Đằng sau cơn khủng hoảng chính trị ở Hàn Quốc: Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Hàn Quốc khiến cả nước bàng hoàng vào tối ngày 3/12 khi bất ngờ tuyên bố thiết quân luật, lần đầu tiên sau gần 50 năm.

Các nhà lập pháp Hàn Quốc giơ cao biểu ngữ "Yoon Suk Yeol nên từ chức" vào ngày 4/12. Ảnh: Getty.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc giơ cao biểu ngữ "Yoon Suk Yeol nên từ chức" vào ngày 4/12. Ảnh: Getty.

Quyết định mang tính bước ngoặt của ông Yoon Suk Yeol - được công bố trong một bài phát biểu trên truyền hình vào lúc đêm muộn - đã đề cập đến "các lực lượng chống nhà nước" và mối đe dọa từ Triều Tiên.

Tuy nhiên, quyết định này rõ ràng không xuất phát từ các mối đe dọa bên ngoài mà từ những khó khăn chính trị nghiêm trọng của chính ông. Tuyên bố này đã khiến hàng nghìn người tụ tập tại tòa nhà Quốc hội để phản đối, trong khi các nghị sĩ đối lập nhanh chóng đến đây để thông qua một cuộc bỏ phiếu khẩn cấp nhằm bác bỏ lệnh này.

Bị thất bại, ông Yoon xuất hiện vài giờ sau đó để chấp nhận kết quả bỏ phiếu của Quốc hội và hủy bỏ lệnh thiết quân luật.

Hiện nay, các nghị sĩ sẽ tiến hành bỏ phiếu xem có nên luận tội ông hay không, điều mà phe đối lập chính trong nước gọi là "hành vi phản loạn" của ông.

2.png
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố thiết quân luật trong bài phát biểu toàn quốc vào tối 3/12. Ảnh: Reuters.

Chuyện gì đã xảy ra?

Theo các quan sát viên, ông Yoon đã hành động như một Tổng thống đang bị kìm hãm.

Trong bài phát biểu vào tối ngày 3/12, ông đã kể lại các nỗ lực của phe đối lập nhằm làm suy yếu chính quyền của mình trước khi tuyên bố thiết quân luật để "đập tan các lực lượng chống nhà nước đang gây ra hỗn loạn".

Sắc lệnh này tạm thời giao quyền kiểm soát cho quân đội. Truyền thông địa phương cũng ghi lại cảnh các binh sĩ mang súng và bịt mặt tiến vào tòa nhà trong khi nhân viên cố gắng chống lại họ bằng bình chữa cháy.

Vào khoảng 23h00 giờ ngày 3/12, quân đội đã ban hành lệnh cấm biểu tình, đình chỉ hoạt động của Quốc hội và các nhóm chính trị, đồng thời kiểm soát truyền thông dưới sự chỉ đạo của chính phủ.

Tuy nhiên, các chính trị gia Hàn Quốc ngay lập tức gọi tuyên bố của ông Yoon là bất hợp pháp và vi hiến. Lãnh đạo chính đảng của ông, đảng Quyền lực Nhân dân theo xu hướng bảo thủ, cũng cho rằng hành động của ông Yoon là "sai lầm".

Trong khi đó, lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất nước, ông Lee Jae-myung thuộc đảng Dân chủ tự do, đã kêu gọi các nghị sĩ của mình tập trung tại Quốc hội để bỏ phiếu bác bỏ tuyên bố này. Ông cũng kêu gọi người dân Hàn Quốc đến Quốc hội biểu tình. "Xe tăng, xe bọc thép và binh sĩ cầm súng sẽ thống trị đất nước...Đồng bào của tôi, hãy đến Quốc hội", ông nói.

Hàng nghìn người đã hưởng ứng lời kêu gọi, đổ về tụ tập bên ngoài tòa nhà Quốc hội hiện được bảo vệ nghiêm ngặt để phản đối thiết quân luật và Tổng thống Yoon.

Ngay sau 01h00 sáng ngày 1/4, Quốc hội Hàn Quốc với 190 trong số 300 thành viên có mặt đã bỏ phiếu bác bỏ sắc lệnh. Tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon bị coi là không hợp lệ.

3.png
Quốc hội Hàn Quốc họp ngay sau tuyên bố của ông Yoon để ngăn chặn biện pháp thiết quân luật. Ảnh: Reuters.

