Thực lực hạt nhân của Triều Tiên ra sao?
Các nhà nghiên cứu Mỹ và các chuyên gia từ các nước khác vẫn tranh cãi về trọng tải đầu đạn mà tên lửa đạn đạo của Triều Tiên có thể mang, cùng khả năng tên lửa quay lại quỹ đạo phóng đã định sẵn. Một nguồn tin tình báo bí mật của Mỹ vào tháng 07.2017 kết luận, Triều Tiên đã phát triển kỹ thuật thu nhỏ lại đầu đạn hạt nhân để lắp vừa tên lửa. Vài chuyên gia cảnh báo rằng chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Triều Tiên hoàn tất lực lượng hạt nhân. "Chúng ta phải học cách sống chung với một nước Triều Tiên có khả năng tấn công Mỹ với vũ khí hạt nhân", Jeffrey Lewis thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Middlebury cho biết.
Triều Tiên đã tiến hành 6 vụ thử hạt nhân, vụ đầu tiên vào tháng 10.2006 và tiếp theo đó là tháng 5.2009 dưới thời của nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Tiếp theo, dưới thời ông Kim Jong-Un diễn ra 4 vụ thử vào: tháng 2.2013, tháng 1 và tháng 9.2016 và tháng 09.2017. Những vụ thử tiếp theo trong tương lai chắc chắn sẽ xảy ra. Ngoài ra, Triều Tiên đã sở hữu phương pháp làm giàu uranium và plutonium (thành phần chính của các vũ khí hạt nhân) ở mức có thể chế tạo bom.
Theo ý kiến của một số chuyên gia thì vụ thử hạt nhân vào 3.9.2017 có độ lớn đáng e ngại và có thể xác định rằng Triều Tiên đã phát triển được kỹ thuật chế tạo bom mạnh hơn rất nhiều. Dựa trên cường độ địa chấn, các báo cáo đánh giá vụ thử mới nhất có đương lượng nổ vượt qua 100 kiloton. Một vụ nổ với sức công phá như vậy cho phép người ta tin tưởng tuyên bố của Triều Tiên là đã phát trển thành công bom Hydro (bom nhiệt hạch).
Với sức công phá ngày càng tăng của các vụ thử, cả 2 chương trình thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đều đang có bước tiến triển. Dưới thời ông Kim Jong-Un (bắt đầu lãnh đạo Triều Tiên từ cuối năm 2011), chương trình hạ nhân có những bước tiến lớn. Song song với 4 vụ thử hạt nhân, là 80 vụ thử tên lửa, hơn nhiều so với thời Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
Pakistan nổi lên là một đồng minh quân sự quan trọng với Triều Tiên những năm 1970. Sự trợ giúp song phương về hạt nhân bắt đầu khi các nhà khoa học của hai nước làm việc trong chương trình tên lửa đạn đạo tại Iran vào thời gian xảy ra cuộc chiến Iran-Iraq (1980-1988). Những năm 1990, Triều Tiên nhận được công nghệ chế tạo máy ly tâm và thiết kế từ nhà khoa học Abdul Qadeer Khan, người chịu trách nhiệm quân sự hóa chương trình hạt nhân của Pakistan.
Bình Nhưỡng cũng nhận được thiết kế đầu đạn hạt nhân Uranium từ Pakistan. Đổi lại, Pakistan nhận được công nghệ tên lửa của Triều Tiên. Điều còn chưa thực sự sáng tỏ là Khan liên quan trực tiếp hay gián tiếp với chính phủ Pakistan vì ông có một mạng lưới đa quốc gia chuyên buôn bán công nghệ và nguyên liệu hạt nhân trái phép cho các nước, bao gồm cả Iran và Libya. Những kiến thức về hạt nhân nhận được từ Pakistan đã cho phép Triều Tiên làm giàu Uranium dùng cho bom hạt nhân và vận hành máy ly tâm.
Việc Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 2003, cùng các cuộc thử tên lửa và vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006 đã thúc đẩy Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc thống nhất nghị quyết trừng phạt Triều Tiên. Qua đó, hy vọng sẽ thay đổi quan điểm của Bình Nhưỡng. Các biện pháp trừng phạt quốc tế được gia tăng bao gồm: cấm buôn bán các vật liệu và kỹ thuật có thể giúp Triều Tiên phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, những nguồn tài chính trợ giúp cho các chương trình này và cấm buôn bán vũ khí. Lệnh cấm vận cũng bao gồm cả việc cấm các sản phẩm xa xỉ và giao dịch thương mại nước ngoài, đồng thời gia tăng điều tra các chuyến hàng hóa ở biên giới Triều Tiên.
Những lệnh trừng phạt có thể giới hạn Triều Tiên tiếp cận với các vật liệu nhưng rất khó để kiểm soát tất cả các chuyến hàng quốc tế tới Triều Tiên. Thường xuyên, có những hối thúc để hạn chế nguồn tài chính của Triều Tiên với nỗ lực ngăn chặn nguồn tiền trực tiếp cho quân sự và phát triển hạt nhân. Nhiều chuyên gia và các ủy viên LHQ chỉ trích Trung Quốc vì trước đây đã trợ giúp Triều Tiên trong chương trình tên lửa đạn đạo và có mối quan hệ giao thương với nước này và không thực hiện lệnh trừng phạt một cách triệt để.
Ngoài ra, Triều Tiên được ghi nhận là có bán tên lửa và trao đổi công nghệ hạt nhân với các nước như Iran, Libya, Syria, Ai Cập, Yemen, Myanmar và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất. Có sự vận chuyển bí mật "các thiết bị hạt nhân, tên lửa đạn đạo, phương thức sản xuất và kỹ thuật". Sự ràng buộc của việc mua bán này với nền kinh tế Triều Tiên tạo ra nỗi lo về việc: nhiều vật liệu hạt nhân và công nghệ có thể bị bán ra chợ đen tạo khả năng tiềm tàng cho khủng bố bằng hạt nhân.