Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông nhận định về “ván đấu quyền lực” Syria

VietTimes -- Trao đổi riêng với VietTimes, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông - ông Nguyễn Quang Khai cho rằng vụ tấn công mới nhất của Mỹ vào Syria không thực hiện được các mục tiêu mà Mỹ mong muốn. Nga đã có bước đi rất khôn khéo, không phản ứng bằng quân sự vì lợi ích của Nga chưa đến mức phải đáp trả bằng quân sự. Nga cũng không bị thiệt hại trong vụ tấn công.
Vào ngày 1.4, tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria nhưng đến ngày 14.4, ông lại hạ lệnh tấn công vào Syria nhằm trừng phạt vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mà Mỹ và phương Tây cáo buộc do chính quyền Syria thực hiện. Theo ông, liệu đây có phải là cái cớ để Mỹ tiếp tục sự hiện diện quân sự tại Syria?
Tôi nghĩ rằng đây là một trong những mục đích của chính quyền Mỹ. Còn thực ra, ông Donald Trump muốn rút quân ra khỏi Syria. Vì suy nghĩ của tổng thống Mỹ là suy nghĩ của một thương gia chứ không phải suy nghĩ của một nhà chính trị.
Việc duy trì 2.000 lính Mỹ tại Syria sẽ rất tốn kém. Ông Trump cũng từng thẳng thừng tuyên bố rằng các thành viên NATO phải đóng góp nhiều hơn, ông cũng đã nói với Nhật Bản hay Ả rập Xê-út cần phải trả tiền nếu mong muốn được Mỹ bảo vệ hay có sự hiện diện quân sự.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông nhận định về “ván đấu quyền lực” Syria  ảnh 1 Ngày 14.4, tổng thống Trump tuyên bố đã ra lệnh cho quân đội tấn công Syria. Mỹ Anh Pháp đã bắn tổng cộng 105 quả tên lửa vào 3 cơ sở tại ngoại ô Damascus.
Vào tháng 3 vừa qua, Tướng Joseph Votel, chỉ huy Bộ Tư lệnh trung tâm của Mỹ đã thừa nhận trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằng Mỹ ở lại Syria không phải để đối phó với các vấn đề Iran, Assad hay Nga và quân Mỹ ở lại tại đất nước này vì phải theo lãnh đạo. Vậy theo ông, việc tổng thống Trump tuyên bố rút quân rồi lại chớp nhoáng tấn công Syria có phải vì có một phe phái ngầm đang chi phối chính sách của nước Mỹ?
Theo tôi, nội bộ Mỹ hiện nay không thống nhất và họ có những ý kiến khác nhau về việc ông Trump ra lệnh tấn công Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã nói rằng chưa có bằng chứng và vẫn đang xem xét những thông tin về việc Syria sử dụng vũ khí hóa học. Quốc hội Mỹ thì chưa có ý kiến gì. Nhưng ông Trump vẫn ra lệnh tấn công. Một bộ phận trong chính quyền của họ vẫn muốn để quân ở lại Syria. Bởi vì, Mỹ cần phải ở lại đây để thể hiện vai trò của mình trong giải pháp cho vấn đề Trung Đông.
Ngày 7.4.2018, sau vụ Douma ông Trump đã tuyên bố rất mạnh là sẽ đáp trả trong vòng 24-48 giờ sau vụ cáo buộc tấn công hóa học. Tôi cũng đã có nhận định là Mỹ sẽ tấn công. Ông Trump cần phải cho thực hiện vụ tấn công để giữ thể diện và uy tín. Và có lẽ, cũng để chứng minh rằng ông không thân Nga. Hiện tại, tổng thống Trump vẫn đang bị FBI điều tra về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Nga đã bác bỏ cáo buộc nhưng dân Mỹ vẫn đang rất nghi ngờ sự việc này đã thật sự xảy ra.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông nhận định về “ván đấu quyền lực” Syria  ảnh 2 Chỉ huy Bộ tư lệnh trung tâm Mỹ CENTCOM, tướng Joseph Votel nói quân Mỹ không ở Syria để đối phó với vấn đề Iran, Assad hay Nga.
