Cuộc chiến Biển Đông: Singapore giục Mỹ “phất cờ”

VietTimes -- Ván cờ triển khai vây quanh Trung Quốc của Mỹ hiện nay đã gây áp lực từ bên ngoài lớn chưa từng có đối với Trung Quốc, có ý kiến cho rằng “đây là thử thách lớn nhất” mà Trung Quốc phải đối diện sau cải cách mở cửa, tờ Vancouver (Canada) đánh giá.
Ông Lý Hiển Long thúc giục Mỹ tích cực hành động ở Biển Đông
Ông Lý Hiển Long thúc giục Mỹ tích cực hành động ở Biển Đông

Hiện nay vấn đề trọng tài Biển Đông đang là tâm điểm chú ý của thế giới, còn Singapore đã thể hiện quan điểm ngả chiều theo Mỹ. Vừa qua khi đón Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, trong phát biểu chào mừng ông Obama đã nhấn mạnh quan hệ hai nước giờ đây “vững như bàn thạch”, ông Lý Hiển Long cũng cho rằng vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là “không thể thiếu”, Singapore mong nước Mỹ tiếp tục tích cực can dự vào tình hình khu vực

Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore vừa đến thăm Mỹ ngay trong thời điểm nước Mỹ đang diễn ra đợt tuyển cử Tổng thống nóng bỏng, mục đích để đẩy mạnh hoàn thiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm đảo bảo lợi ích của Singapore trong cuộc cạnh tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong vấn đề Biển Đông, Singapore ngày càng tiến gần quan điểm của Mỹ, đem lại nhận thức mới mẻ đối với vai trò của Mỹ trong kế hoạch “trở lại châu Á”.

Gần đây có quan chức ngoại giao Trung Quốc tiết lộ nghiên cứu mới của Bắc Kinh cho rằng hiện toàn bộ tây Thái Bình Dương đều ngả về phía Mỹ, còn Mỹ đang tăng cường xây dựng vòng vây kéo dài từ Hàn Quốc đến Việt Nam.

Nhưng thực tế, thử thách của Trung Quốc không dừng lại ở đây, vì hiện còn cuộc đọ sức giữa Mỹ - Trung – Nga về con đường chiến lược quay quanh Trung Á nối liền đại lục Âu – Á. Gần đây tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lần đầu hội kiến năm Ngoại trưởng của các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, theo đó Mỹ không chỉ cam kết bỏ ra khoản tiền lớn để hỗ trợ các nước này phát triển năng lượng sạch, mà còn thúc đẩy các công ty Mỹ giơ cành ô-liu vào Trung Á.

Ván cờ triển khai vây quanh Trung Quốc của Mỹ hiện nay đã gây áp lực từ bên ngoài lớn chưa từng có đối với Trung Quốc, có ý kiến cho rằng “đây là thử thách lớn nhất” mà Trung Quốc phải đối diện sau cải cách mở cửa.

Trong bố cục mới của Mỹ, tâm điểm hiện thuộc về vùng Biển Đông và khu vực lân cận, còn Singapore được xem là “mỏ neo của châu Á – Thái Bình Dương” đối với Mỹ tại khu vực nhạy cảm này.

Là một nước nhỏ nhưng có tiếng nói quan trọng trên trường chính trị quốc tế, chính sách “ngoại giao cân bằng” của Singapore xưa nay luôn là đối tượng bình phẩm của chính giới quốc tế, cũng là di sản con đường lập nghiệp vẻ vang của ông Lý Quang Diệu đối với Singapore. Đáng tiếc vị lãnh tụ khai quốc này đã ra đi vào năm ngoái, còn cục diện Biển Đông đã nổi sóng chỉ sau đó hơn một năm ngắn ngủi. Ông Lý Hiển Long đang gặp áp lực lớn trong cuộc chơi của những nước lớn tại khu vực này.

Hiện nay vấn đề trọng tài Biển Đông đang như dầu gặp lửa, thái độ theo Mỹ của Singapore đã rõ ràng. Vừa qua khi Tổng thống Obama phát biểu lời chào mừng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhấn mạnh quan hệ hai nước giờ đây “vững như bàn thạch”, trong chiến lược cân bằng ở châu Á – Thái Bình Dương hai nước phải cùng kiên trì xây dựng trật tự khu vực, “bất kể nước lớn hay nhỏ đều phải tôn trọng, tuân thủ quy tắc”. Ông Lý Hiển Long lên tiếng cho rằng vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là “không thể thiếu”, Singapore mong nước Mỹ tiếp tục tích cực tham gia vào tình hình khu vực. Đối với quan điểm phản đối quốc gia bên ngoài khu vực xen vào tranh chấp ở Biển Đông của Bắc Kinh thì dĩ nhiên đây là thái độ Singapore không thể chấp nhận.

Còn vấn đề TPP đối với Trung – Mỹ đều có ý nghĩa chiến lược quan trọng. Mỹ đã đạt được thỏa thuận với 11 nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhưng vẫn cần Quốc hội các nước phê chuẩn. Trong dự tính của Mỹ, TPP sẽ tạo điều kiện cho Mỹ làm mới lại quy tắc thương mại toàn cầu, đặc biệt trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thành bại TPP của Mỹ có thể xem là thành bại trong việc “nắm chiếc chìa khóa của lâu đài toàn cầu hóa thương mại” của cuộc tranh giành giữa Trung Quốc và Mỹ.

Nhưng hiện nay nội bộ nước Mỹ đang tranh luận gay gắt về TPP. Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Trump đều có thái độ tiêu cực đối với TPP.

TPP là do Tổng thống đương nhiệm Obama đề ra, nếu trước nhiệm kỳ của ông Obama vào đầu năm sau được Quốc hội Mỹ phê chuẩn thì sẽ là thành công lớn trong nhiệm kỳ của ông Obama; còn đối với ông Lý Hiển Long, TPP không chỉ làm mới lại môi trường cạnh tranh thương mại toàn cầu giữa Trung Quốc và Mỹ mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của Singapore, vì thế dĩ nhiên ông Lý Hiển Long đang muốn đẩy mạnh để đạt được thành công TPP trước thời điểm ông Obama giải nhiệm.

Là người kế nhiệm chính sách “ngoại giao cân bằng”, dĩ nhiên ông Lý Hiển Long muốn cuộc đấu Mỹ - Trung chỉ ở trạng thái giằng co trong hòa bình. Vì chỉ có Mỹ - Trung giữ quan hệ hợp tác mới đảm bảo lợi ích của Singapore tại Biển Đông. Vì thế, trong chuyến thăm Mỹ, tuy thái độ của ông Lý Hiển Long cổ vũ Mỹ tham gia vào Biển Đông, kêu gọi hoàn thiện TPP, nhưng đồng thời cũng nhắc nhở: nếu quan hệ Trung - Mỹ rơi vào trạng thái không thể kiểm soát thì thế giới “sẽ trở lại giống thời Chiến tranh Lạnh với Liên Xô”.

Theo Straits Times ngày 6/8, Bắc Kinh đã đề nghị Singapore tôn trọng lập trường của Trung Quốc liên quan đến các phán quyết của Tòa Trọng tài Thường Trực La Haye về Biển Đông.