Đầu mối giảm, chưa chắc dễ kiểm soát chi phí lót tay

Theo Quyết định 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 35/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, việc mua sắm tài sản nhà nước sẽ theo phương thức tập trung, thông qua đơn vị mua sắm tập trung quốc gia hoặc đơn vị mua sắm tập trung tại các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tỉnh.
Ô tô là một trong những loại hàng hóa có giá trị cao trong mua sắm tài sản công. Ảnh: Quốc Hùng.
Ô tô là một trong những loại hàng hóa có giá trị cao trong mua sắm tài sản công. Ảnh: Quốc Hùng.

Đáng chú ý, khi mua sắm tài sản Nhà nước sẽ buộc phải công khai không chỉ về nhu cầu mua sắm, gồm số lượng, chủng loại tài sản mua sắm; dự toán mua sắm, nguồn vốn mua sắm tài sản... mà còn về các khoản hoa hồng, chiết khấu, khuyến mãi (nếu có) khi thực hiện mua sắm.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, các khoản chi hoa hồng, lót tay... khi được công khai thì, theo Thông tư 35, sẽ phải nộp về ngân sách nhà nước, chứ không để lại đơn vị mua sắm tài sản. Ông Thịnh còn lạc quan cho rằng khi thực hiện việc mua sắm tập trung, đầu mối mua sắm sẽ giảm đi và chỉ tập trung về một số đơn vị, do đó, hoàn toàn có thể công khai và kiểm soát các khoản chi phí hoa hồng, lót tay này.

Bối cảnh của quyết định chuyển sang thực hiện mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung có lẽ xuất phát từ thực tế việc mua sắm tài sản công ở mọi cấp, ngành và tổ chức hưởng ngân sách nhà nước đã và đang bị lạm dụng, gây lãng phí và thất thoát lớn. Tuy vậy, có một số vấn đề đặt ra cho phương thức mua sắm tập trung này, cũng như việc công khai và nộp vào ngân sách các khoản hoa hồng, lót tay.

Không chắc đã tốt hơn

Vấn đề thứ nhất là về hiệu quả của việc mua sắm tập trung vào một số đầu mối. Theo Thông tư 35, việc mua sắm tập trung được thực hiện theo một trong hai cách là mua sắm tập trung theo cách thức ký thỏa thuận khung, hoặc mua sắm tập trung theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp. Điểm chung của hai cách mua sắm tập trung này là đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu.

Số lượng đầu mối ít đi thì cũng không nhất thiết dẫn đến công khai hơn và dễ kiểm soát hơn các khoản hoa hồng, lót tay, nếu người trong cuộc nhất quyết không công khai.

Như vậy, việc mua sắm tập trung theo một trong hai cách trên có lẽ chỉ giải quyết được mỗi một chuyện là thay vì từng cơ quan hưởng ngân sách được tự lựa chọn nhà thầu cung cấp thì nay, trong cơ chế mới, công việc (“béo bở”) này được dành về tay một số đầu mối ở Bộ Tài chính và các bộ, tỉnh, cơ quan trung ương khác. Câu hỏi liên quan ở đây là điều gì làm người dân hy vọng rằng những người được giao trọng trách lựa chọn nhà thầu ở các đầu mối mua sắm tập trung này sẽ công tâm hơn, liêm chính hơn, và có năng lực hơn những đồng nghiệp của họ ở từng cơ quan hưởng ngân sách có nhu cầu mua tài sản công?