Dường như đã có một sự trùng lặp trong việc Mỹ tấn công Syria, đó là vào ngày 7.4 năm ngoái Mỹ cũng đã bắn 59 quả tên lửa hành trình vào căn cứ không quân al-Shayrat của Syria cũng với cáo buộc chính phủ Syria đã sử dụng chất độc thần kinh Sarin. Cuộc tấn công mới đây cũng diễn ra vào tháng 4. Theo ông điều này có ý nghĩa gì không?
Mỹ và phương Tây, đặc biệt và Mỹ và Anh khi muốn tiến hành cuộc tấn công hay can thiệp vào một nước nào đó thì đều sử dụng cái cớ là vũ khí hóa học và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ví dụ như trường hợp Mỹ tấn công Iraq năm 2003 vụ việc mà sau này cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell chính thức lên tiếng thừa nhận sai lầm khi đưa ra những bằng chứng sai sự thật: “CIA đã lừa tôi. Nỗi hổ thẹn nhất trong cuộc đời hoạt động ngoại giao của tôi là đã buộc phải nói dối”.
Việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học cũng là việc được dàn dựng để Mỹ và đồng minh tấn công Syria. Nhưng theo tôi, cuộc tấn công này không mang lại kết quả gì.
Vậy ông đánh giá vụ tấn công tên lửa của Mỹ vừa qua thế nào?
Mặc dù ông Donald Trump đã tuyên bố nhiệm vụ thành công (Mission Accomplished!). Nhưng tôi đánh giá cuộc tấn công này thất bại vì Mỹ không đạt được gì, không thay đổi được cục diện Syria. Mỹ bắn hơn 100 quả tên lửa mà chỉ phá hủy được 3 địa điểm vô thưởng vô phạt mà theo họ: là một trung tâm nghiên cứu, một nhà kho và một đường hầm. Damascus cũng không có thiệt hại gì khi những quả tên lửa được bắn vào vùng ngoại ô, dân cư trong thành phố còn ùa ra xem. Thậm chí có những người còn coi đó là một màn bắn pháo hoa. 
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông nhận định về “ván đấu quyền lực” Syria  ảnh 3 Ngày 7.4.2017, Mỹ nã 59 quả tên lửa hành trình vào căn cứ không quân al-Shayrat của Syria với cáo buộc chính phủ Syria tấn công hóa học bằng chất độc thần kinh sarin. 
Mỹ thất bại, không đạt được mục tiêu vì không thay đổi được chiến trường Syria, không trừng phạt được chính quyền tổng thống Bashar al-Assad, cũng không tác động được tới Nga. Ban đầu, khi chuẩn bị cho chiến dịch phương Tây đã phô diễn lực lượng rất lớn. Ai cũng đã nghĩ họ sẽ có một hành động mạnh tay, sẽ thực hiện một vụ tấn công lớn nhưng hóa ra không phải như vậy.
Một mặt tiêu cực khác của vụ tấn công là nó còn gây ra một suy nghĩ không tốt đối với Mỹ và phương Tây. Đầu tiên, Mỹ đã sử dụng một cớ giả. Vì Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học (OPCW) vừa mới tới Damascus và vẫn chưa tiến hành điều tra thì Mỹ đã thực hiện vụ tấn công nên việc tồn tại vũ khí hóa học rất khó tin. Uy tín của Mỹ và phương Tây đi xuống vì họ tấn công Syria khi chưa biết ai là thủ phạm và chủ mưu. Rõ ràng ở đây có sự tác động ngược lại khi dân Syria còn đổ ra đường giương cao cờ ủng hộ tổng thống Assad.
