Theo báo Đất Việt (DVO), trong bài bình luận về Hội nghị cấp cao ASEAN-Nga phát ngày 20/5, Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) đã gọi Nga là “đại bànghai đầu”, một nước giỏi về “chiếu cố” cả Đông lẫn Tây trong lịch sử.
Theo đài này, Nga đang hướng ánh mắt vào ASEAN trong bối cảnh quan hệ ngoại giao với phương Tây bị rơi vào bế tắc, và đang có ý định tập trung tài nguyên ngoại giao để bù đắp những thiệt hại do căng thẳng với phương Tây.
Đài CRI dẫn ý kiến giới phân tích cho rằng Nga bắt tay ASEAN có 3 ý đồ.
Thứ nhất, Nga muốn tìm kiếm động lực kinh tế, “khai thác nguồn thu” cho kinh tế trong nước. Do tác động của giá dầu thô sụt giảm, sự trừng phạt của các nước phương Tây, kinh tế Nga thiếu động lực tăng trưởng nội sinh. Trong khi đó, kinh tế ASEAN có tiềm lực phát triển lớn, việc tăng cường hợp tác với ASEAN là lựa chọn hợp lý của Nga.
Thứ hai, phục vụ chính sách hướng Đông. Nga có ý định cân đối phương hướng của chính sách “hướng Đông”. Năm 2014, sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng Ukraina, Nga ngày càng đề cập nhiều đến chính sách “hướng Đông”, mong thoát khỏi sự cô lập thông qua phát triển hợp tác với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các nước ASEAN, thúc đẩy sự phát triển của vùng Viễn Đông và Siberia, tạo ra động lực kinh tế mới.
Thứ ba, tăng cường ảnh hưởng tại khu vực. Đài CRI tiếp tục dẫn lời “một nhà bình luận chính trị Thái Lan” cho rằng, việc thúc đẩy liên hệ với các nước ASEAN và phát triển hợp tác đa phương có thể giúp Nga củng cố tầm ảnh hưởng chính trị của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Nga hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế và sự cô lập từ phương Tây. Để đối phó, Nga đã chuyển hướng về phía Đông, đặc biệt là Trung Quốc.
Trong hàng loạt phát biểu công khai, giới lãnh đạo Nga luôn đánh giá rất cao mối quan hệ với Trung Quốc. Một trong những hình ảnh nổi bật chính là việc Tổng thống Nga Putin dành vị trí ngồi đặc biệt bên cạnh mình cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ngày 9/5/2015.
Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây được coi là một lý do để Nga thúc đẩy chính sách “xoay trục sang châu Á”.
Và sự trừng phạt của phương Tây đã dẫn đến việc Nga ký kết một loạt hiệp định song phương với Trung Quốc vào tháng 5/2014; bao gồm một thỏa thuận xây dựng đường ống khí đốt “Sức mạnh của Siberia”, với mục đích xuất khẩu hơn 38 tỷ m3 khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc mỗi năm.
Theo Đất Việt/CRI