Thương vụ này được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự sụt giảm của giá dầu đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu.
Tờ Wall Street Journal cho biết, Royal Dutch Shell sẽ thanh toán cho các cổ đông của BG bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Mức giá cổ phiếu của BG trong thương vụ cao hơn 50% so với giá thị trường hiện tại.
“Về chung một nhà”, Shell và BG được cho là sẽ có sức mạnh lớn hơn để ứng phó với sự sụt giảm chóng mặt của giá dầu và khí đốt kể từ mùa hè năm ngoái, đồng thời có thể cắt giảm nhiều chi phí.
“Kết quả sẽ là một công ty có sức cạnh tranh lớn hơn và mạnh mẽ hơn trong bối cảnh giá dầu thế giới đầy biến động”, Chủ tịch Shell Jorma Ollila phát biểu.
Giá cổ phiếu của Shell giảm 5% trong đầu giờ phiên giao dịch hôm 8/4 tại thị trường London, trong khi giá cổ phiếu BG tăng 37%.
Mua lại BG đồng nghĩa với trữ lượng dầu và khí đốt đã được phát hiện của Shell tăng thêm 25% và sản lượng của hãng tăng thêm 20%. Thương vụ cho phép Shell tiếp cận với những mỏ dầu dồi dào sản lượng của BG ở Brazil, nguồn khí đốt còn chưa được khai thác ở khu vực Đông Phi, và một dự án khí hóa lỏng lớn ở Australia.
Thương vụ này sẽ đưa Shell trở thành nhà sản xuất khí hóa lỏng lớn nhất thế giới. Đây cũng là thương vụ lớn nhất trong ngành dầu khí thế giới trong vòng một thập kỷ vừa qua.
Shell dự kiến sẽ bán bớt những bộ phận không quan trọng trong công ty sau khi sáp nhập, với số tiền thu về có thể lên tới 30 tỷ USD trong thời gian 2016-2018.
BG Group gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây, đặc biệt khi giá dầu giảm sâu. Giá cổ phiếu của tập đoàn này hiện đã giảm khoảng 30% trong vòng 1 năm qua.
Theo Vneconomy