Tròn 1 năm sau kịch bản tại al-Shayrat, lần này Mỹ có thêm Anh và Pháp cùng tấn công, ông có thể nhận định tại sao 2 nước này cũng tham gia cuộc chơi?
Anh và Mỹ luôn là đồng minh rất gần gũi từ thời đánh Iraq. Năm 2003, ông Tony Blair còn cho thấy một thái độ nhiệt tình hơn Mỹ. Bà Theresa May lần này cũng có thái độ tích cực với Mỹ như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng Anh cũng đang có vấn đề nội bộ, bà Theresa May đang chịu sức ép. Đầu tiên là Brexit (Anh ra khỏi liên minh châu Âu), gần một nửa quốc hội không ủng hộ Brexit còn Bắc Ireland thì đã bác bỏ hoàn toàn.
Chính phủ Anh muốn tham gia vào chuyện này để tạo ra không khí thuận lợi cho những cuộc đàm phán sắp tới với EU. Sẽ có rất nhiều khó khăn với Anh khi rời EU vì Anh sẽ mất tới 45 - 55 tỷ Euro chi phí để rời khỏi Brexit trong năm 2020.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông nhận định về “ván đấu quyền lực” Syria  ảnh 4 Tổng thống Trump vẫn đang bị FBI điều tra về vụ việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ tháng 11.2016.
Với việc cho máy bay cất cánh và chỉ bắn đúng 4 quả tên lửa (trên tổng số khoảng 105), thì việc Pháp tham gia vụ tấn công cũng chỉ mang tính biểu tượng. Việc tham gia này để thể hiện quan hệ giữa Mỹ, Pháp và các nước châu Âu vẫn tốt đẹp. Vì quan hệ giữa nước Mỹ của tổng thống Donald Trump có nhiều bất đồng với EU. Ví dụ như việc rút khỏi Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Mỹ cũng đe dọa giảm bớt chi phí trong NATO. Việc gây ra chiến tranh thương mại cũng nhắm và ảnh hưởng tới lợi ích của châu Âu. Như vậy, Pháp Anh tham gia cũng là mục đích thể hiện mối quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Âu vẫn còn đang ấm áp.
Một loạt những sự kiện căng thẳng bắt đầu với Nga từ đầu tháng 3 khởi đầu là vụ Skripal, sau đó là trục xuất ngoại giao, rồi tiếp theo là vụ tấn công Syria. Ông có thể bình luận gì về vai trò của Nga trong các sự kiện leo thang gần đây?
Theo tôi quan hệ giữa Mỹ và Nga trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây do nguyên nhân chính là sự trở lại của Nga trên chính trường quốc tế. Nước Nga đang lấy lại vị thế siêu cường của mình từ thời Chiến Tranh Lạnh, khôi phục lại vai trò trước đây của Liên Xô ở Trung Đông. Trước đây, Liên Xô có rất nhiều các đồng minh tại Trung Đông như Iraq, Libya, Ai Cập, Syria...
Sự kiện "Mùa xuân Ả rập" đã tiêu diệt hết các đồng minh của Nga, họ còn lại duy nhất Syria. Dù khó khăn nhưng nước Nga của ông Putin phải tìm cách giữ lại Syria. Nga đang trở lại thế giới với một vị thế khác trước rất nhiều và dần dần khôi phục lại vai trò của một nước lớn. Các nhà phân tích nói thế giới đơn cực đang chuyển dần sang thế giới đa cực.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông nhận định về “ván đấu quyền lực” Syria  ảnh 5 Trong thông điệp trước Quốc hội Liên bang Nga, tổng thống Putin đã giới thiệu một loạt vũ khí tối tân của Nga.
Khi ông Trump đã đắc cử tổng thống Mỹ với 2 mục tiêu: "Nước Mỹ trước tiên" và "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại một lần nữa". Mục tiêu này khiến, Mỹ cần tìm cách ngăn chặn vai trò và ảnh hưởng của Nga. Nga cũng phải tìm cách tạo nên đối trọng với Mỹ trong khu vực. Vì thế, đã xảy ra sự cạnh tranh giữa 2 cường quốc. Nga dù kinh tế không bằng Mỹ nhưng về sức mạnh quân sự vẫn là một siêu cường.
