ có phải do chủng virus đột biến kép này gây ra hay không hiện vẫn chưa rõ ràng. Theo một báo cáo thống kê vừa được truyền thông Ấn Độ công bố, 61% các trường hợp nhiễm trùng dương tính được phát hiện ở bang Maharashtra có liên quan đến chủng đột biến kép B.1.617. Vào tháng 2 và tháng 3 các mẫu xét nghiệm của những người bị nhiễm SARS-CoV-2 ở Ấn Độ, loại virus đột biến kép này chiếm hơn 24%.
Hiện tại, virus đột biến kép B.1.617 đã lan truyền tới Châu Âu và Nhật Bản. Bộ Y tế Anh cách đây vài ngày đưa ra một tuyên bố cho biết đã xác nhận được 77 trường hợp lây nhiễm COVID-19 có liên quan đến virus đột biến kép B.1.617 này. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thông báo do lo ngại về loại virus đột biến này, Anh đã đưa thêm Ấn Độ vào danh sách các quốc gia cấm du lịch. Những người nhập cảnh từ các quốc gia có lệnh cấm du lịch phải được cách ly bằng chi phí của chính họ tại các khách sạn do chính phủ chỉ định trong thời gian 10 ngày. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Katsunobu Kato, cho biết tính đến ngày 22/4, tại Nhật cũng đã có 5 trường hợp nhiễm virus mới "đột biến kép" phát hiện thấy ở Ấn Độ.