Đài Loan muốn biển đảo Ba Bình thành “cơ sở cứu trợ“

VietTimes -- Người phát ngôn Phủ Tổng thống Đài Loan Hoàng Trọng Ngạn cho biết hội nghị ngày 19/7 được tổ chức trong khoảng hơn 3 giờ đồng hồ.
Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn.
Tổng thống Đài Loan, bà Thái Anh Văn.

Tờ Thời báo Tự do Đài Loan ngày 20/7 cho biết trước đó một ngày (19/7) nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã triệu tập hội nghị cấp cao an ninh quốc gia chính thức đầu tiên kể từ khi bà lên nhậm chức, đưa ra chỉ thị 5 điểm để đối phó với sự phát triển của tình hình sau phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện giữa Trung Quốc và Philippines (ngày 12/7/2016).

Ngoài bảo vệ quyền đánh bắt cá, đàm phán đa phương, đào tạo nguồn nhân lực về luật biển, Bộ Khoa học Công nghệ Đài Loan cũng có kế hoạch mời học giả các nước đến đảo Ba Bình ( thuộc chủ quyền của Việt Nam) để tiến hành cái gọi là "nghiên cứu sự thay đổi của khí hậu, khí tượng, địa chất, đồng thời Đài Loan muốn biến đảo Ba Bình (Việt Nam) thành “trung tâm cứu trợ nhân đạo” và “cơ sở tiếp tế”.

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: UDN Đài Loan.
Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: UDN Đài Loan.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Đài Loan Hoàng Trọng Ngạn nhắc lại rằng tại hội nghị, bà Thái Anh Văn cho biết hòn đảo kiên trì "lập trường chưa từng dao động".

Nhưng, bà Thái cho rằng "phán quyết của Tòa trọng tài đã không thỏa đáng với Đài Loan...".

Tổng thống Thái Anh Văn cho rằng phạm vi yêu sách của các nước xung quanh Biển Đông “chồng lấn nhau, vấn đề phức tạp, có xu hướng dựa vào luật pháp quốc tế và “chính trị quốc tế”, vì vậy Chính phủ Đài Loan sẽ lấy lập trường “kiên định, ổn định” để hợp tác, đàm phán với các nước. 

"Kiên trì lập trường và hợp tác với các nước"

Bà Thái Anh Văn cho rằng các nước cần thực hiện nguyên tắc 4 điểm để xử lý vấn đề Biển Đông phức tạp: Một là tranh chấp Biển Đông cần căn cứ vào luật pháp quốc tế và luật biển, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) để giải quyết bằng con đường hòa bình. 

Hai là Đài Loan cần gia nhập cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương. Ba là các nước liên quan có nghĩa vụ bảo vệ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. 

Bốn là Đài Loan chủ trương thông qua "gác tranh chấp, cùng khai thác", xử lý tranh chấp Biển Đông, sẵn sàng dựa trên cơ sở đàm phán bình đẳng, cùng các nước thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực Biển Đông và bảo vệ tài nguyên Biển Đông.

Tàu tuần phòng Địch Hóa lớp Khải Định Đài Loan vừa tiến hành tuần tra bất hợp pháp ở Biển Đông. Ảnh: Thời báo Tự do Đài Loan.
Tàu tuần phòng Địch Hóa lớp Khải Định Đài Loan vừa tiến hành tuần tra bất hợp pháp ở Biển Đông. Ảnh: Thời báo Tự do Đài Loan.

Chính phủ Đài Loan cũng sẽ áp dụng 5 biện pháp: Một là bảo vệ quyền đánh bắt cá, tăng cường khả năng bảo vệ ngư dân, bảo đảm an toàn cho hoạt động của ngư dân. Hai là đàm phán đa phương, cùng các nước liên quan tăng cường đối thoại, trao đổi, đàm phán để tìm đồng thuận hợp tác. 

Ba là hợp tác khoa học, mời các học giả quốc tế đến đảo Ba Bình (chủ quyền của Việt Nam) tiến hành nghiên cứu khoa học về sinh thái "xuyên quốc gia", địa chất, địa chấn, khí tượng. 

Bốn là cứu trợ nhân đạo, làm cho đảo Ba Bình (chủ quyền của Việt Nam) trở thành trung tâm cứu trợ nhân đạo và cơ sở tiếp tế. Năm là khuyến khích các nhà nghiên cứu luật biển, tăng cường khả năng ứng phó với các vấn đề luật pháp quốc tế.

Người phát ngôn Phủ Tổng thống Đài Loan Hoàng Trọng Ngạn cho biết hội nghị ngày 19/7 được tổ chức trong khoảng hơn 3 giờ đồng hồ, tham dự gồm có Phó Tổng thống Trần Kiến Nhân, Viện trưởng Hành chính Lâm Toàn và lãnh đạo các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Ủy ban Đại lục, Cục An ninh quốc gia, Lực lượng Tuần duyên, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Ủy ban Nông nghiệp.

Hoàng Trọng Ngạn cho biết, trong tương lai, hội nghị cấp cao về an ninh quốc gia sẽ được tổ chức thường xuyên, ngoài hội nghị lớn, còn có các cuộc hội thảo trên 3 lĩnh vực khác nhau, lần lượt là quốc phòng-quân sự, an ninh khu vực, chiến lược kinh tế thương mại đối ngoại, sẽ trở thành cơ sở để Tổng thống Đài Loan tham khảo, ra các quyết định, chính sách. 

Về nguyên tắc, hội nghị lớn có thể tổ chức 2 tháng 1 lần, các cuộc hội thảo sẽ tổ chức không định kỳ.