Câu chuyện về đại gia giàu nhất giới công nghệ Trương Gia Bình và người giàu thứ nhì Việt Nam Đoàn Nguyên Đức có thể mở ra một hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam?
“Ông trùm” công nghệ Trương Gia Bình nhập cuộc
Năm 2014, giới kinh doanh xôn xao khi nghe tin “ông trùm” giàu nhất làng công nghệ Trương Gia Bình công bố ý định tấn công vào lĩnh vực nông nghiệp. FPT sẽ hợp tác với Fujitsu (Nhật Bản) để chuyển giao ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên nền tảng điện toán đám mây vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Như vậy, Chủ tịch Tập đoàn FPT là cái tên mới nhất tham gia cuộc chơi của các đại gia “tay ngang” vào nông nghiệp, tiếp sau những tên tuổi đình đám như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, BacABank, An Dương Thảo Điền, SSI, Thủ Đức House… Trong đó, điểm khác biệt của ông Trương Gia Bình là không trực tiếp trồng cỏ, nuôi bò, trồng mía…, mà lại chọn mảng tất cả các doanh nghiệp (DN) trên còn thiếu: công nghệ nông nghiệp.
Những năm gần đây, nông nghiệp công nghệ cao đang lên ngôi, nhưng hầu như chưa có DN lớn nào nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, hàng loạt đại gia bất động sản, chứng khoán, ngân hàng… khi đầu tư vào nông nghiệp thời gian qua đã phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu dây chuyền công nghệ cao, phần mềm hiện đại của Israel và các nước châu Âu.
Do đó, nếu hợp tác với Fujitsu thành công, thị trường mở ra cho PFT và Fujitsu là rất lớn. Fujitsu hiện là tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản. Năm 2013, doanh thu từ nông nghiệp của Fujitsu lên tới 1 tỷ USD.
Theo kế hoạch, dự án sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ được FPT bắt tay với đối tác thử nghiệm ngay trong năm 2015. Đó là mô hình nhà kính trồng cà chua, dưa chuột, ớt ngọt và hoa lan tại Hà Nội và TP.HCM, sử dụng thiết bị tưới nước, dùng cảm biến để đo chất lượng không khí, nhiệt độ, độ ẩm. Ở Nhật Bản, năng suất cà chua sản xuất theo mô hình này đạt tới 50 tấn/ha, cao gấp 2,5 lần so với trồng tự nhiên mà chỉ cần 5 lao động, cho doanh thu 500 triệu yên/năm (khoảng 9 tỷ đồng/ha/năm).
Ông Trương Gia Bình kỳ vọng: “Nếu các lĩnh vực khác, Việt Nam chỉ hy vọng đuổi kịp thời đại, lĩnh vực CNTT cố gắng đi cùng thời đại thì nông nghiệp, tôi hy vọng Việt Nam sẽ đi trước thời đại. Nhu cầu lương thực, thực phẩm của thế giới là rất khủng khiếp. Một Việt Nam chứ vài Việt Nam cũng không thể đáp ứng. Di sản thiên nhiên mà ông cha để lại cho chúng ta là duy nhất, trên thế giới không có quốc gia nào có lợi thế nông nghiệp như chúng ta. Vậy tại sao chúng ta không làm? Nếu quyết tâm, 10-15 năm sau, chúng ta sẽ trở thành cường quốc nông nghiệp”.
Ngành CNTT Việt Nam từ con số 0 tròn trĩnh, chỉ có dăm ba người sang Ấn Độ tham quan, học tập, nay đã trở thành một trong 10 quốc gia xuất khẩu phần mềm hàng đầu thế giới. Trở thành cường quốc nông nghiệp, với vị Chủ tịch của FPT cũng tương tự như vậy, vấn đề là phải dám mơ.
“Hãy dám mơ một chút - nếu Việt Nam muốn làm gì đó kỳ vỹ trong tương lai, không phải hổ thẹn với cha ông”, ông Bình nói.
