“Cuộc chiến tàu ngầm” hun nóng Biển Đông
Ông Collin Koh Swee Kean, một chuyên gia tàu ngầm từ Trường S.Rajaratnam chuyên nghiên cứu quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) cho rằng một cảng nước sâu mới xây ở Đảo Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa, cách Tam Á hơn 1.000km, có thể mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân Trung Quốc.
“Chúng ta có thể nhìn thấy các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc có thể vận hành trong một khoảng thời gian kéo dài mà không cần thường xuyên quay trở về các căn cứ chính ở Đảo Hải Nam hay bờ biển dọc đại lục. Ông Koh cho rằng “các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc có thể tác chiến thường xuyên hơn với sự hỗ trợ của các cơ sở trên Biển Đông như Đá Chữ Thập, và họ sẽ có vị trí tốt hơn để giám sát hoạt động của hải quân Mỹ. Trò chơi “mèo vờn chuột” này sẽ gợi nhớ về quá khứ giữa lực lượng hải quân Mỹ và Liên Xô”.
Với hoạt động giám sát cự ly gần hơn của các tàu ngầm Trung Quốc, Mỹ hoặc Nhật Bản trên Biển Đông, trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy các chiến dịch thực thi tự do hàng hải, ông Koh cho rằng nguy cơ va chạm giữa các tàu ngầm và thậm chí giữa các tàu hải quân trên mặt nước ngày càng gia tăng.
“Nếu chúng ta để ý rất nhiều sự kiện đã diễn ra kể từ sau chiến tranh lạnh, nguy cơ về các sự cố như vậy trên Biển Đông rất dễ dẫn đến một sự kiện ngoại giao khiến các bên khó xử và làm tăng thêm căng thẳng”, ông Koh cảnh báo.
Trung Quốc đã có hành động khiêu khích với chuyến thăm Trường Sa kéo dài 9 ngày vào tháng 5/2016 của một đoàn văn công, với sự tham gia của ngôi sao nhạc dân ca Trung Quốc Tống Tổ Anh đến biểu diễn trước công nhân và binh lính đồn trú trái phép tại Đá Chữ Thập, được coi là tín hiệu cho thấy việc xây dựng cảng hải quân ở các hòn đảo nhân tạo này đã hoàn thành. Kênh truyền hình trung ương Trung Quốc đã phát sóng hình ảnh tàu vận tải độ bộ Côn Lôn Sơn, chiến hạm lớn thứ hai của hải quân Trung Quốc, chở đoàn biểu diễn đến các đảo, neo gần Đảo Chữ Thập.
“Xây dựng các cảng hải quân và đường băng trên quần đảo Trường Sa đã mở rộng tầm hoạt động của lực lượng không quân Trung Quốc trong khu vực thêm ít nhất 1.000km kể từ đảo Phú Lâm”, chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh Lý Kiệt cho biết. Lý còn nói thêm rằng, các cơ sở này cũng cho phép cung cấp hỗ trợ trên không, trên biển và trên đất liền cho các tàu ngầm Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc cũng đã triển khai tên lửa phòng không tầm xa HQ-9, máy bay chiến đấu J-10 và J-11 và hệ thống radar tinh vi ở Đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Vào tháng 4/2016, một nguồn tin quân sự đã tiết lộ cho tờ South China Morning Post (SCMP – Hongkong) rằng Trung Quốc đã lên kế hoạch bồi lấp bãi cạn Scarborough, cách bờ biển Philippines 230km và hơn 900km từ Tam Á, vào cuối năm nay và có thể sẽ xây thêm đường băng tại đây để mở rộng hơn nữa phạm vi tác chiến của lực lượng không quân.
Trung Quốc hiện đang tập trung phát triển loại tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân mới nhất Type 094 hay tàu ngầm lớp Tấn, hầu hết được đặt tại đảo Du Lâm. Bốn trong số các tàu đang vận hành, chiếc thứ năm đang trong quá trình chế tạo, theo như báo cáo của Lầu Năm Góc trình Quốc hội. Báo cáo cho hay những chiếc tàu này sẽ được trang bị lên đến 12 chiếc tên lửa đạn đạo JL-2 (Cự Lãng-2) với tầm bắn ước tính xa tới 7.400km, đủ khả năng bắn tới Mỹ nếu phóng từ vùng biển Tây Thái Bình Dương và đây được coi là “sự răn đe hạt nhân trên biển” của Trung Quốc.
