Vì sao ông Joe Biden vẫn chưa nói chuyện điện thoại với ông Tập Cận Bình?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden tuyên bố không vội tiếp xúc với Trung Quốc trong khi các máy bay quân sự của PLA và Mỹ tiếp tục hoạt động tấp nập trong vùng trời xung quanh Đài Loan.
Ngày 2/2, Mỹ cho nhiều loại máy bay trinh sát bay trên vùng trời hai đầu cực Bắc và Nam Đài Loan (Ảnh: Dongfang).
Ngày 2/2, Mỹ cho nhiều loại máy bay trinh sát bay trên vùng trời hai đầu cực Bắc và Nam Đài Loan (Ảnh: Dongfang).

Theo Reuters ngày 3/2/2021, bà Jen Psaki người phát ngôn Nhà Trắng nói tại cuộc họp báo rằng bà không thể tiết lộ khi nào Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Biden có thể nói chuyện điện thoại với nhau được. Kể từ khi nhậm chức ngày 20/1, ông Biden đã nói chuyện điện thoại với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, ngoại trừ ông Tập Cận Bình.

Một phóng viên đã hỏi liệu hai bên đã ấn định ngày để các nhà lãnh đạo gọi điện hay chưa và liệu Trung Quốc có đề xuất gọi hay không. Bà Psaki trả lời, Nhà Trắng đã liên lạc với các thành viên của cả hai đảng trong quốc hội và các đồng minh khác trong thời gian vừa qua để định ra cách thức và thời cơ tiếp xúc với Trung Quốc. Bà cũng chỉ ra một nhiều vấn đề quan trọng trong mối quan hệ giữa hai bên, bao gồm biến đổi khí hậu, kinh tế và an ninh. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh hiện không thể đoán trước được thời điểm hai bên có thể trao đổi điện thoại.

Bà Psaki nói, với việc ông Antony Blinken làm Ngoại trưởng Mỹ, “có nhiều khía cạnh hơn để giao lưu với Trung Quốc”, nhưng cả bà và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price đều nói rằng đối thoại với các đồng minh và đối tác là ưu tiên đầu tiên của chính phủ Joe Biden.

Hơn 2 tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa nói chuyện điện thoại với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP).

Hơn 2 tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn chưa nói chuyện điện thoại với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: AP).

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm Thứ ba (2/2), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Đài Loan và tham gia vào cuộc đối thoại có ý nghĩa với chính phủ được bầu cử dân chủ của Đài Loan.

Ông nói rằng Mỹ - Trung đang ở trong tình trạng cạnh tranh. Mỹ sẽ chống lại các hành động xâm lược và ép buộc của Trung Quốc, đồng thời sẽ cố gắng duy trì ưu thế quân sự của mình, bảo vệ các giá trị dân chủ, đầu tư vào các công nghệ tiên tiến và khôi phục quan hệ với các đối tác an ninh quan trọng. Tuy nhiên, Mỹ cũng hiểu rằng họ có lợi ích chồng chéo với Trung Quốc trong một số vấn đề, chẳng hạn như vấn đề biến đổi khí hậu, hai bên sẽ hợp tác ở mức độ có hạn để phù hợp lợi ích của mỗi bên.

Ông Ned Price nói rằng quan hệ với các đồng minh và đối tác của Mỹ là "hệ số nhân sức mạnh để đối phó mọi loại thách thức, bao gồm cả quan hệ với Bắc Kinh". "Do đó, bước đầu tiên, chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta phải nhất trí với các đồng minh và đối tác, sau đó mới có thể chờ đợi cùng nhau tiếp xúc với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực".

Theo Reuters, chính quyền Joe Biden hiện vẫn chưa làm rõ hoàn toàn chiến lược của họ đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Tuy nhiên, họ đã bày tỏ về tổng thể sẽ vẫn tiếp tục thái độ cứng rắn mà cựu Tổng thống Donald Trump đã áp dụng và cam kết sẽ đánh bại Bắc Kinh trong cuộc cạnh tranh.

Bà Jen Psaki : hiện không thể đoán trước được thời điểm hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình có thể trao đổi điện thoại (Ảnh: AP).

Bà Jen Psaki : hiện không thể đoán trước được thời điểm hai ông Joe Biden và Tập Cận Bình có thể trao đổi điện thoại (Ảnh: AP).

Bản tin của Reuters chỉ ra rằng ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 2/2 đã kêu gọi đưa quan hệ Mỹ - Trung trở lại quỹ đạo mang tính xây dựng và có thể dự đoán. Ông nói Washington cần tôn trọng lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan và ngừng can thiệp vào các vấn đề Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương.

Theo các tin trước đó, ông Dương Khiết Trì ngày 2/2 đã tổ chức một cuộc đối thoại trực tuyến với Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung của Mỹ. Tại hội nghị này, ông Dương tuyên bố: "Chính quyền Trump đã thực hiện một chính sách chống Trung Quốc cực kỳ sai lầm" và "thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ quay trở lại quỹ đạo đúng phát triển lành mạnh và ổn định”, cần nỗ lực trên bốn lĩnh vực sau: hiểu đúng về Trung Quốc, khôi phục trao đổi bình thường, xử lý thích đáng các mâu thuẫn, bất đồng và phát triển hợp tác cùng có lợi.