Về câu hỏi trên, không thể dễ dãi mà trả lời rằng các đơn vị mua sắm tập trung này do ở cấp cao hơn (trên bộ, cơ quan trung ương, tỉnh) hoặc có trọng trách nhiều hơn (mua sắm đồng loạt cho nhiều cơ quan khác nhau) nên sẽ làm việc hiệu quả hơn và liêm chính hơn những đơn vị mua sắm ở các cơ quan riêng lẻ, ở cấp cơ sở, cấp thấp hơn. Thậm chí trái lại, sẽ có rủi ro lớn là những đầu mối tập trung này trở thành những cơ quan “siêu quyền lực” vì có quyền ban phát, phê duyệt cho rất nhiều cơ quan khác nhau, dễ dàng dẫn đến tha hóa, lạm quyền để tư lợi cho một số cá nhân trong nội bộ ở quy mô còn khủng khiếp hơn so với việc mua sắm phân tán ở từng cơ quan như trước đây.

Tất nhiên là những người liên đới sẽ có thể biện bạch rằng những đầu mối này sẽ làm việc theo đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật... nên sẽ khó xảy ra những mối hiểm họa nêu trên. Nhưng nếu dùng luật lệ mà lý luận ở đây thì người ta cũng có thể chỉ ngay ra rằng trong cơ chế mua sắm cũ cũng có đầy đủ các thể loại quy định với ràng buộc để, trên nguyên tắc, các cơ quan hưởng ngân sách nhà nước không thể tự tung tự tác mua sắm vô tội vạ với giá trên trời. Nhưng kết quả thực tế với những ví dụ như mua sắm ô tô tràn lan, vượt định mức cho phép, là quá đủ để cho thấy luật lệ với quy trình nhiều khi chỉ để cho có mà thôi.

Không được quy định trong luật!

Vấn đề thứ hai đáng bàn liên quan đến cơ chế mua sắm tập trung là chuyện các nhà làm luật hy vọng sẽ thu về cho ngân sác nhà nước các loại tiền chiết khấu, hoa hồng, lót tay, khuyến mãi... nếu có!
Điều đáng ngạc nhiên là chuyện nộp ngân sách các khoản tiền này không hề được đề cập đến trong Thông tư 35! Chỉ có duy nhất khoản 3, điều 31 của thông tư này có chứa đựng các từ như chiết khấu, hoa hồng, và khuyến mãi, nhưng nội dung của điều khoản này là về công khai trong mua sắm tập trung, chứ không phải là về quản lý, sử dụng số tiền thu được này. Ngay điều 28 “Các khoản thu liên quan đến mua sắm tập trung” cũng không hề đề cập đến nguồn thu từ các khoản tiền này. Như vậy, có thể tạm kết luận rằng việc buộc nộp ngân sách các loại tiền này chỉ là diễn giải luật (vô căn cứ) theo góc nhìn cá nhân.

Có thu được thì cũng chỉ là phần nổi của tảng băng

Điều không thể phủ nhận là phương thức mua sắm tập trung sẽ có một lợi thế lớn so với phương thức mua sắm phân tán, ở cấp cơ sở như trước đây. Đó là khi mua sắm với đơn hàng lớn hơn do tập trung nhu cầu từ nhiều cơ quan thay vì từng cơ quan riêng lẻ nên gần như nghiễm nhiên đơn vị mua sắm tập trung sẽ được hưởng ưu đãi về giá, ví dụ, được hưởng giá bán buôn, được chiết khấu và khuyến mãi nhiều hơn do mua với số lượng lớn hơn.

Và đương nhiên là khi đã phát sinh ra các khoản tiền kiểu như vậy và được công khai, thể hiện đầy đủ trên sổ sách thì không có mấy cá nhân lẫn tổ chức dám “ỉm” đi mà không tự động nộp lại cho ngân sách (dù cho có thể không bị quy định phải làm như vậy).

Trên thực tế cũng có một số trường hợp nhà cung cấp đã công khai rộng rãi chính sách bán hàng của mình, ví dụ như mua với số lượng bao nhiêu trở lên thì sẽ được hưởng chiết khấu bao nhiêu phần trăm. Trong những trường hợp này thì tiền chiết khấu này khó giấu được và buộc đơn vị mua sắm tập trung phải báo cáo và giao nộp cho ngân sách khoản tiền này. Dù vậy, điều này cũng không phải là một bước tiến trong cơ chế mua sắm tập trung so với cơ chế cũ, nếu cơ chế cũ cũng không cho phép được để lại những khoản tiền này ở cơ quan có nhu cầu mua sắm mà buộc phải giao nộp cho ngân sách.

