Ngoại trưởng Blinken cho thấy Mỹ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 1/2 đã đưa ra cảnh báo đối với Trung Quốc về việc Trung Quốc xử lý không mạnh dịch COVID-19 và chỉ ra rằng Washington có ưu thế mà Bắc Kinh không có.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Trung Quốc là thách thức lớn nhất vơid Mỹ và tán thành chính sách cứng rắn với Trung Quốc của chính phủ Donald Trump (Ảnh: Dwnews).
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho rằng Trung Quốc là thách thức lớn nhất vơid Mỹ và tán thành chính sách cứng rắn với Trung Quốc của chính phủ Donald Trump (Ảnh: Dwnews).

Trong chương trình tin tức Today của Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Quốc gia (NBC) phát sóng ngày 1/2, ông Blinken cáo buộc Trung Quốc không thực hiện các nghĩa vụ quốc tế và không cung cấp thông tin về nguồn gốc của dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc hồi cuối năm 2019 và nói chính phủ Trung Quốc đã che đậy thông tin này.

Cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về dịch COVID-19

Ông Blinken nói, "Không còn nghi ngờ gì nữa, đặc biệt là khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát, ngay cả hiện nay, Trung Quốc vẫn không chịu cung cấp thông tin cần thiết cho cộng đồng quốc tế và đảm bảo cho các chuyên gia vào Trung Quốc". Ông cho rằng, "thiếu minh bạch và thiếu chân thành là một vấn đề sâu sắc".

Điều đáng chú ý là nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện đang điều tra nguồn gốc của virus coronavirus mới (SARS-CoV-2) ở Vũ Hán. Đối với chuyến đi này, có thông tin cho rằng hoạt động của nhóm chuyên gia WHO dường như bị hạn chế, họ không thể tiếp xúc nhiều với các cơ quan truyền thông hoặc tùy ý nói chuyện với người dân cộng đồng. Và người phát ngôn của WHO Margaret Harris đã nói rằng họ chỉ được liên lạc với một số người có tổ chức và liên quan đến nghiên cứu.

Theo báo cáo của các cơ quan truyền thông như AFP, nhà dịch tễ học của WHO Maria Van Kerkhove đã kêu gọi Trung Quốc để các chuyên gia được tự do tiếp cận trong chuyến công tác. Bà nói rằng các chuyên gia nên được phép tự do xác định đến đâu thời gian thực hiện sứ mệnh và họ phải được cung cấp không gian nghiên cứu khoa học.

Nhân viên an ninh Trung Quốc ngăn cản các phóng viên tiếp xúc với đoàn chuyên gia WHO (Ảnh: Reuters).

Nhân viên an ninh Trung Quốc ngăn cản các phóng viên tiếp xúc với đoàn chuyên gia WHO (Ảnh: Reuters).

Trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều) ngày 2/2 cho rằng, những phát biểu trên là những cáo buộc mới nhất của chính phủ Joe Biden chống lại Trung Quốc. Các nhà phê bình cho rằng sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có đường lối cứng rắn với Trung Quốc, thái độ tiêu cực của chính quyền Biden đối với Trung Quốc dường như yếu hơn.

Trong chương trình, một phóng viên đã đặt câu hỏi về Trung Quốc, “Tại cuộc điều trần đề cử và xác nhận chức vụ Ngoại trưởng, ông đã nói rằng Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc có hành động chống lại Đài Loan, ông có thực hiện các biện pháp hay không? Ông có cho rằng trong tương lai chúng ta có xảy ra xung đột quân sự với Trung Quốc không?”.

Ông Blinken trả lời: "Không nghi ngờ gì, khi so sánh với các nước khác, Trung Quốc là thách thức lớn nhất đối với chúng ta. Tuy nhiên, tính chất của mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc rất phức tạp. Trong mối quan hệ này có một khía cạnh đối đầu và tất nhiên cũng có khía cạnh cạnh tranh; đồng thời cũng có một số mặt hợp tác”. Ông cũng đồng thời bày tỏ: "Tuy nhiên, cho dù chúng ta giải quyết bất kỳ khía cạnh nào của mối quan hệ này, chúng ta đều cần phải có khả năng thực lực đối phó với Trung Quốc từ một vị trí chiếm ưu thế chứ không phải là một thế yếu hơn”.

Blinken chỉ ra rằng “Tôi cho rằng sức mạnh này đến từ việc chúng ta có một liên minh mạnh mẽ, trong khi Trung Quốc thì không”. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời chỉ ra rằng “xét về nhiều mặt, thách thức mà Trung Quốc đặt ra là điểm yếu của chính chúng ta và là nguyên nhân khiến Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn”.

Đa Chiều cho rằng, trong khi duy trì cái gọi là "kiên nhẫn chiến lược" với Trung Quốc, chính quyền Joe Biden thực sự sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc dưới thời Donald Trump, trong đó có việc tạm thời giữ lại một số chính sách cấp tiến với Trung Quốc do phái cực hữu đưa ra. Điều này được thể hiện qua những tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về các vấn đề Tân Cương và Biển Đông của Trung Quốc trong mấy ngày sau khi được bổ nhiệm.

Ngày 27/1, ông Blinken tuyên thệ nhậm chức, sau đó phát biểu tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc (Ảnh: AP).

Ngày 27/1, ông Blinken tuyên thệ nhậm chức, sau đó phát biểu tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc (Ảnh: AP).

