Dẫu vậy, nhiều chuyên gia kỳ vọng, với việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu, cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cán cân thương mại nước ta sẽ được cải thiện.
Cải thiện cán cân thương mại
Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, khu vực xuất khẩu hầu như không bị ảnh hưởng bởi những khiếm khuyết của hệ thống ngân hàng, nợ xấu. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, tổng cầu giảm làm cho tốc độ tăng nhập khẩu giảm mạnh đã đóng góp tích cực vào việc cải thiện cán cân thương mại Việt Nam.
Trong quá trình phát triển, kinh tế Việt Nam luôn chịu thâm hụt thương mại dai dẳng từ năm 1990 đến năm 2011, trong đó thâm hụt đặc biệt tăng cao trong giai đoạn 2000 - 2011. Điều ngạc nhiên thú vị là, đang ở trạng thái thâm hụt cán cân thương mại rất cao vào năm 2011, với các quyết định siết chặt đầu tư công, tín dụng, chống đô-la hóa và tái cơ cấu kinh tế tổng thể nền kinh tế, cán cân thương mại của Việt Nam trong những năm sau đó đã đổi chiều.
Sự đổi chiều trong cán cân thương mại một phần do tổng cầu giảm, làm cầu hàng nhập khẩu giảm xuống. Tuy nhiên, khi so sánh tốc độ tăng trưởng bình quân các nhóm hàng nhập khẩu trong hai giai đoạn 2005 - 2010 và 2011 - 2014 như Hình 2 cho thấy, sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu có xu hướng giảm.
Trong 10 nhóm hàng hóa thì có 7 nhóm hàng hóa có tốc độ tăng nhập khẩu giai đoạn 2005 - 2010 cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu bình quân cả nước, nhưng trong giai đoạn 2011 - 2014, tốc độ tăng nhập khẩu của các nhóm hàng này lại thấp hơn tốc độ tăng nhập khẩu bình quân của cả nước. Bảy nhóm hàng này gồm: máy móc, thiết bị, phụ tùng; hóa chất; sản phẩm hóa chất; sắt thép; vải; ô tô; thức ăn gia súc.
Trong 3 nhóm hàng còn lại thì xăng dầu mặc dù luôn có tốc độ tăng nhập khẩu thấp hơn tốc độ tăng bình quân của nền kinh tế, nhưng tốc độ tăng nhập khẩu xăng dầu giai đoạn 2011 - 2014 giảm mạnh hơn rất nhiều so với tốc độ tăng giai đoạn 2005 - 2010. Điều này một phần là do Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn đi vào sản xuất từ năm 2009 đã làm giảm nhu cầu nhập khẩu xăng dầu các loại.
Chỉ duy nhất nhóm hàng “điện tử, máy tính và linh kiện” có tốc độ tăng bình quân giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước khá nhiều. Nguyên nhân là do sự gia tăng đột biến trong xuất nhập khẩu của Samsung và một số tập đoàn quốc tế lớn khác.
Lưu ý rằng, số liệu tính bình quân cho giai đoạn 2005 - 2010 bao gồm cả năm 2009, khi kinh tế toàn thế giới sụt giảm, nhu cầu xuất nhập khẩu hầu hết các nước đều giảm. Nếu tính bình quân giai đoạn này mà bỏ qua năm 2009 thì tốc độ tăng nhập khẩu các nhóm hàng này càng giảm mạnh trong giai đoạn 2010 - 2014.
Như vậy có thể thấy, sự tự chủ của kinh tế trong nước có xu hướng cải thiện trong giai đoạn 2011 - 2014 so với giai đoạn 2005 - 2010.
Diễn biến của hàng hóa xuất khẩu cho thấy, trong giai đoạn 2011 - 2014, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và cao hơn giai đoạn 2005 - 2010 đối với những mặt hàng Việt Nam có lợi thế và không bị giới hạn nguồn lực như dệt may, giày da. Các mặt hàng khác Việt Nam có lợi thế so sánh, nhưng bị hạn chế về nguồn lực như thủy sản (giới hạn về diện tích nuôi trồng, khả năng đánh bắt), cà phê (giới hạn về đất canh tác), gỗ và các sản phẩm về gỗ, thì nước ta vẫn khai thác tốt với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn 2011 - 2014 đạt trên 10%/năm, nhưng đã thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2005 - 2010 (Hình 3).
Trước tình hình những hàng hóa có lợi thế truyền thống đang trong xu hướng sút giảm tốc độ tăng trưởng, Việt Nam đã có những mặt hàng mới có hàm lượng công nghệ cao và không bị giới hạn bởi nguồn lực là hàng điện tử, máy tính và hàng máy móc, thiết bị nói chung.
Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trước năm 2010, Việt Nam không xuất khẩu hàng hóa máy móc, thiết bị, nên sự chuyển dịch này rất đáng ghi nhận do hai nhóm hàng hóa này có tốc độ tăng trưởng rất cao trong những năm gần đây và xuất khẩu hai nhóm hàng này năm 2014 đã chiếm tới 12,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần bằng tỷ trọng của ngành dệt may.
Có thể thấy, đóng góp đáng kể vào con số thặng dư thương mại của Việt Nam năm 2012 và 2013 là hoạt động của khối các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt các chuỗi giá trị toàn cầu như Canon, Sony, Nokia, Samsung. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng tới 98,9% trong năm 2012 và tăng 67,1% năm 2013.
Tuy nhiên, năm 2014 các mặt hàng điện tử, điện thoại có dấu hiệu chững lại do thị trường máy tính, điện tử đã khá bão hòa và xuất khẩu điện thoại phụ thuộc nhiều vào tình hình đầu tư - kinh doanh của Tập đoàn Samsung.
Xuất siêu trong 3 năm gần đây là nhờ các doanh nghiệp FDI, bởi các doanh nghiệp trong nước nhiều năm qua vẫn trong tình trạng nhập siêu. Năm 2014, doanh nghiệp FDI xuất siêu 9,8 tỷ USD, trong khi doanh nghiệp trong nước nhập siêu 7,6 tỷ USD.
Có thể thấy, sự chững lại trong hoạt động xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI nếu không đi kèm với việc giảm phụ thuộc vào đầu vào ngoại nhập của doanh nghiệp trong nước, thì xu hướng xuất siêu sẽ khó bền vững, như diễn biến trong quý I/2015.
Nhập siêu quý I/2015
Nền kinh tế tăng trưởng trở lại, nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị phụ tùng, nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với quý I/2014, giá trị nhập khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tăng 31,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 25%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 44%; thức ăn chăn nuôi và nguyên phụ liệu tăng 24,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 27%. Chỉ riêng 5 nhóm mặt hàng này đã chiếm tới 46% tổng kim ngạch nhập khẩu của quý I/2015. Các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn như vải, nguyên phụ liệu cho giày dép, kim loại và sắt thép đều có tốc độ tăng trưởng dương.
Cần phải lưu ý rằng, trong các nhóm hàng hóa này cũng có rất nhiều hàng hóa mang tính hàng tiêu dùng, chứ không chỉ là nguyên liệu đầu vào như điện thoại, máy tính, đồ điện tử… Nhập khẩu tăng cao không chỉ vì sản xuất tăng kéo theo tăng nhu cầu nhập khẩu đầu vào, mà còn do nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng tăng cao. Đặc biệt, nhập khẩu ô tô tăng 73,6%, trong đó ô tô nguyên chiếc tăng tới 154,7%. Trong nhập khẩu máy móc, thiết bị thì tỷ trọng khá lớn là nhập khẩu đầu vào cho lắp ráp xe ô tô trong nước, mà về bản chất vẫn là hàng tiêu dùng. Do đó, nguyên nhân cơ bản khác đẩy thâm hụt thương mại tăng cao là do nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng cao. Trong khi đó, những mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, lại bắt đầu tăng trưởng chậm lại; cá biệt, dầu thô giảm 40%, cà phê giảm 41%.
Mặt khác, cơ cấu giá hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu cũng biến động bất lợi, đó là giá hàng nhập khẩu giảm ít hơn so với giá hàng xuất khẩu. So với quý I/2014, chỉ số giá hàng nhập khẩu giảm 2,61%, trong khi chỉ số giá hàng xuất khẩu giảm 3,62%. Đặc biệt, nhóm hàng có cơ cấu nhập khẩu lớn nhất là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng lại tăng 4,55%.
Như vậy, trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu tăng, khả năng xuất khẩu những mặt hàng chủ lực bắt đầu bị giới hạn thì nhập siêu là điều khó tránh. Trong khi đó, những mặt hàng mới như máy móc, thiết bị, điện tử, điện thoại còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu, nên tăng xuất khẩu những mặt hàng này cũng làm tăng nhập khẩu mạnh đầu vào. Mặt khác, giá hàng nhập khẩu tăng tương đối so với giá hàng xuất khẩu cũng góp phần làm tăng thâm hụt thương mại trong quý I/2015.
Một điểm cần lưu ý là, trong cơ cấu nhập khẩu đầu vào và nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất có một tỷ trọng lớn là hàng tiêu dùng trá hình (như hàng CKD, điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử…). Do đó, tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng đang là nguyên nhân quan trọng gây nên nhập siêu.
TS. Nguyễn Tú Anh (Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương)
Theo: Báo Đầu tư