Cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Trung- Đài

Ngày 7.11 tới tại Singapore sẽ diễn ra cuộc gặp đầu tiên - cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Trung-Đài. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu được các nhà phân tích cho là một cách Bắc Kinh ủng hộ Quốc dân đảng cầm quyền ở Đài Loan, theo Guardian ngày 4.11.
Ông Tập Cận Bình sẽ gặp ông Mã Anh Cửu
Ông Tập Cận Bình sẽ gặp ông Mã Anh Cửu

Cuộc gặp lịch sử giữa lãnh đạo Trung-Đài là cuộc gặp đầu tiên kể từ sau năm 1949, khi quân đội Mao Trạch Đông buộc quân Quốc dân đảng (KMT) của tướng Tưởng Giới Thạch phải tháo chạy khỏi Hoa lục, ra đảo Đài Loan. Từ đó đến nay, TQ luôn xem Đài Loan là một lãnh thổ hải ngoại, cần phải trở về với Hoa lục.

    Các quan chức ở Đài Bắc nói: ông Tập và ông Mã sẽ trao đổi các quan điểm về những vấn đề giữa Trung-Đài. 

Zhang Zhijun, một cán bộ TQ phụ trách vấn đề Đài Loan, nói hai ông sẽ "trao đổi việc quảng bá phát triển hòa bình mối quan hệ Trung-Đài".

Ông nói cuộc gặp là "một sự đột phá trong việc trao đổi-liên lạc trực tiếp giữa hai lãnh đạo", sau những bất đồng chính trị và xung đột quân sự kể từ  năm 1949, theo Tân Hoa Xã.    

Hiện chưa rõ thông tin chi tiết cuộc gặp. Tân Hoa Xã nói hai ông Tập-Mã sẽ ăn tối chung, sau khi tổ chức cuộc họp. Hai ông sẽ gọi nhau là "ông". 

Chớ quá kỳ vọng, chỉ là một cuộc chụp ảnh kỷ niệm

J Michael Cole, một chuyên gia về Đài Loan thuộc viện chính sách TQ của đại học Nottingham, nói cuộc gặp là một thời điểm lịch sử, nhưng chớ nên kỳ vọng quá nhiều, vì đấy chỉ là một lần hai ông Tập-Mã cùng chụp ảnh lưu niệm. 

Từ khi làm lãnh đạo Đài Loan, ông Mã tiến hành lập quan hệ nồng ấm với Bắc Kinh, khiến gây tranh cãi. 

Nhưng ông Mã sẽ rút lui vào năm 2016, trong khi Quốc dân đảng (KMT) cầm quyền của ông đang bị kém xa các đối thủ chính trị trong những cuộc thăm dò dư luận. 

Bắc Kinh cũng có thể chứng kiến bà Thái Anh Văn của đảng Dân Tiến (DPP) trở thành lãnh đạo mới của Đài Loan, trong kỳ bầu cử lãnh đạo đầu năm 2016.

 DPP chủ trương độc lập khỏi TQ.  Hiện đang có sự bài Trung ở Đài Loan, và ngày 4.11, DPP phản ứng giận dữ về thông tin ông Mã gặp ông Tập.

Bà Thái nói: "Tôi cho rằng dân Đài Loan, như tôi, cảm thấy rất bất ngờ. Cuộc gặp giữa hai lãnh đạo hai bên bờ eo biển là một sự kiện lớn, liên quan quyền lợi của Đài Loan. Nhưng cách thông báo vội vã này đang làm tổn hại nền dân chủ Đài Loan. 

Trong tuyên bố về cuộc gặp ở Singapore, người phát ngôn Charles Chen của ông Mã nói: "Mục tiêu chuyến thăm của lãnh đạo Mã, là đạt được hòa bình giữa hai bờ, duy trì sự nguyên trạng của eo biển Đài Loan. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ: việc tổ chức cuộc gặp lịch sử, là một ý đồ tác động đến cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan vào tháng 1.2016, của cả KMT lẫn TQ vốn muốn làm việc với KMT hơn là với DPP. 

Các nhà phân tích cho rằng bằng cách đưa vấn đề quan hệ giữa hai bên vào cuộc tranh cử, Bắc Kinh và KMT hy vọng làm hỏng cơ hội trúng cử của DPP.  

Chuyên gia Cole nói: KMT có truyền thống gặp quan chức TQ lâu hơn. Họ có những kênh ủng hộ, được xem là một đảng chính trị ở Đài Loan muốn tránh chiến tranh trên eo biển Đài Loan, và sẽ bảo đảm quan hệ hữu nghị-ổn định ngang eo biển Đài Loan. Đây là một cách tuyên bố chống lại bà Thái".  

Gerrit van der Wees, biên tập của báo Taiwan Communique và từng là nhà ngoại giao của Hà Lan, nói tuyên bố cuộc gặp giữa hai ông Tập-Mã là một bất ngờ lớn, là một "động thái chính trị thuần túy" để tăng cơ hội cho KMT và gây lại uy tín cho ông Mã, người muốn lịch sử công nhận là người tạo ra một cú đột phá với TQ. 

Nhưng Van der Wees dự báo: nỗ lực trên có thể thất bại, vì nhiều người Đài Loan xem cuộc gặp giữa hai ông Tập-Mã là "một động thái phi dân chủ, của một vị lãnh đạo mất uy tín, không còn có thể thay mặt Đài Loan đàm phán với TQ".  

Nhà khoa học chính trị Nathan Batto nhận định: ông Mã hy vọng lưu danh trong sử sách bằng việc gặp ông Tập. Nhưng Batto cảnh cáo: chiến thuật này có thể thất bại: 

"Ông Mã có thể cho rằng hình ảnh ông bắt tay ông Tập, sẽ là một hình ảnh mạnh cho chiến dịch tranh cử của KMT, nhưng tôi ngờ rằng ông ấy đã suy nghĩ sai về cử tri". 

Biển Đông căng thẳng, "TQ nhận ra họ đã đi quá xa" ?

Các chuyên gia nói: vấn đề địa-chính trị xem ra cũng giữ một vai trò, trong quyết định gặp ông Tập của ông Mã. 

Chuyên gia Cole nói: vào lúc căng thẳng tranh chấp Biển Đông đang tăng vì chuyện TQ xây đảo nhân tạo, xem ra Bắc Kinh muốn "làm dịu mọi sự" ở Biển Đông. 

Ông chỉ ra những nỗ lực làm dịu này: ông Tập thăm Việt Nam, Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường dự hội nghị Hàn-Nhật-Trung.   

Cole nói: "Cuộc gặp ở Singapore rất có thể là một nỗ lực gây thiện cảm từ phía Bắc Kinh. Với tôi, nó chứng tỏ TQ nhận  ra rằng TQ đã đi qua xa, khi TQ vừa xây đảo nhân tạo, đường băng trên Biển Đông, lại vừa nói "các ý định của chúng tôi chỉ nhằm mục đích hòa bình". Ở một mức độ nào đó, bạn cần phải bắt đầu làm những việc cụ thể hơn để trấn an các đối tác".

Vĩnh Thụy - Theo Guardian, Một thế giới