Đề xuất cơ sở pháp lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài

NHNN đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.
Đề xuất cơ sở pháp lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài (đầu tư gián tiếp ra nước ngoài) triển khai hướng dẫn Luật Đầu tư 2014 theo chỉ đạo của Chính phủ; tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đã có phát sinh trên thực tế. Đồng thời, tăng cường hiệu quả, vai trò của cơ quan quản lý đối với các hình thức đầu tư ra nước ngoài nêu trên phù hợp với mục tiêu, định hướng của Nhà nước trong bối cảnh thực tế của đất nước; và đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam mặc dù nền kinh tế đã mở cửa tương đối, thị trường tài chính phát triển, dự trữ ngoại hối lớn song ở giai đoạn đầu mở cửa cũng quản lý rất chặt chẽ hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài nhằm hạn chế tối đa rủi ro từ hoạt động này. Lý thuyết về tự do hóa cán cân vốn của các quốc gia cũng cho thấy, tự do hóa dòng vốn ra, đặc biệt dòng vốn ra rủi ro cao như hoạt động đầu tư gián tiếp thường được các quốc gia thực hiện ở giai đoạn sau cùng của lộ trình tự do hóa.

Trong bối cảnh kinh tế của Việt Nam hiện nay, nền kinh tế phát triển chưa ổn định, dự trữ ngoại hối mỏng, vốn ngoại tệ vẫn thiếu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trong nước. Mặt khác, nước ta mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình tự do hóa tài khoản vốn, việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài cần được quản lý rất chặt chẽ và thận trọng nhằm tránh tác động gây xáo trộn thị trường ngoại hối, ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tỷ giá, tránh tác động bất lợi lên cán cân thanh toán quốc tế và cân đối kinh tế vĩ mô nói chung.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách quản lý chặt chẽ hoạt động đầu tư gián tiếp còn nhằm mục đích bảo vệ nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro kinh doanh khi đầu tư vào các lĩnh vực nhiều biến động và khó kiểm soát trên thị trường tài chính quốc tế.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước dự thảo Nghị định quy định chi tiết hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài theo định hướng: Xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, thận trọng nhằm hạn chế rủi ro, kiểm soát dòng vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại hối.

Bên cạnh đó, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư là tổ chức và cá nhân trong việc tham gia hoạt động đầu tư; đảm bảo phù hợp với khả năng quản trị rủi ro và năng lực tài chính của nhà đầu tư, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu quản lý nhà nước về hoạt động này.

2 phương thức đầu tư ra nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế và căn cứ quy định tại Luật Đầu tư và kinh nghiệm quốc tế, dự thảo đề xuất quy định 2 phương thức đầu tư gồm: Tự doanh đầu tư ra nước ngoài và ủy thác đầu tư ra nước ngoài.

Đối với phương thức tự doanh đầu tư ra nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, tự doanh đầu tư ở đây được hiểu theo nghĩa nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư bằng nguồn vốn của chính mình, kinh doanh cho chính mình. Theo đó, khi đầu tư gián tiếp ra nước ngoài,  nhà đầu tư có thể thực hiện qua hai cách: Tự mua bán, chứng khoán, các giấy tờ khác ở nước ngoài cho chính mình; hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.

Đối với phương thức ủy thác đầu tư ra nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo phương thức này, nhà đầu tư giao vốn bằng ngoại tệ cho tổ chức nhận ủy thác ở trong nước thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua hợp đồng ủy thác đầu tư.

Theo Chinhphu.vn