Trong khi đó, theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 3/2, vào ngày thứ Ba 2/2, nhiều máy bay trinh sát của quân đội Mỹ đã xuất hiện trên vùng trời ngoài khơi cả hai đầu cực bắc và nam của Đài Loan. Về phía PLA, một máy bay gây nhiễu điện tử Yun-8 đã bay qua đường phân giới sang khu vực biển Đài Loan đối diện ngoài khơi Sán Đầu, Quảng Đông. Theo trung tâm tư vấn Trung Quốc SCSPI chuyên theo dõi các diễn biến trên Biển Đông, quân đội Mỹ đã điều 70 máy bay máy bay trinh sát loại lớn tới Biển Đông hoạt động trong tháng trước (1/2021), trong đó tần suất hoạt động của máy bay trinh sát không người lái MQ-4C Poseidon tăng đáng kể.

Ông Ned Price kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Đài Loan và đối thoại với chính quyền Đài Loan. (Ảnh: Dongfang).

Ông Ned Price kêu gọi Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Đài Loan và đối thoại với chính quyền Đài Loan. (Ảnh: Dongfang).

Theo hai tài khoản Twitter CANUK78Aircraft Spots chuyên theo dõi hoạt động của máy bay quân sự hôm thứ Ba, một máy bay trinh sát tầm cao U-2S của Mỹ đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Wonsan của Hàn Quốc vào buổi sáng cùng ngày và hướng đến biển Hoa Đông, phía bắc Đài Loan để thực hiện nhiệm vụ giám sát. Một máy bay trinh sát không người lái MQ4C Poseidon của Hải quân Mỹ đã cất cánh từ Căn cứ Không quân Anderson ở Guam và tiến vào Biển Đông qua eo biển Bashi. Một máy bay trinh sát điện tử EP-3E Capricorn khác cũng xuất hiện trên eo Bashi và phía nam Đài Loan cùng ngày.

Trung tâm tư vấn “Chương trình Nhận thức Tình hình Chiến lược Biển Đông” (SCSPI) của Đại học Bắc Kinh hôm thứ Hai (1/2) đã đăng bài trên các trang mạng xã hội nói rằng nhóm tác chiến tàu sân bay USS Roosevelt đã tiến vào Biển Đông vào ngày 23/1, cùng ngày 5 máy bay tuần tra chống ngầm P-8A, 1 máy bay trinh sát điện tử EP-3E và 1 máy bay báo động sớm trên tàu sân bay E-2C đã triển khai các hoạt động ở Biển Đông, nhiều hơn 6 máy bay quân sự được điều động trong một ngày khi cặp đôi tàu sân bay USS Reagan và USS Nimitz của Mỹ tiến vào Biển Đông hôm 3/7/2020. Ngoài ra, số lượng máy bay quân sự Mỹ bay đến Biển Đông trong tháng trước dựa trên số liệu thống kê chưa đầy đủ về tín hiệu phát sóng ADS-B của máy bay cho thấy con số thực tế có thể còn cao hơn.

Máy bay quân sự của Mỹ và Trung Quốc bay đối đầu nhau hôm 26/1 trong Vùng nhận dạng phòng không Tây Nam Đài Loan (Ảnh: Dongfang).

Máy bay quân sự của Mỹ và Trung Quốc bay đối đầu nhau hôm 26/1 trong Vùng nhận dạng phòng không Tây Nam Đài Loan (Ảnh: Dongfang).

Cơ quan quốc phòng Đài Loan vào tối thứ Ba 2/2 đã xác nhận, một máy bay trinh sát điện tử Yun-8 của PLA đã đi vào vùng trời phía tây nam của Đài Loan vào đêm hôm đó. Ngoài ra, theo tin của truyền thông Đài Loan, máy bay quân sự của PLA cũng bay vào không phận phía Tây Nam của Đài Loan lúc 7h21 sáng thứ Ba 2/2. Theo hồ sơ phát sóng và theo dõi, Không quân Đài Loan đã cất cánh và xua đuổi khỏi không phận máy bay quân sự của PLA ở độ cao 3000m.

Mặt khác, khi Trung Quốc và Mỹ leo thang trên Biển Đông và tình hình ở eo biển Đài Loan tiếp tục căng thẳng, PLA đã tiến hành các cuộc huấn luyện chiến đấu thực tế trên nhiều vùng biển.

Theo cảnh báo hàng hải đăng trên trang web chính thức của Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc, ngày 31/1 và 1/2, các hoạt động quân sự sẽ diễn ra ở Biển Bột Hải; từ ngày 31/1 đến ngày 7/2, các nhiệm vụ quân sự sẽ diễn ra ở ở eo biển Bột Hải phía bắc Hoàng Hải. Ngoài ra, một biên đội tàu khu trục của Hải quân Chiến khu Miền Đông đã tổ chức huấn luyện thực hành hơn 20 khoa mục bao gồm bắn pháo chính trên hạm và tổng hợp tấn công, phòng thủ tại một khu vực nhất định trên biển Hoa Đông.

Kênh Quân sự của Đài CCTV cũng đã phát một video vào ngày 3/2 thông báo về cuộc huấn luyện quân sự của PLA tại vùng biển nói trên.

Trong hai ngày 23 và 24/1 Trung Quốc cho 28 máy bay bay vào vùng trời gần đảo Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Trong hai ngày 23 và 24/1 Trung Quốc cho 28 máy bay bay vào vùng trời gần đảo Đài Loan (Ảnh: Dwnews).

Về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các quyền, lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Đồng thời, sau khi chính phủ mới của Mỹ lên cầm quyền, vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung - Mỹ đã thu hút nhiều sự quan tâm của người ngoài khi Washington tuyên bố cam kết của Mỹ đối với an ninh và phòng vệ của Đài Loan là "vững như bàn thạch".

Đáp lại, Ngô Khiêm, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ngày 28/1 tuyên bố, Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc và vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc và bên ngoài không được phép can thiệp. Vào ngày 30/1, tờ “Nhân dân Chính hiệp báo” của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đã đăng một bài nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề Đài Loan không thể trì hoãn quá lâu.