Được biết, ngoài việc bắt tay với Fujitsu, FPT cũng đang lên kế hoạch kéo 10.000 DN trẻ vào hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Lão nông Đoàn Nguyên Đức” bắt đầu “hái quả”
Nếu Trương Gia Bình là cái tên mới nhất trong danh sách đại gia muốn bắt tay với bà con nông dân thì Đoàn Nguyên Đức có thể coi là cái tên tiên phong.
Khởi nghiệp là một DN sản xuất đồ gỗ, nội thất, Hoàng Anh Gia Lai (HAG) lại trở thành một đại gia đình đám về bất động sản. Thế nhưng, năm 2007, khi thị trường bất động sản đang ở thời kỳ đỉnh cao thì Chủ tịch HAG, ông Đoàn Nguyên Đức đột ngột rẽ ngang sang trồng cao su và từ đó liên tục mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, không chỉ cao su mà còn mía đường, dầu cọ, bắp và cả bò sữa, bò thịt.
Quyết định táo bạo và bất ngờ của ông chủ HAG đã cứu vớt lợi nhuận tập đoàn này khi các lĩnh vực bất động sản, thủy điện và khoáng sản sa sút. Từ lợi nhuận chạm đáy (63 tỷ đồng năm 2012), HAG đã hồi sinh bởi những dự án nông nghiệp bắt đầu cho quả ngọt.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2014 cho thấy, lợi nhuận sau thuế riêng trong quý này của HAG đạt gần 972 tỷ đồng, tăng 733,86 tỷ đồng, tương ứng 308,22% so với cùng kỳ 2013, nâng lợi nhuận 9 tháng đầu năm lên 1.653 tỷ đồng, vượt hơn 13% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong đó, các sản phẩm mía đường, bắp và cao su đóng góp tổng cộng 1.314 tỷ đồng doanh thu trong 9 tháng, tương đương 55% doanh thu từ hoạt động kinh doanh và 72% lợi nhuận gộp.
Năm 2015 và những năm tới, dự báo lợi nhuận và doanh thu từ mảng nông nghiệp của HAG sẽ còn tăng mạnh khi “bộ tứ” sản phẩm nông sản của tập đoàn này là mía đường, dầu cọ, bắp và cao su sẽ nhất loạt “đẻ trứng vàng”.
Không những thế, với việc chi hàng chục triệu USD cho gần 100.000 ha cao su, cọ dầu, mía, ngô tại Việt Nam và Lào, Campuchia, ông Đoàn Nguyên Đức đã trở thành ông chủ DN có tầm ảnh hưởng tới cả khu vực Đông Nam Á.
Chưa hết, với dự án đầu tư 300 triệu USD để lập đàn bò 230.000 con, trong tương lai không xa, ông Đức không chỉ là ông trùm mía đường, cao su hay dầu cọ mà còn là người có thể chi phối cả ngành bò sữa và bò thịt của Việt Nam.
Với những dự án đình đám và đầy triển vọng hái ra tiền này, không có gì ngạc nhiên khi mới đây, HGA đã được quỹ đầu tư lớn của Mỹ - Global Emerging Market (GEM) cam kết đầu tư 1.700 tỷ đồng (khoảng 80 triệu USD). Toàn bộ giao dịch sẽ hoàn tất trước tháng 2/2015.
Nói về sự kiện này, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định ngắn gọn: “Kết quả kinh doanh của chúng tôi trong thời gian qua cho thấy mảng kinh doanh nông nghiệp đang đi đúng hướng và có tiềm năng to lớn cho sự phát triển của HAG trong tương lai. Sự tham gia của GEM vào HAG sẽ mở đường cho nhiều nhà đầu tư lớn của Mỹ đầu tư vào HAG trong những năm tới”.
Nông nghiệp - thời của làm ăn lớn
Sau cú tạt ngang đình đám của đại gia Đoàn Nguyên Đức vào nông nghiệp, thị trường cũng chứng kiến sự chuyển mình của hàng loạt DN lớn “đổ bộ” vào lĩnh vực này.
