Coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh lớn nhất, Ấn Độ sẽ triển khai tên lửa BrahMos dọc biên giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ Bipin Rawat nói Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất của nước này, năm ngoái Ấn Độ đã tăng cường Quân đội đến biên giới, tới đây sẽ triển khai tên lửa BrahMos.
Ấn Độ có kế hoạch triển khai tên lửa siêu thanh BrahMos tới khu vực biên giới có tranh chấp với Trung Quốc (Ảnh: Indiatoday).
Ấn Độ có kế hoạch triển khai tên lửa siêu thanh BrahMos tới khu vực biên giới có tranh chấp với Trung Quốc (Ảnh: Indiatoday).

Theo trang tin Mỹ Bloomberg ngày 13/1, hôm11/11, ông Rawat cho biết sự thiếu tin cậy và cảm giác nghi ngờ ngày càng tăng đang gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ dự định đưa tên lửa siêu thanh BrahMos tiên tiến nhất tới triển khai ở khu vực biên giới hai nước.

Ông Rawat cho biết kể từ khi xảy ra cuộc xung đột biên giới năm ngoái, Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng cường các cơ sở hạ tầng, quân đội và thiết bị quân sự ở khu vực biên giới tranh chấp, đồng thời Ấn Độ cũng đã sẵn sàng đối phó với mọi sự cố đáng tiếc xảy ra ở khu vực biên giới và trên biển.

Ông cũng cáo buộc Trung Quốc đang thiết lập các ngôi làng trên đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC). Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng chỉ trích Trung Quốc khởi động các dự án xây dựng mới tại các khu vực mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền.

Ông Rawat cũng tuyên bố giả định rằng thái độ của Trung Quốc có thể trở nên không thân thiện, cùng với các vấn đề an ninh liên quan đến Taliban ở Afghanistan và Pakistan, đã dẫn đến việc Ấn Độ tiến hành các bước cần thiết tổ chức lại quân đội và thành lập các Bộ Tư lệnh chiến trường ở khu vực biên giới phía bắc và phía tây.

Tổng tham mưu trưởng Bipin Rawat: Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất của Ấn Độ (Ảnh: Indiatoday).

Tổng tham mưu trưởng Bipin Rawat: Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa an ninh lớn nhất của Ấn Độ (Ảnh: Indiatoday).

Ngoài ra, theo India Today, Đài Truyền hình Ấn Độ và nhiều cơ quan truyền thông Ấn Độ khác ngày 12/11 đưa tin, chính phủ Ấn Độ đã đề xuất với Tòa án tối cao của nước này việc quân đội cần có những con đường rộng hơn dọc theo biên giới Trung - Ấn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tên lửa BrahMos và các thiết bị quân sự khác đến các địa điểm được chỉ định.

Theo báo chí Ấn Độ, Tòa án Tối cao Ấn Độ vào ngày 11 đã nghe và xem xét yêu cầu của chính phủ về việc sửa đổi kế hoạch này. Trước đó, Ấn Độ đã công bố một dự án chiến lược trị giá 120 triệu rupee Ấn Độ xây dựng tuyến đường Chardham, dự định sử dụng tuyến đường cao tốc dài 900 km này để kết nối bốn địa điểm hành hương ở bang Uttarakhand trong mọi điều kiện thời tiết. Theo báo cáo, Viện trưởng Công tố Ấn Độ K.K. Venugopal tuyên bố rằng do điều kiện địa hình địa phương hiểm trở, con đường rộng 5,5 mét này không đủ điều kiện để vận chuyển loại tên lửa BrahMos phiên bản đất đối đất dài 12,8 mét và bệ phóng của nó. Nếu quân đội Ấn Độ không thể vận chuyển thiết bị này và các trang bị hạng nặng khác đến vùng biên giới với Trung Quốc ở phía bắc, nếu chiến tranh nổ ra, Ấn Độ sẽ rất khó chiến đấu ứng phó.

Trên thực tế, đã có sự phản đối ở trong nước Ấn Độ trước việc mở rộng đường cao tốc. Theo báo cáo, một tổ chức phi lợi nhuận của nước này có tên "Citizens For Green Doon" đã gửi đơn lên Tòa án Tối cao chống lại việc mở rộng tuyến đường này, cho rằng dự án này sẽ dẫn đến sạt lở đất quy mô lớn và các thảm họa môi trường khác do phá rừng và gây thiệt hại cho hệ sinh thái. Đáp lại, Tòa án Tối cao Ấn Độ ngày 9/11 đã trả lời, tuyên bố rằng "các nhu cầu quốc phòng và môi trường phải được cân bằng" và cần có một cách tiếp cận "tinh tế".

Tư liệu cho thấy, BrahMos hiện là tên lửa siêu thanh tầm xa tiên tiến nhất của quân đội Ấn Độ, có tốc độ bay tối đa khoảng Mach 3 và tầm bắn tối đa hơn 400 km. Nó có thể được phóng từ tàu ngầm, tàu nổi, máy bay và bệ phóng trên đất liền. Quân đội Ấn Độ đã được trang bị tên lửa BrahMos phiên bản đối đất từ ​​năm 2007. Hiện có hai phiên bản tên lửa này đang được biên chế với khả năng tấn công chính xác nhất định và ba trung đoàn tên lửa đã được thành lập.

Được biết, vào ngày 10/10, các lực lượng vũ trang Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức vòng đàm phán cấp chỉ huy quân đoàn lần thứ 13 tại điểm gặp Mordo / Chushule về phía Trung Quốc trên LAC.

Hồ Pangong Tso - điểm nóng tranh chấp trên đoạn biên giới Trung - Ấn phía Tây (Ảnh: Dwnews).

Hồ Pangong Tso - điểm nóng tranh chấp trên đoạn biên giới Trung - Ấn phía Tây (Ảnh: Dwnews).

Sau cuộc gặp, Long Thiệu Hoa, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Tây của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cho biết, trong cuộc hội đàm, Trung Quốc xuất phát từ đại cục của quan hệ giữa quân đội hai nước Trung Quốc và Ấn Độ, đã nỗ lực thúc đẩy tình hình biên giới bớt căng thẳng và thể hiện rõ sự chân thành của mình. Nhưng phía Ấn Độ vẫn kiên trì những yêu cầu bất hợp lý và không thực tế, gây thêm khó khăn cho cuộc đàm phán. Ông khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia của Trung Quốc là vững chắc và không dao động, hy vọng rằng Ấn Độ không nên đánh giá sai tình hình.

Ngoài ra, một báo cáo trước đó của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc đang xây dựng một ngôi làng dân sự gồm 100 hộ gia đình trong khu vực tranh chấp ở biên giới Trung-Ấn. Hôm 11/11, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc tiếp tục thực hiện các dự án liên quan ở khu vực biên giới trong nhiều năm và Ấn Độ không chấp nhận việc chiếm đóng trái phép lãnh thổ của mình, cũng như không chấp nhận các yêu sách không chính đáng của Trung Quốc.