Đặc biệt trong thông điện trước Quốc hội liên bang của tổng thống Nga đã nói về vũ khí có sức mạnh bằng 4.000 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima, có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới và không thể đánh chặn. Điều này cũng là một nguyên nhân khiến Mỹ phải dè chừng Nga. Đặc biệt, Nga cũng nhấn mạnh chỉ cần 1 binh sĩ của họ bị ảnh hưởng do cuộc tấn công của Mỹ thì họ sẽ có biện pháp đáp trả.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga ông Valery Gerasimov đã từng tuyên bố sẽ có biện pháp trả đũa tương xứng nếu Mỹ tấn công Nga và đồng minh tại Syria. Theo ông, sau vụ tấn công vừa rồi Nga sẽ xử sự thế nào?
Nga đã có bước đi rất khôn khéo. Nga không phản ứng bằng quân sự vì lợi ích của Nga chưa đến mức phải đáp trả bằng quân sự, Nga cũng không bị thiệt hại trong vụ tấn công. Hai căn cứ Tartus và Khmeimim không bị ảnh hưởng. Ngay cả các sân bay và căn cứ của Syria cũng không bị ảnh hưởng. Nga có thừa sức để đánh đắm tàu của liên quân ở cách căn cứ của họ không xa. Nhưng nếu Nga làm điều này, sẽ làm nổ ra cuộc chiến thế giới nên Nga cần tránh. Nga chưa cần thiết phải sử dụng tới con bài cuối cùng.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông nhận định về “ván đấu quyền lực” Syria  ảnh 6 Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tướng Valery Gerasimov tuyên bố Nga sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng nếu Nga và đồng minh bị tấn công tại Syria.

Biện pháp quân sự sẽ làm căng thêm tình hình nên Nga đã tập trung vào biện pháp ngoại giao, cuộc chiến ngoại giao. Ngay sau khi vụ tấn công kết thúc thì Nga đã triệu tập họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tất nhiên, ta cũng biết Nga không thể thông qua nghị quyết lên án vụ tấn công vì 3 thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng thường trực là Mỹ - Anh - Pháp nhưng Nga phải chứng tỏ chính nghĩa của mình.

Cũng tại Liên Hợp Quốc, trong cuộc họp bàn để soạn thảo nghị quyết tạo ra một Cơ chế điều tra độc lập về vũ khí hóa học Nga đã sử dụng quyền phủ quyết (có 12 nước đồng thuận, Trung Quốc bỏ phiếu trắng còn Nga và Bolivia phản đối), ông nhận xét về vấn đề này thế nào?
Đề xuất của Nga hay đề xuất của Mỹ đều không thể được Liên Hợp Quốc thông qua vì đây là cái cớ để họ chống nhau. Nếu muốn điều tra vụ việc tại Douma thì cần có một đơn vị độc lập và khách quan với sự tham gia bởi các thành phần được sự đồng ý của cả hai bên. Nếu thành phần tham gia chỉ nghiêng về một phía ví dụ như Tổ chức Mũ Trắng thân Mỹ chẳng hạn thì sẽ có sự sai lệch trong kết quả điều tra.
Chúng ta sẽ đợi diễn biến tiếp theo vì hiện tại đội ngũ của Tổ chức cấm sử dụng vũ khí hóa học đã vào thành phố Douma. Nhưng tôi thiên về phương án vụ tấn công hóa học là dàn dựng vì trước đây đã có tiền lệ như vậy. Năm 2003, ỦY ban thanh sát vũ khí UNMOVIC của Liên Hợp Quốc chưa đưa ra một kết quả cụ thể thì Mỹ đã tấn công Iraq vào ngày 20.3. Cho tới nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng Iraq có sử dụng vũ khí tạo ra bệnh than. Hay như vụ tấn công al-Shayrat năm ngoái cho tới giờ cũng không có bằng chứng về việc chính quyền Assad sử dụng chất độc thần kinh. Vì thế, tôi nghiêng về hướng nghĩ rằng đây Douma là một sự xếp đặt.