Thiết quân luật có ý nghĩa như thế nào?

Thiết quân luật là chế độ tạm thời do quân đội nắm quyền trong thời kỳ khẩn cấp khi chính quyền dân sự được cho là không thể hoạt động.

Lần gần nhất thiết quân luật được ban bố ở Hàn Quốc là năm 1979, khi Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát trong một cuộc đảo chính. Kể từ khi Hàn Quốc trở thành một nền dân chủ nghị viện vào năm 1987, thiết quân luật chưa từng được áp dụng.

Nhưng vào tối ngày 3/12, ông Yoon đã kích hoạt điều này, tuyên bố trong bài phát biểu quốc gia rằng ông đang cố gắng cứu Hàn Quốc khỏi "các lực lượng chống nhà nước".

Ông Yoon, người có lập trường cứng rắn với Triều Tiên hơn đáng kể so với những người tiền nhiệm, đã mô tả phe đối lập chính trị là những người ủng hộ Triều Tiên mà không đưa ra bằng chứng.

Dưới chế độ thiết quân luật, quân đội được trao thêm quyền lực và thường có sự đình chỉ các quyền dân sự của người dân, cũng như các tiêu chuẩn và bảo vệ của pháp luật.

Mặc dù quân đội đã tuyên bố hạn chế hoạt động chính trị và truyền thông, người biểu tình và các chính trị gia vẫn bất chấp các lệnh này. Không có dấu hiệu nào cho thấy chính phủ kiểm soát truyền thông tự do - Yonhap, đài truyền hình quốc gia, và các kênh khác vẫn đưa tin bình thường.

4.png
Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập phát biểu trước giới truyền thông sau khi Quốc hội bỏ phiếu bãi bỏ thiết quân luật vào sáng 4/12. Ảnh: Reuters.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Đảng Dân chủ đối lập đã tiến hành các thủ tục để luận tội ông Yoon Suk Yeol. Quốc hội sẽ phải bỏ phiếu về việc này trước ngày 7/12. Quá trình luận tội ở Hàn Quốc khá đơn giản. Để thành công, cần có sự ủng hộ của hơn 2 phần 3 trong số 300 thành viên Quốc hội - tức ít nhất 200 phiếu bầu.

Sau khi luận tội được thông qua, một phiên tòa sẽ diễn ra tại Tòa án Hiến pháp - cơ quan gồm 9 thành viên giám sát các nhánh của chính phủ Hàn Quốc. Nếu 6 trong số 9 thành viên của tòa bỏ phiếu chấp thuận việc luận tội, tổng thống sẽ bị cách chức.

Nếu điều này xảy ra, đây sẽ không phải lần đầu tiên một tổng thống Hàn Quốc bị luận tội. Năm 2016, cựu Tổng thống Park Geun-hye bị luận tội sau khi bị cáo buộc giúp bạn thân tống tiền.

Năm 2004, một Tổng thống khác, ông Roh Moo-hyun, cũng bị luận tội và tạm đình chỉ công tác trong 2 tháng. Tòa án Hiến pháp sau đó đã khôi phục chức vụ cho ông.

Hành động thiếu cân nhắc của ông Yoon đã khiến Hàn Quốc choáng váng bởi đây là một đất nước vốn tự hào là nền dân chủ hiện đại, phát triển vượt bậc. Nhiều người xem các sự kiện trong tuần này là thách thức lớn nhất đối với xã hội dân chủ của Hàn Quốc trong suốt nhiều thập kỷ.

Các chuyên gia cho rằng điều này có thể gây tổn hại đến danh tiếng của Hàn Quốc như một nền dân chủ hơn cả vụ bạo loạn trên Đồi Capitol ở Mỹ.

"Tuyên bố thiết quân luật của ông Yoon dường như vừa vượt quá thẩm quyền pháp lý, vừa là một sai lầm chính trị, gây rủi ro không cần thiết cho kinh tế và an ninh của Hàn Quốc," ông Leif-Eric Easley, chuyên gia tại Đại học Ewha ở Seoul, nhận xét.

"Ông ấy trông giống như một chính trị gia bị dồn ép, thực hiện một động thái tuyệt vọng trước hàng loạt vụ bê bối, sự cản trở thể chế và lời kêu gọi luận tội, tất cả những điều này giờ đây có khả năng gia tăng", vị chuyên gia nói thêm.