Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa tổ chức Họp báo để thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) và hoạt động ngân hàng Quý I/2019.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc quản lý hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết cho vay ngang hàng là hình thức giao dịch dân sự và pháp luật hiện hành, được điều hành theo quy định pháp luật và các văn pháp luật liên quan.
Hình thức cho vay này có điểm thuận lợi là việc giải ngân nhanh, nhưng cũng có mặt không thuận lợi và tiêu cực, có thể gây ra nhiều hệ lụy với những người tham gia.
"Về vấn đề này, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước là đầu mối nghiên cứu. Chúng tôi cũng giao các vụ, cục chức năng tham khảo cách thức quản lý của các nước và sẽ đề xuất thí điểm hoạt động này, coi đây là ngành kinh doanh có điều kiện" - Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo đại diện của NHNN, cơ quan quản lý không cấm các sản phẩm của xu hướng kinh doanh mới nhưng phải đảm bảo việc quản lý chặt chẽ.
Trước đó, ngày 25/12/2018, NHNN đã có những cảnh báo về rủi ro đối với loại hình P2P Lending, khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ thông tin, thận trong khi tham gia.
Hoạt động của mô hình này cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại như việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia.
Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P Lending.
NHNN khẳng định, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P Lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được NHNN cấp phép là vi phạm pháp luật.
“Tuy nhiên đối với quan hệ cho vay trực tiếp không phải hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân (không được thực hiện bởi các TCTD) thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng Internet như một số hoạt động P2P Lending có thể coi là các giao dịch dân sự và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các TCTD” - NHNN cho biết trong cảnh báo.
Một số chuyên gia cũng cho biết P2P Lending là một sáng tạo của nền kinh tế số, vấn đề là cần có biện pháp quản lý, quy định tạm thời trước khi có luật để tránh biến tướng theo kiểu tín dụng đen, đa cấp trá hình./.
Đến 25/3/2019, tăng trưởng tín dụng đạt 2,28% Cũng tại buổi họp báo, đại diện Lãnh đạo NHNN và lãnh đạo một số các Vụ, Cục NHNN đã có nhiều chia sẻ một số hoạt động của ngành ngân hàng đầu năm 2019. Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2019, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; linh hoạt điều hành các công cụ CSTT để điều hòa thanh khoản thị trường kịp thời với kỳ hạn hợp lý. Theo ông Phạm Thanh Hà, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Ngay sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng đầu năm 2019, các NHTMNN đã chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với mức giảm phổ biến khoảng 0,5%/năm. Về điều hành tín dụng, ông Trần Văn Tần - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, đến 25/3/2019 tín dụng tăng 2,28%, tương đương mức tăng cùng kỳ năm 2018 (tăng 2,78%). Tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá. Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%, chiếm tỷ trọng 3,14%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, chiếm tỷ trọng 3,12%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23% so với cuối năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, tính đến 31/01/2019, ước tính toàn hệ thống TCTD đã xử lý được khoảng 204,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu, ước đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (riêng năm 2018 xử lý được khoảng 113,4 nghìn tỷ đồng). Các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì dưới 2%. Trong hoạt động thanh toán, ngành Ngân hàng cũng là một trong những ngành chủ động đi đầu ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ (CMCN 4.0), qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng các tiện ích cho khách hàng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Theo ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 4,2 triệu ví đã liên kết với tài khoản ngân hàng và trong năm 2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý 214 triệu giao dịch, đạt giá trị 91.000 tỉ đồng, giảm 4,5 % so với 2017./. |