Nhưng qua đó cũng cho thấy vai trò của Liên Hợp Quốc hiện tại rất mờ nhạt. Ví dụ như Liên Hợp Quốc không ngăn cản được Mỹ và Liên quân đánh Iraq 2003, không ngăn cản được Mỹ đánh Libya 2011, không ngăn cản được Mỹ tấn công al-Shayrat năm ngoái và năm nay tại ngoại ô Damascus. Ngài Tổng thư ký António Guterres cũng chỉ kêu gọi tất cả các bên kiềm chế. Vụ tấn công cũng cho thấy các nước Ả rập bị chia rẽ nghiêm trọng, trong Hội nghị cấp cao của Liên đoàn Ả rập, họ đã bàn vấn đề khác chứ không phải về vấn đề Syria. Ả rập Xê-út, Qatar, Các tiểu Vương quốc A rập thống nhất công khai ủng hộ Mỹ tấn công Syria trong khi một số nước còn lại thì nói "nước đôi".
Vậy theo ông, giải pháp cho vấn đề Syria sẽ có diễn tiến thế nào?
Vụ tấn công chỉ bằng 105 quả tên lửa không thể giải quyết được cuộc xung đột Syria. Nó không đạt được mục tiêu đề ra vì những lực lượng đối lập chống lại chính phủ tổng thống Bashar al-Assad, khủng bố IS hay al-Qaeda cũng không thể sử dụng nó để lại nổi dậy và khôi phục lại các hoạt động chống lại chính quyền. Đây là cuộc tấn công chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng cuộc tấn công cũng cho thấy, vấn đề Syria không thể giải quyết được bằng quân sự. Tình hình hiện tại đã khác với phương Tây, họ không thể tấn công Syria như tấn công Iraq vào năm 2003 hay Libya năm 2011.
Biện pháp duy nhất là thương lượng hòa bình. Chính Mỹ và phương Tây cũng hiểu được điều đó. Sắp tới, các bên có thể sẽ nối lại các đàm phán tại Geneva để tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề Syria. Nhưng điều này không dễ dàng. Nhiều nhà phân tích cho rằng IS đã bị đánh bại, Syria, Iran, Nga kiểm soát tình hình Syria thì hòa bình sẽ dễ dàng lập lại. Nhưng không phải như vậy.
Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông nhận định về “ván đấu quyền lực” Syria  ảnh 7 Cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Đông - ông Nguyễn Quang Khai.
Vì cuộc khủng hoảng Syria là một cuộc chiến ủy nhiệm, tại đây có rất nhiều lực lượng, các phong trào đối lập - Mỗi một nhóm như vậy đều được một nước bảo trợ. Dù có bước ngay vào thương lượng cũng không dễ giải quyết được vấn đề Syria do có rất nhiều phe phái và những tổ chức đối lập được nước ngoài ủng hộ. Nên một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Syria là giải pháp phải đảm bảo được lợi ích cân bằng của tất cả các bên liên quan.
Nga thông qua các hội nghị Astana và Sochi thực sự muốn loại bỏ vai trò của Mỹ ở Trung Đông. Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đã có rất nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy giải pháp cho cuộc xung đột Syria thông qua Đàm phán Astana và Đại hội đối thoại dân tộc Syria tại Sochi. Nhưng một giải pháp như thế cần có sự đối thoại của các bên liên quan. Các phe đối lập, Mỹ cùng phương Tây mà không tham dự thì sẽ không thể đạt được giải pháp nào. Vì thế, cần có sự tham gia của tất cả các bên trong khuôn khổ Hội nghị Geneva.
Xin cảm ơn ông,