Đảo chính quân sự ở Myanmar trở thành trung tâm xung đột mới của Mỹ và Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc đảo c hính quân sự bất ngờ ở Myanmar đã trở thành một trung tâm mới của xung đột Mỹ - Trung . Hai nước có thái độ khác hẳn nhau trước sự kiện này.
Quân đội Myanmar phong tỏa trụ sở Quốc hội hôm 2/2 (Ảnh: AP).
Quân đội Myanmar phong tỏa trụ sở Quốc hội hôm 2/2 (Ảnh: AP).

Chính phủ Mỹ của tân Tổng thống Joe Biden đã chính thức định tính tình hình ở Myanmar là "đảo chính" (coup) và đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar. Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu cũng đã lần lượt lên án chính quyền quân sự Myanmar; các phương tiện truyền thông chính thống của các nước về cơ bản đều sử dụng từ "đảo chính" để nói về vụ việc. Tuy nhiên, thái độ của chính quyền Trung Quốc lại tỏ ra rất thận trọng và không theo cùng xu hướng này.

Bài báo trên tài khoản WeChat công khai của Trung Quốc “Ngoại tuyên vi ký” ngày 3/2 tuyên bố rằng cơ quan truyền thông tiếng Anh chính thức của Trung Quốc chưa từng sử dụng từ “đảo chính” (coup), mà gọi những gì đang xảy ra ở Myanmar là “một cuộc cải tổ nội các lớn” (a major cabinet reshuffle). Trong thế giới báo chí tiếng Anh tràn ngập khắp nơi, cách diễn đạt này khá đặc biệt, nên rất khó để không bị chú ý.

Theo phân tích của bài báo, thuật ngữ "đảo chính" (coup) có khuynh hướng chính trị rất rõ ràng, trong khi "cải tổ nội các" (cabinet reshuffle) là một sự mô tả trung tính về kết quả, phản ánh nguyên tắc ngoại giao của Trung Quốc là "không can thiệp vào nội bộ của nước khác”. Sự thận trọng và đặc biệt của từ ngữ chính thức cho thấy có nhiều điều cần cân nhắc đằng sau chuyện này.

Ngày 1/2, Yyg Mỹ Joe Biden tuyên bố lên án quân đội Myanmar bắt giữ bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: AP).

Ngày 1/2, Yyg Mỹ Joe Biden tuyên bố lên án quân đội Myanmar bắt giữ bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: AP).

Trên thực tế, không chỉ cách sử dụng từ ngữ của Trung Quốc bị thế giới bên ngoài xem xét kỹ lưỡng, mà ngôn ngữ sử dụng của Mỹ cũng để ý chặt chẽ. Trong tuyên bố, chính quyền Joe Biden gọi "Myanmar" là "Burma" trong khi trên thế giới hiện đều gọi quốc gia này theo tên mới "Myanmar".

Bài báo cho biết "Burma" và "Myanmar" đều là tên quốc gia Miến Điện, trước là tên cũ, sau là tên mới. Năm 1989, chính quyền quân sự Miến Điện đổi tên đất nước từ "Burma" thành "Myanmar". Các nhân sĩ Dân chủ ở Myanmar không sẵn sàng chấp nhận việc đổi tên đất nước. Việc chính quyền Mỹ sử dụng tên cũ "Burma" dựa trên những cân nhắc về chính trị. Theo người Mỹ, những gì chính phủ quân sự luôn làm là phản dân chủ, việc họ không muốn từ bỏ "Burma" là truyền đạt một gợi ý chính trị rằng họ không muốn công nhận chính phủ quân sự ở Myanmar.

Bài báo chỉ ra rằng "Myanmar" thường được sử dụng trong các phương tiện truyền thông tiếng Anh trong nước của Trung Quốc, và rất hiếm khi được viết là "Burma". Các phương tiện truyền thông Mỹ phức tạp hơn, sử dụng cả "Burma" lẫn "Myanmar".

Người biểu tình phản đối quân đội đảo chính, ủng hộ bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: AP).

Người biểu tình phản đối quân đội đảo chính, ủng hộ bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: AP).

Trong những năm gần đây, thuật ngữ "Myanmar" về cơ bản đã được các chính phủ và các cơ quan truyền thông quốc tế lớn chấp nhận. Chính vì vậy, trong tuyên bố của chính phủ Joe Biden gọi Myanmar bằng tên cũ "Burma" đã gây chú ý đặc biệt. Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Jen Psaki trả lời rằng việc sử dụng tên gọi "Burma" vẫn là một chính sách chính thức của Mỹ, nhưng nó không có nghĩa là sự bất kính (discourteous) đối với chính phủ Myanmar. Tên gọi "Myanmar" cũng được Mỹ sử dụng trong một số trường hợp nhất định.

Tờ Wall Street Journal ra ngày 2/2 của Mỹ đăng bình luận về cuộc đảo chính ở Myanmar, viết trong một bài báo rằng Mỹ xác định thái độ của mình đối với Myanmar là thúc đẩy dân chủ và nhân quyền và đề xuất khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt. Chính phủ Trung Quốc lại tuyên bố rằng Trung Quốc theo đuổi chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác.

