Đà Nẵng thành lập Ban chỉ đạo phát triển ngành logistics

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ban chỉ đạo phát triển ngành logistics sẽ tham mưu, giúp UBND TP Đà Nẵng điều phối hoạt động phát triển ngành logistics trên địa bàn; xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động logistics theo chỉ đạo của TW.

Một góc cảng biển Tiên Sa (Đà Nẵng)
Một góc cảng biển Tiên Sa (Đà Nẵng)

UBND TP Đà Nẵng vừa thành lập Ban chỉ đạo phát triển ngành logistics TP, do ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - làm Trưởng ban; bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công thương TP - làm Phó trưởng Ban thường trực; đại diện Sở GTVT làm Phó trưởng ban.

Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn có các đại diện: BQL Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư; UBND quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang; Cục Hải quan Đà Nẵng, Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng, Cảng vụ Hàng không miền Trung; Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam, Hiệp hội Vận tải hàng hóa Đà Nẵng.

Ban chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND TP Đà Nẵng điều phối các hoạt động liên quan đến phát triển ngành logistics trên địa bàn TP Đà Nẵng; xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động logistics theo các văn bản chỉ đạo của Trung ương.

Trước đó, Đà Nẵng đã ban hành Đề án "Phát triển dịch vụ logistics Đà Nẵng kết nối hiệu quả với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Mục tiêu tổng quát của Đề án là đến năm 2030, Đà Nẵng phát triển trở thành trung tâm logistics có tính hấp dẫn cao, thu hút mạnh các nhà đầu tư thích hợp, nhằm hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng logistics, bảo đảm nguồn nhân lực và kỹ năng chuyên sâu bảo đảm vận hành tốt một hệ thống logistics năng động, làm trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Trong đó, cảng biển Đà Nẵng và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, với các nước ASEAN và quốc tế.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2050, Đà Nẵng sẽ xây dựng hệ thống logistics hiện đại, có cấu trúc rõ ràng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ logistics quốc tế; khẳng định vai trò cảng cửa ngõ quốc tế của Đà Nẵng tại khu vực miền Trung, trở thành cửa ngõ chính ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây và là mắt xích quan trọng của hành lang vận tải châu Á - Thái Bình Dương.

Địa phương cũng sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, liên thông, kết nối thuận lợi giữa hệ thống cao tốc, quốc lộ với đường vành đai, trục giao thông chính của thành phố đến cảng biển (Tiên Sa, Liên Chiểu) và cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Theo đề án, TP sẽ phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, chi phí hợp lý, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; tăng sức cạnh tranh để chủ động hội nhập và mở rộng thị trường vận tải biển trong khu vực và thế giới; phát triển và cải thiện chất lượng dịch vụ hiện có để tăng cường cung cấp dịch vụ chuyên biệt; ưu tiên hình thức hợp tác công - tư đối với hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng trung tâm logistics theo quy hoạch tại cảng Liên Chiểu, và các trung tâm logistics khác theo quy hoạch đã được duyệt.

Mục tiêu cụ thể mà đề án đưa ra là từ năm 2023 đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 11-12%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 40-45%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 13% GRDP.

Các trung tâm logistics tại TP Đà Nẵng đáp ứng khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 20% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.

vt_cang_tien_sa8822227_8112019.jpg
Hàng hoá qua cảng Tiên Sa (Đà Nẵng)

Từ 2030 đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 15-15,5%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 60-65%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 11,2% GRDP.
Các trung tâm logistics tại TP Đà Nẵng đáp ứng khoảng 55% nhu cầu dịch vụ logistics cho hàng hóa qua cảng biển, 40% hàng hóa qua đường sắt và đường hàng không.

Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các chính sách về dịch vụ logistics; đầu tư hạ tầng logistics; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực.

Đề án nêu rõ nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ quốc tế và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.