Công ty công nghệ Tencent đánh mất vị trí đứng đầu Trung Quốc vào tay hãng Mao Đài, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vị trí các công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất Trung Quốc đã có sự thay đổi: hãng rượu Mao Đài đã thế chỗ Tencent trở thành công ty giàu nhất của đất nước đông dân nhất thế giới.
Công ty Tencent đã đánh mất vị trí số 1 trên thị trường vốn hóa Trung Quốc (Ảnh: Tencent).
Công ty Tencent đã đánh mất vị trí số 1 trên thị trường vốn hóa Trung Quốc (Ảnh: Tencent).

Theo Bloomberg, sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2021, ngày 30/9/2022, giá cổ phiếu của gã khổng lồ internet và nhà sản xuất trò chơi trực tuyến Trung Quốc Tencent Holdings đã xuống đến mức đáy là 266,4 HKD (đô la Hồng Kông), giảm 64% và giá trị thị trường của nó đã bốc hơi tới 623 tỉ USD, khiến Tencent trở thành công ty mất giá trị thị trường vốn lớn nhất trên thế giới; đồng thời, đánh mất luôn vị trí công ty có giá trị thị trường số 1 tại Trung Quốc vào tay hãng sản xuất rượu khổng lồ Kweichow Moutai (Mao Đài Quý Châu).

Cũng theo Bloomberg, mức giảm từ tháng 7 đến tháng 9 của Tencent đã vượt quá 24%; đây là mức giảm hàng quý lớn nhất kể từ năm 2008.

Theo báo các cơ quan truyền thông nước ngoài, vào thời kỳ hoàng kim cực thịnh năm 2021, Tencent trở thành công ty nghìn tỷ đô la thứ hai ở châu Á sau Saudi Arabian Oil Company (Công ty Dầu khí Quốc gia Arab Saudi, Saudi Aramco); nhưng cùng với việc giám quản, áp chế trong suốt một năm của Trung Quốc đối với ngành công nghệ, giá trị thị trường của Tencent liên tục sụt giảm. Tính đến ngày 30/9, giá trị thị trường của Tencent đã giảm xuống đến mức thấp hơn 5,4 tỉ USD so với Kweichow Moutai.

Hãng sản xuất rượu Mao Đài đã trở thành Công ty giàu nhất Trung Quốc (Ảnh: Creaders).

Hãng sản xuất rượu Mao Đài đã trở thành Công ty giàu nhất Trung Quốc (Ảnh: Creaders).

Tuy nhiên, thách thức của Tencent vẫn chưa kết thúc, ngoài việc chính quyền Trung Quốc trì hoãn phê duyệt các trò chơi mới và hạn chế về thời gian chơi game của giới trẻ đã ảnh hưởng đến Tencent, chính sách chống dịch Zero Covid của chính phủ Trung Quốc và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cũng đã kích thích việc bán tháo trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến giá cổ phiếu của Tencent.

Theo báo cáo của Morgan Stanley, tính từ đầu năm nay đến ngày 20/9, các nhà đầu tư của Tencent đã bán ra hơn 30 tỉ USD cổ phiếu Tencent, vượt qua các công ty cùng ngành và có dấu hiệu bán tháo trong thời gian gần đây, ngay cả các cổ đông chi phối của Tencent cũng đã bán tháo cổ phiếu của công ty.

Tính đến thời điểm đóng cửa thị trường chứng khoán ngày 30/9, tổng giá trị thị trường của Kweichow Moutai là 2,35223 nghìn tỉ Nhân dân tệ, và ngay cả trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Trung Quốc lặp đi lặp lại những lời hứa thúc đẩy tiêu thụ, Kweichow Moutai vẫn vượt trội so với thị trường chung.

Hiện tại, ba công ty hàng đầu theo giá trị thị trường vốn hóa ở Trung Quốc là Kweichow Moutai, Tencent Holdings và Alibaba.

Biểu đồ cho thấy giá trị thị trường của Tencent đã kém Moutai (Nguồn: Bloomberg).

Biểu đồ cho thấy giá trị thị trường của Tencent đã kém Moutai

(Nguồn: Bloomberg).

Kenny Wen, người đứng đầu về chiến lược đầu tư tại Công ty chứng khoán KGI Asia Limited, cho biết: “Nếu không có nhân tố kích thích tích cực nào cho Tencent trong nửa cuối năm nay, thu nhập của nó sẽ tiếp tục chịu áp lực từ môi trường kinh tế chung ngày càng yếu hơn”. Ông nói thêm, dù tình hình ở Trung Quốc có đang cải thiện, nhưng trong thời đại thắt chặt về tiền tệ, thật khó để lợi nhuận có thể trở lại như thời các ngân hàng trung ương nới lỏng trước đây.