Ông Trump được tuyên trắng án tại Thượng viện được xem là điều không có gì bất ngờ, bởi cần có sự đồng thuận của 2/3 số thành viên trong viện này. Đảng Dân chủ cần phải khiến cho 20 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa phản bội đảng mình để ủng hộ việc luận tội ông Trump, nhưng điều này gần như là bất khả thi.
Cuối cùng thì chỉ có duy nhất 1 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa "phản bội" là ông Mitt Romney, và ông này cũng chỉ ủng hộ 1 trong 2 điều khoản luận tội Trump.
Sau cùng, ông Trump được tuyên trắng án, vô tội, vụ việc khép lại, và hãy "Cùng tiến bước" (Let's Move On) - như khẩu hiệu mà đảng Dân chủ đã tung ra vào năm 1999, sau khi tiến trình luận tội Tổng thống Bill Clinton khép lại.
Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đây.
Thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer (đảng Dân chủ, bang New York) đã bác bỏ phán quyết, gọi nó là "vô nghĩa" bởi thứ được tổ chức ở Thượng viện "không phải một phiên xét xử". Schumer đưa ra luận điểm trên là để nhắc lại luận điểm mà ông đưa ra tuần trước, cho rằng Thượng viện đáng lẽ nên cho gọi thêm các nhân chứng và tài liệu mà Hạ viện đã bỏ qua do quá hấp tấp mà đẩy nhanh tiến trình luận tội vào tháng 12/2019.
Luận điểm của ông Schumer vô tình đã mô tả tiến trình luận tội mà Hạ viện khởi động là có lỗ hổng, hoặc chính các quan chức đảng Dân chủ ở Hạ viện đã phản đối việc trưng ra bằng chứng mới chống lại ông Trump.
Đảng Dân chủ đã bắt đầu bàn về cách luận tội ông Trump kể từ khi ông nhậm chức, nhưng liên tục thất bại mặc dù đã vạch ra vô số kế hoạch dài hạn để làm vậy. Chiến lược ban đầu của họ là nhằm vào kê khai thuế thu nhập của ông Trump, sau đó là đặt ra cáo buộc "Russiagate" - cho rằng ông Trump được Nga hậu thuẫn trong kỳ bầu cử năm 2016.
Và rồi lại xuất hiện bản kết luận điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller, nhưng bản kết luận này cuối cùng chỉ mang tính chất tượng trưng chứ không đủ để khép tội ông Trump cấu kết với Nga.
Phe Dân chủ cuối cùng phải hy vọng vào khả năng ông Trump bị khép tội "cản trở pháp luật", nhưng hy vọng đó cũng bị dập tắt bởi Tổng chưởng lý William Barr.
Chịu sức phải tìm ra một thứ gì đó - bất cứ thứ gì - để khiến ông Trump bị luận tội và phế truất, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phải viện tới sự hỗ trợ của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff. Ông Schiff ngay lập tức chộp được cái cớ mới để bắt lỗi ông Trump, đó chính là cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Schiff trước đó được các nhân viên của mình mách cho thông tin về cú điện đàm này, nhờ vào mối quan hệ của họ với cộng đồng tình báo.
Để khép tội ông Trump, Schiff nắm lấy chi tiết ông Trump hối thúc mở cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào Joe Biden, cho rằng đây là hành động "viện tới sự can thiệp của nước ngoài" để gây ảnh hưởng tới kỳ bầu cử Tổng thống năm 2020, bởi ông Joe Biden - cựu Phó Tổng thống dưới thời Barack Obama - là một ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ.
Nhưng mặc cho Schiff cùng đội ngũ của mình đã ra sức thêu dệt một giả thuyết về việc ông Trump đóng băng khoản tiền viện trợ quân sự cho Ukraine để đổi lấy lợi ích - trong đó không ngần ngại tung ra thông tin giả về sự việc - thì cuối cùng vụ việc cũng chả đi đến đâu.
Tổng thống Zelensky tự mình nói rằng ông không hề bị ép buộc, trong khi hàng loạt các nhân chứng mà Schiff gọi ra cũng chỉ thể hiện quan điểm chống Trump của cá nhân mình mà không đưa ra được bằng chứng nào khiến ông Trump rơi vào thế bất lợi.
Tiến trình luận tội của đảng Dân chủ đã làm ông Trump mạnh mẽ hơn, và nhận được sự ủng hộ nhiều hơn (Ảnh: RT)
|
Nghịch lý ở chỗ, tiến trình luận tội mà đảng Dân chủ khởi động chỉ giúp cho ông Trump mạnh hơn - và nổi tiếng hơn, như kết quả các cuộc thăm dò đã chỉ ra. Trong khi đảng Dân chủ đi hết từ thất bại này cho đến thất bại khác, như trong tuần này, bắt đầu từ vòng bầu cử theo hình thức họp kín (caucus) tổ chức ở bang Iowa cho tới việc bà Pelosi trong lúc tức giận mà xé nát bản sao Thông điệp liên bang mà ông Trump trao cho trong hôm thứ Ba.
"Tiến trình luận tội này là một thất bại mang tính chất hủy diệt xét trên mọi góc cạnh, nhưng đừng lo, tôi chắc chắn rằng đảng Dân chủ sẽ phải thay đổi hành vi của họ để tiến lên phía trước. Họ luôn nhận trách nhiệm trước những thất bại của mình" - cây viết chính trị kỳ cựu Michael Tracey nhận định sau khi có thông tin Thượng viện tuyên ông Trump trắng án.
Nếu ông Trump tái đắc cử trong kỳ bầu cử tháng 11 năm nay - viễn cảnh ngày càng có khả năng xảy ra - phe Dân chủ chắc chắn sẽ lại tìm cách để luận tội ông một lần nữa. Để làm gì? Không quan trọng, bởi họ quyết định bấu víu nó đến cùng.
Đơn giản là họ buộc phải làm vậy. Nhìn lại quá khứ, luận tội dường như luôn là một cơ chế ứng phó của đảng Dân chủ đối với kết quả của bầu cử Tổng thống năm 2016 - một sự kiện chứng kiến sự thất bại ê chề của bà Hillary Clinton cũng như của đảng Dân chủ, mà họ khó có thể vực dậy nổi.
Bản thân bà Clinton trong hôm 5/2 đã tố cáo 52 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã phản bội lời thệ ước với Hiến pháp và nói rằng Mỹ "đang đi vào một vùng lãnh thổ nguy hiểm đối với nền dân chủ của chúng ta". Điều này cho thấy đảng Dân chủ có lẽ chưa từ bỏ nỗ lực luận tội ông Trump. Chúng ta sẽ chờ đợi cho đến khi họ tìm thêm được cái cớ để loại bỏ ông Trump.