Nhưng ngoài ra, sẽ còn rất nhiều khoản tiền tương tự không tự động được công khai và báo cáo do khó bị phát hiện ra khi phát sinh. Cũng tương tự như với việc mua sắm ở từng đơn vị trước đây, những người có trách nhiệm sẽ không có động cơ công khai hóa, báo cáo đầy đủ các khoản chiết khấu, khuyến mãi, lót tay, nếu bên nhà thầu cung cấp hàng hóa không tự nhiên công khai các khoản này. Còn nhà thầu thì tất nhiên cũng chẳng có động cơ tự giác khai báo một khi nhờ có chiết khấu và lót tay dành riêng cho người có quyền quyết định trong đơn vị mua sắm tập trung mà họ bán được hàng. Đó là chưa kể nhiều trường hợp nhà thầu minh bạch quá, với chính sách bán hàng rõ ràng, không chấp nhận “đi đêm” thì lại bị loại với nhiều lý do hiển nhiên nào đó cho dù có được tham dự bỏ thầu. Nói cách khác, đa phần chuyện khuyến mãi, chiết khấu và lót tay sẽ mãi chỉ là chuyện riêng, chuyện kín biết với nhau giữa nhà thầu cung cấp hàng hóa và đơn vị mua sắm tập trung. Do đó, cái mà ngân sách hy vọng thu được từ cơ chế mua sắm tập trung, nếu có, sẽ chỉ là một phần không đáng kể so với thực tế đã và sẽ xảy ra.

Ít đầu mối hơn không đồng nghĩa với công khai hơn

Như nói ở trên, Bộ Tài chính hy vọng đầu mối mua sắm giảm đi nên hoàn toàn có thể công khai và kiểm soát các khoản chi phí hoa hồng, lót tay. Nhưng qua phân tích ở trên có thể thấy số lượng đầu mối ít đi thì cũng không nhất thiết dẫn đến công khai hơn và dễ kiểm soát hơn các khoản hoa hồng, lót tay, nếu người trong cuộc nhất quyết không công khai.

Có chăng chỉ là chuyện nếu muốn thanh tra, điều tra chuyện “đi đêm” với nhau giữa đơn vị mua sắm và nhà thầu gây thiệt hại cho ngân sách thì việc này có thể thuận lợi hơn nếu chỉ phải thanh tra một vài đầu mối mua sắm tập trung thay vì hàng ngàn đầu mối như trước đây. Có điều, đây là bước hậu kiểm, và nếu có phát hiện ra sai phạm thì chỉ là hành động sửa sai “lỗi hệ thống” mà thôi. Điều quan trọng là phải có một hệ thống hoạt động minh bạch, công khai ở mọi công đoạn, mọi bước để người dân luôn có thể kiểm tra và giám sát được (tiền kiểm).

Theo hướng minh bạch và công khai hóa nói trên thì việc Thông tư 35 buộc đơn vị mua sắm tập trung công khai kết quả mua sắm tập trung qua nhiều kênh là một điểm đáng ghi nhận. Tiếc là nếu những quy định về công khai này cũng được áp dụng trong cơ chế trước đây thì có lẽ đã không phải thay đổi toàn bộ hệ thống và cách thức mua sắm tài sản công như hiện nay vốn sẽ gây ra không ít xáo trộn và cả phí tổn điều chỉnh.
Và cũng không kém phần quan trọng như diễn biến trên thực tế với nhiều quy trình và luật lệ khác, quy định (có bước tiến bộ) là như vậy nhưng thực thi nghiêm túc được đến đâu và ai sẽ giám sát, xử phạt việc tuân thủ những quy định này?

Theo TBKTSG