Lầu Năm Góc cho rằng Trung Quốc cũng đang phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thế hệ thứ 3, Type 096, trang bị tên lửa tầm xa JL-3 có thể vươn tới lãnh thổ của Mỹ tính từ Biển Đông. Tờ SCMP đã dẫn lời Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại đại học Sydney, Australia, rằng “Các tàu ngầm tấn công Trung Quốc ở Biển Đông, nếu không bị phát hiện, sẽ làm tăng chi phí và rủi ro cho các tàu chiến của Mỹ hoạt động trong khu vực này”.
“Các tàu ngầm tấn công tàng hình có thể gây ra những thách thức tiềm tàng đối với khả năng hoạt động tự do của hải quân Mỹ ở cấp độ rủi ro chấp nhận được, nhưng chỉ khi Trung Quốc có thể cải thiện khả năng tác chiến chống ngầm tụt hậu của mình và vô hiệu hóa sự dẫn đầu của Mỹ trong lĩnh vực này”, ông Townshend nhận định.
Giáo sư Toshi Yoshihara tại Trường Hải chiến Mỹ cho rằng ông mong muốn Mỹ, nước vốn đã duy trì lợi thế cạnh tranh đáng gờm ở lĩnh vực này, sẽ tiếp tục đầu tư vào lực lượng tàu ngầm để duy trì và tăng thêm khoảng cách dẫn đầu của mình.
Mùa thu năm trước, Văn phòng nghiên cứu hải quân thuộc Hải quân Mỹ đã tiết lộ một tàu ngầm không người lái bán tự động dài 3 mét có khả năng giám sát âm thanh, tác chiến chống tàu ngầm (ASW) và thực hiện các hoạt động tấn công khác trong hơn 70 ngày ở vùng biển mở và vùng duyên hải.
Hải quân Mỹ cho biết loại tàu ngầm này có thể được xếp gọn vào bên trong các tàu ngầm lớp Virginia và Ohio và sẽ có khả năng vận hành như một hạm đội vào năm 2020 và sẽ tăng cường sản xuất loạt vào năm 2025.
Ông Yoshihara nói rằng các phương tiện ngầm không ngưới lái có khả năng tăng cường đáng kể khả năng tác chiến chống ngầm vốn đã tinh vi hiện nay của Mỹ. Các phương tiện ngầm mới này sẽ khiến các nhà hoạch định quốc phòng Trung Quốc thêm phần hoang mang về khả năng của hải quân Mỹ trong việc lặng lẽ theo dõi và tiêu diệt các tàu ngầm Trung Quốc ở các vùng nước nông trên Biển Đông hoặc ở các vùng biển gần cảng của Trung Quốc.
Các tàu ngầm không người lái có thể đủ nhỏ để vượt qua thiết bị phát hiện tàu ngầm của Trung Quốc và hệ thống phòng thủ chống ngầm, khiến hải quân Trung Quốc rất khó đối phó và khiến Trung Quốc bối rối trong việc triển khai tàu ngầm bí mật ở Biển Đông.
Tháng trước, tạp chí chuyên về quốc phòng HS Jane’s của Anh cho biết công ty đóng tàu nhà nước khổng lồ của Trung Quốc đã đề xuất dự án xây dựng hệ thống giám sát âm thanh được đặt tên là đề án “Vạn Lý Trường Thành dưới biển” – thực chất là một hệ thống bao gồm các tàu và cảm biến dưới nước có thể làm xói mòn đáng kể lợi thế tác chiến dưới nước của tàu ngầm Mỹ và giúp kiểm soát Biển Đông.
Chuyên gia về hải quân Nghê Lạc Hùng ở Thượng Hải cảnh báo rằng cuộc chạy đua vũ khí chống ngầm có thể sẽ bùng phát một cách bất ngờ, tương tự như cuộc chạy đua tàu ngầm làm tê liệt nền kinh tế Đức trong Thế chiến thứ II. “Tôi mong Trung Quốc sẽ không bước vào vết xe đổ này”, ông bộc bạch.