Tạo được tiếng vang lớn nhất phải kể đến sự ra đời và phát triển chóng mặt của thương hiệu sữa tươi sạch TH true MILK, người sáng lập là bà Thái Hương, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á. Ngoài dự án Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, TH còn triển khai một loạt dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, dự án nào cũng có vốn đầu tư khủng. Cụ thể: Dự án rau sạch bằng hệ thống nhà kính và cánh đồng mở với tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Dự án bảo tồn, sản xuất và chế biến dược liệu sạch 1 tỷ USD; Dự án trồng và chế biến gỗ 2.100 tỷ đồng.
Không đứng ngoài xu hướng đầu tư nông nghiệp, nhất là nuôi bò, năm 2014, Tập đoàn Đức Long Gia Lai tuyên bố đầu tư 11.000 tỷ đồng nuôi 80.000 con bò sữa và 45.000 con bò thịt, đối tác của Đức Long là Vinamilk. Còn đại gia Đặng Văn Thành, sau khi từ bỏ ngân hàng quay về nông nghiệp cũng sẽ bắt tay với ông chủ Kềm Nghĩa và đối tác Nhật để đầu tư trang trại bò Kobe Việt - Nhật trị giá hàng triệu USD và mua lại Công ty cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai...
Nhìn nhận về làn sóng đầu tư nông nghiệp của hàng loạt DN lớn, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, đây không phải là hiện tượng lạ, bởi khi thấy có lợi, DN sẽ nhảy vào đầu tư. Tại Việt Nam, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều lợi thế nhất. Thêm vào đó, thị trường nông nghiệp xuất khẩu nước ta đang đứng trước cơ hội lớn khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sắp được ký kết. Do đó, theo TS. Tuấn, việc hàng loạt đại gia đầu tư vào nông nghiệp chỉ là sự khởi đầu cho xu hướng đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới.
Trên thực tế, thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản đã rậm rịch kéo sang Việt Nam để khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư và cũng đã bắt đầu triển khai. Câu chuyện “làng thần kỳ” của nhà đầu tư Nhật tại Lâm Đồng hay câu chuyện Tập đoàn KRC (Hàn Quốc) ký kết dự án hợp tác PPP với tỉnh Đồng Tháp là một ví dụ.
Bên cạnh đó, theo ông Trương Gia Bình, để Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp, bên cạnh những mô hình lớn như Hoàng Anh Gia Lai, TH true Milk… cần phải hướng mỗi người nông dân tham gia vào nền nông nghiệp với tư cách làm chủ. Như thế, người nông dân sẽ không bị loại khỏi cuộc chơi trong cuộc cách mạng công nghiệp hóa nền nông nghiệp.
“Hướng đi của các DN nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai nên là chuyển giao tất cả về nông thôn, cả lao động cũng phải đào tạo lại từ đầu. Khi làm như vậy, năng suất lao động sẽ tăng lên, phần tăng thêm đó người nông dân và DN đều được hưởng. DN sẽ là người kết nối chứ không phải DN đứng ra làm hết”, ông Bình nói.
Trong lịch sử, Nhật Bản đã trở thành cường quốc của thế giới bắt đầu từ nông nghiệp. Hà Lan trở thành một trong những quốc gia có mức thu nhập bình quân tốt nhất thế giới cũng từ sữa bò, hoa tuy-líp. Vậy một đất nước có nhiều lợi thế như Việt Nam, lẽ nào giấc mơ cường quốc nông nghiệp quá xa vời?
Với sự tham gia của hàng loạt DN lớn thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam đang có cơ hội biến giấc mơ đó thành hiện thực. Nói như ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển pông nghiệp nông thôn, nếu Trung Quốc tự hào là công xưởng của thế giới, thì trong tương lai, Việt Nam sẽ tự hào là cánh đồng, là góc bếp của thế giới.
Theo Đầu tư