Tiếp tục định vị tội "diệt chủng" của Trung Quốc

Vào ngày 27 tháng 1, đại sứ được ông Biden đề cử tại Liên Hợp Quốc, bà Linda Thomas Greenfield, nói trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện rằng đang xem xét lại nhận định của cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo nói Trung Quốc phạm "tội ác diệt chủng" đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Bà nhấn mạnh rằng quyết định này "không tuân theo mọi thủ tục" và Bộ Ngoại giao Mỹ muốn đảm bảo rằng quy định này được tuân thủ để đảm bảo rằng cách gọi này được giữ lại. Sau đó, trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao khi Blinken được hỏi về tuyên bố của bà Thomas Greenfield. Ông Blinken đã trả lời rằng ông công nhận kết luận rằng Trung Quốc đã thực hiện "diệt chủng" ở Tân Cương. Điều này thống nhất với những gì ông nói tại phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Ông Blinken vẫn tiếp tục lập trường của thời kỳ Pompeo.

Sau khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một dự luật liên quan đến Tân Cương vào năm 2020, đã gây áp lực buộc Bộ Ngoại giao dưới thời Mike Pompeo phải xác định trong vòng 90 ngày liệu Trung Quốc có "diệt chủng" ở Tân Cương hay không. Ông Pompeo đã quyết định đưa ra nhận định này chỉ một ngày trước khi ông Biden lên nắm quyền. Tín hiệu trong đó rất rõ ràng, đó là tạo ra khó khăn cho việc ra quyết sách của chính quyền Biden đối với Trung Quốc, đồng thời củng cố nhãn hiệu "cứng rắn chống lại Trung Quốc" của bản thân ông.

Đa Chiều nhận định: ông Blinken nói điều này khi tham dự phiên điều trần của Thượng viện để thông qua chứng nhận đề cử. Tuy nhiên, sau khi giữ chức Ngoại trưởng, ông vẫn kiên định với nhận định này, đó là một quyết định theo Bắc Kinh là “đường đột và vô trách nhiệm, phù hợp với những cáo buộc của chính phủ cánh hữu của Trump đối với Trung Quốc”.

Các nhân viên an ninh làm thành hàng rào bao quanh đoàn chuyên gia WHO (Ảnh: Reuters).

Các nhân viên an ninh làm thành hàng rào bao quanh đoàn chuyên gia WHO (Ảnh: Reuters).

Từ chối chấp nhận yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Vào ngày 27/1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố nói, ông Blinken trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin đã nói rằng Hoa Kỳ từ chối chấp nhận (“reject” - bác bỏ) các chủ trương lãnh hải của Trung Quốc vượt quá mức được luật pháp quốc tế cho phép ở Biển Đông và sẽ tuyên bố sát cánh với các nước Đông Nam Á cùng nhau chống lại sức ép của Trung Quốc.

Đa Chiều nhận xét, so với hai Ngoại trưởng thời Obama là Hillary Clinton và John Kerry, lập trường của Blinken thậm chí còn cứng rắn hơn. Hillary và J.Kerry về cơ bản khẳng định "đàm phán đa phương" và "không tỏ rõ lập trường" về vấn đề chủ quyền quy thuộc, hoặc nhìn bề ngoài thì Mỹ không chọn bên. Hơn nữa, chính phủ của Đảng Dân chủ khi đó không chỉ gây sức ép với Trung Quốc mà còn cảnh báo các bên tranh chấp chủ quyền khác, phản đối "bất kỳ bên nào" đơn phương thay đổi hiện trạng và ủng hộ việc giải quyết hòa bình những khác biệt ở Biển Đông thông qua thương lượng và luật pháp.

Sau đó ông Pompeo đã bước trên lằn ranh đỏ, nhận định lập trường chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là “phi pháp”, thẳng thừng chọn bên, ủng hộ lập trường của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei và các bên tranh chấp Biển Đông, phản đối Bắc Kinh đưa ra các yêu sách về lãnh thổ và quyền lợi biển đối với các quốc gia này.

Vì vậy, so với lập trường của Pompeo, Blinken đã có chút co lại, nhưng so với của Hillary, ông đã tiến thêm một bước.

Quan hệ Mỹ - Trung khó có thể được cải thiện trong thời gian ngắn (Ảnh: AP).

Quan hệ Mỹ - Trung khó có thể được cải thiện trong thời gian ngắn (Ảnh: AP).

Ông Biden khó cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong thời gian ngắn

Đa Chiều cho rằng, ông Blinken là một nhà ngoại giao kiểu học giả với tính cách kiên định và kinh nghiệm ngoại giao phong phú, không có tham vọng như Pompeo. Sự đầu cơ chính trị là điều dễ hiểu. Suy cho cùng, sự đồng thuận trong nước của Hoa Kỳ là cứng rắn với Trung Quốc. Việc Thượng viện thông qua đề cử ông Blinken với số phiếu cao cũng cho thấy sự tín nhiệm của cả hai đảng đối với ông.

Bất kể trong vấn đề Tân Cương hay tranh chấp Biển Đông, Blinken đều phải tính đến bầu không khí chính trị trong nước hiện nay ở Hoa Kỳ. Để tránh sao chép hoàn toàn các chính sách của thời Obama, hai ông Biden và Blinken buộc phải tiếp tục một số cách làm của chính phủ cánh hữu. Điều này phản ánh sự khó khăn trong quyết sách của chính quyền Joe Biden đối với Trung Quốc từ một khía cạnh khác.

Đa Chiều kết luận, tuy nhiên, nếu muốn đường lối ngoại giao của Mỹ trở lại với truyền thống và lý trí, đồng thời hợp tác trong khi cạnh tranh với Trung Quốc, thì Blinken cũng phải tập trung vào việc điều chỉnh các vấn đề chính, ít nhất là vạch ra một ranh giới rõ ràng với đường lối cực hữu trong quá khứ. Trong khi khôi phục hình ảnh lãnh đạo của Mỹ và các mối quan hệ với các đồng minh, chính quyền Biden không thể không sửa chữa quan hệ Mỹ - Trung, thứ mà Blinken gọi là "mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới".