Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ: Trung Quốc không phải là Liên Xô, sẽ không thua trong Chiến tranh Lạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc không phải là Liên Xô và sẽ không thua nếu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới xảy ra, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ tuyên bố.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương (Ảnh: Xinhua)
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương (Ảnh: Xinhua)

Đại sứ Tần Cương cũng hối thúc các nhà lập pháp ở Mỹ “thận trọng” trong việc quản lý mối quan hệ với Đài Loan, thứ mà ông cho rằng đã trở thành một điểm nóng đáng ngại. Ông cũng nói rằng các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ là điều khó xảy ra bởi sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc “không sánh bằng” Mỹ.

Bình luận trên được đưa ra trong một phiên họp báo hôm đầu tuần này nhưng đến tối hôm 24/12 vừa qua mới được Đại sứ quán Trung Quốc công bố.t

Ông Tần, người bắt đầu vị trí Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ từ tháng 7 năm nay, đặt câu hỏi: “Tại sao cảm giác về một cuộc chiến tranh lạnh lại trở lại? Đó là bởi một số người ở Mỹ vẫn giữ tâm lý chiến tranh lạnh và coi Trung Quốc giống như Liên Xô cũ. Nhưng Trung Quốc không phải Liên Xô cũ, và Mỹ không giống như 30 năm trước, và lợi ích của hai nước đang gắn chặt với nhau.”

Trung Quốc đã tìm hiểu kỹ về lý do mà Liên Xô sụp đổ và rút ra được nhiều bài học từ đó, ông Tần nói.

Ông thêm rằng Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ, chỉ đứng sau Mexico và Canada. Thương mại song phương dự kiến sẽ vượt qua 700 tỉ USD trong năm nay.

Cả hai bên đều nói rằng họ muốn tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây tuyên bố rằng Mỹ sẽ không cử phái đoàn chính phủ tới tham dự Thế vận hội Bắc Kinh 2022 bởi những quan ngại về nhân quyền ở Trung Quốc. Lệnh tẩy chay ngoại giao của Mỹ kéo theo cả Australia, Anh, Canada và Nhật Bản.

Trung Quốc cũng cho rằng tuyên bố mới đây về việc thành lập liên minh AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia cũng là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự trở lại của tâm lý chiến tranh lạnh.

Ông Tần Cương nói rằng việc Washington dùng cuộc cạnh tranh giữa hai nước để định nghĩa mối quan hệ song phương là điều sai lầm, và Mỹ không nên lợi dụng cuộc cạnh tranh này như lời biện minh để kìm hãm Trung Quốc, bằng cách liệt các công ty Trung Quốc vào danh sách đen và cố đẩy Bắc Kinh ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Cạnh tranh không nên là một trò chơi tổng bằng 0, hay kiểu “tôi thắng bạn thua” hoặc “tôi thua bạn thắng”, mà nên là cạnh tranh công bằng và lành mạnh” – ông Tần nói.

Vị Đại sứ cũng cảnh báo Washington kiểm soát mối quan hệ với Đài Loan “một cách thận trọng”. Ông nói đây là một “nhân tố tiềm tàng có thể đẩy Mỹ và Trung Quốc vào một cuộc xung đột”.

Ông cũng bảo vệ mối quan hệ gần gũi giữa Trung Quốc và Nga, trong lúc mà hai nước “đều đang phải đối mặt với những thái độ và hành vi vô lý” khi Mỹ cố gắng tạo nên “những khối liên minh chống Trung Quốc và chống Nga”.

“Nga và Trung Quốc không có lựa chọn nào khác, giống như Mỹ và Canada, là láng giềng cũng là những người bạn” – ông nói.

Mỹ hiện đang tìm cách đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân ba bên với Nga và Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh khó có khả năng tham gia vào thời điểm hiện tại, ông Tần nói.

“Nếu Trung Quốc bị kéo vào các vòng đàm phán này, liệu điều đó có nghĩa rằng Trung Quốc đầu tiên phải nâng tầm sức mạnh lên ngang với mức của Mỹ? Hay Mỹ đầu tiên phải giảm sức mạnh hạt nhân của họ xuống mức của Trung Quốc?”