Bài báo chỉ ra rằng liên quan đến lập trường rất khác biệt này, bà Tôn Vận (Sun Yun), một chuyên gia về vấn đề Trung Quốc tại Trung tâm Stimson - một tổ chức tư vấn ở Washington cho rằng, đối với Washington, các quan chức Mỹ đã nhìn thấy cơ hội ở Myanmar. Mỹ có thể biến Myanmar thành một đối tác, giành được dân chủ và làm suy yếu địa vị chủ đạo của Trung Quốc. Trung Quốc luôn giữ thái độ kín tiếng, bày tỏ hy vọng các bên có thể quản lý ổn thỏa sự bất đồng của mình. Điều này là do chiến lược của Trung Quốc luôn là bất kỳ ai nắm quyền cũng hợp tác với người đó. Điểm trọng tâm mà Bắc Kinh quan tâm là lợi ích chiến lược và kinh tế.

Tân Hoa xã gọi cuộc đảo chính ở Myanmar là "cải tổ nội các" (Ảnh: HKFP).

Tân Hoa xã gọi cuộc đảo chính ở Myanmar là "cải tổ nội các" (Ảnh: HKFP).

Trước đó, ngày 2/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhóm họp nhưng không đạt được thống nhất về tuyên bố chung lên án cuộc đảo chính ở Myanmar do không giành được sự ủng hộ từ Trung Quốc.

Theo hãng BBC ngày 2/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp để thảo luận về tình hình ở Myanmar. Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Myanmar, Christine Burgener, đã lên án hành động của quân đội Myanmar và kêu gọi Hội đồng Bảo an đưa ra một tín hiệu rõ ràng để ủng hộ những người dân chủ Myanmar. Trước đó, hôm 1/2, quân đội Myanmar đã từ chối chấp nhận kết quả của cuộc tổng tuyển cử tổ chức hồi tháng 11/2020 và bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng một số quan chức chính phủ cấp cao.

Tin cho hay, Trung Quốc đã ngăn chặn tuyên bố của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Tuyên bố chung cần có sự ủng hộ của Trung Quốc, nước là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an và có quyền phủ quyết.

Dân chúng gõ xô chậu phản đối quân đội đảo chính (Ảnh: Reuters).

Dân chúng gõ xô chậu phản đối quân đội đảo chính (Ảnh: Reuters).

Theo Elliott Prasse-Freeman, một chuyên gia về các vấn đề Myanmar tại Đại học Quốc gia Singapore, Trung Quốc dường như đang ám chỉ rằng, dù không ủng hộ rõ ràng, họ đang ngầm thừa nhận hành động của quân đội Myanmar thông qua chính sách đối ngoại này.

Freeman nói: "Trung Quốc dường như coi đây là một 'vấn đề nội bộ' ở Myanmar. Như các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã nói, những gì chúng ta thấy chỉ là một sự 'cải tổ lại nội các'". Tuy ông cho rằng một bản tuyên bố của Liên hợp quốc sẽ không có tác động ngay lập tức, nhưng nó vẫn có thể được sử dụng như "bước đầu tiên trong việc điều phối phản ứng quốc tế. Điều này dường như không xảy ra".

Theo các thông tin trước đó, vào ngày 1/2, Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint, và các lãnh đạo cấp cao khác của đảng cầm quyền đã bị quân đội bắt giữ. Tổng Tư lệnh quân đội Min Aung Lai tiếp quản quyền lực của quốc gia và Phó Tổng thống Min Shui trở thành quyền tổng thống. Đây là lần đầu tiên bà Aung San Suu Kyi lại bị quân đội giam giữ sau 11 năm.

Quân đội Myanmar chốt giữ các vị trí quan trọng (Ảnh: Reuters).

Quân đội Myanmar chốt giữ các vị trí quan trọng (Ảnh: Reuters).

Quân đội ra tuyên bố thực thi tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm và nêu rõ cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức sau khi kết thúc. Bà Aung San Suu Kyi sau đó đã lên tiếng bác bỏ cuộc đảo chính quân sự và kêu gọi người dân biểu tình. Sau đó, quân đội Myanmar tuyên bố tổ chức lại chính phủ quy mô lớn. Sau đó, nhiều bộ trưởng của nhiều ngành bị thay thế hoặc cách chức.

Internet và thông tin liên lạc ở các thành phố chủ chốt của Myanmar đã bị cắt một thời gian; các chuyến bay nội địa bị tạm dừng, các sân bay quốc tế lớn cũng bị đóng cửa; các ngân hàng Myanmar tạm thời đóng cửa tất cả các dịch vụ tài chính và sàn chứng khoán bị đình chỉ giao dịch; một số lượng lớn dân chúng đã đổ ra phố tranh nhau mua sắm nhu yếu phẩm hàng ngày.

Theo thông tin mới nhất, bà Aung San Suu Kyi hiện đang bị quản thúc tại Naypyidaw, thủ đô Myanmar, một số lãnh đạo các tỉnh và bang sẽ lần lượt được thả.