Cổ đông Sacombank chấp thuận sáp nhập Southern Bank

Với tỷ lệ đồng ý hơn 93%, cổ đông Sacombank đã thông qua chủ trương sáp nhập Ngân hàng Phương Nam với tỷ lệ một cổ phiếu Southern Bank đổi 0,75 cổ phiếu STB.
Chủ tịch Sacombank - Kiều Hữu Dũng (trái) và Chủ tịch Eximbank - Lê Hùng Dũng (ngồi kế)tại cuộc họp. Ảnh: Lệ Chi
Chủ tịch Sacombank - Kiều Hữu Dũng (trái) và Chủ tịch Eximbank - Lê Hùng Dũng (ngồi kế)tại cuộc họp. Ảnh: Lệ Chi

Đại hội cổ đông bất thường Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank bắt đầu lúc 8h35 gây chú ý bởi sự xuất hiện của Chủ tịch Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - Lê Hùng Dũng cùng nhiều thành viên trong hội đồng quản trị của nhà băng này. Hiện Eximbank sở hữu 9,8% cổ phần của Sacombank.

Mục đích của cuộc họp nêu trên là thông qua chủ trương nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank). Năm 2013, Sacombank  và Eximbank từng lên kế hoạch sáp nhập nhưng không thành. