Trong khi các ngân hàng mời gọi doanh nghiệp lớn vay lãi suất 6 - 7%/năm, thì khách hàng cá nhân nhỏ lẻ, tiểu thương và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải chịu mức lãi vay 12 - 14%/năm. Thậm chí, với tín dụng tiêu dùng, trong đó có dịch vụ thấu chi qua thẻ, sử dụng vốn từ thẻ tín dụng, lãi suất cá nhân phải trả lên đến 25 - 20%/năm.
Thời gian qua, khi tín dụng doanh nghiệp gặp khó, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay cá nhân và tỷ lệ lợi nhuận từ khối khách hàng này chiếm phần lớn trong tổng lợi nhuận của các ngân hàng. Bởi lẽ, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động khá cao. Cụ thể, lãi vay đối với cá nhân tiêu dùng, mua nhà, các ngân hàng áp dụng mức phổ biến 12 - 13%/năm, trong khi huy động tiết kiệm chỉ từ 5,5 - 7%/năm. Đó chính là lý do để các nhà băng đẩy mạnh tín dụng cho phân khúc khách hàng này.
Chị Như Quỳnh (quận Tân Phú, TP. HCM) cho biết, tháng trước, chị có nhu cầu vốn mua một số vật dụng trong gia đình nên đã sử dụng dịch vụ thấu chi qua thẻ tín dụng ngân hàng, không ngờ bị ngân hàng “chạc” mức lãi suất 25%/năm, khiến chị phải mất một khoản tiền không nhỏ để trả lãi.
Thực tế, với những khách hàng sử dụng thẻ thanh toán, quá 45 ngày không hoàn trả lãi suất sẽ được các ngân hàng phát hành thẻ tính lãi 24 - 25%/năm như ANZ, Sacombank, DongABank… Theo lý giải của các nhà băng, việc áp dụng mức lãi suất cao là để bù đắp rủi ro lớn có thể xảy ra đối với loại hình tín dụng này.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay thời gian qua thường xuyên được các ngân hàng thông báo điều chỉnh giảm để chia sẻ khó khăn cùng khách hàng. Nhưng mức lãi suất giảm chỉ dành cho doanh nghiệp tốt, có dự án kinh doanh khả thi, song các đối tượng khách hàng này lại không có nhu cầu sử dụng vốn vay. Ngược lại, với doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như khách hàng cá nhân có nhu cầu vay vốn vẫn phải chịu áp lực lãi suất quá lớn.
Không ít ngân hàng tung ra các gói sản phẩm tín dụng tiêu dùng lãi suất thấp, nhưng khách hàng chỉ được hưởng lãi suất thấp trong thời gian đầu của kỳ hạn vay. Chẳng hạn, TPBank cho vay mua ô tô lãi suất ưu đãi 6%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 8 tháng đầu. Hay OCB cho vay mua ô tô, vay tiêu dùng với lãi suất 5,5 - 6%/năm trong 3 tháng đầu giải ngân. Bên cạnh đó, ngân hàng này có thể hỗ trợ 100% vốn cho khách hàng có nhu cầu, nếu tài sản thế chấp của khách hàng là bất động sản.
Một số ngân hàng còn đưa ra gói lãi suất ưu đãi 0%/năm trong tháng đầu giải ngân, với kỳ vọng thu hút khách hàng cá nhân vay tiêu dùng. Tuy nhiên, lãi suất những tháng sau ở mức cao 15 - 17%/năm. Đáng chú ý, có những ngân hàng, nhất là ngân hàng nước ngoài tính lãi suất trên dư nợ ban đầu, thay vì dư nợ giảm dần, nên tổng lãi vay thực trả mà khách hàng phải trả cho nhà băng gấp đôi lãi danh nghĩa.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng cho vay tiêu dùng tín chấp, đặc biệt là các công ty tài chính như Prudential Finance, FE Credit, Home Credit… Các công ty này cho biết, sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu về vốn cho cá nhân vay tiêu dùng dưới hình thức tín chấp. Không cần tài sản đảm bảo, thủ tục vay nhanh gọn, nhưng mức lãi suất cho vay cao… ngất ngưởng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho hay, hiện mức lãi suất cho vay từ 13%/năm trở lên chủ yếu rơi vào khối cá nhân, vay vốn nhỏ lẻ.
Biên lợi nhuận trong cho vay nhỏ lẻ ở mức cao đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của các ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cá nhân chiếm phần lớn trong tổng dư nợ tín dụng. Chẳng hạn, tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế năm 2014 đạt 3.000 tỷ đồng do nhà băng này có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng khá ấn tượng (tăng hơn 13%), nhưng trong đó, dư nợ của khối khách hàng cá nhân, tiểu thương chiếm trên 50% tổng dư nợ tín dụng. Lãnh đạo Sacombank chia sẻ, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động bình quân là 4%/năm, biên lợi nhuận cho vay cá nhân cao hơn nhiều mức này.
Tương tự, tại VPBank, nguồn thu đóng góp chính là từ mảng cá nhân và Công ty Tài chính FE Credit trực thuộc. Lợi nhuận từ khối cá nhân (bán lẻ) của OCB trong năm qua đã hoàn thành được mục tiêu khi đóng góp 40 - 45% vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng.
Theo Stockbiz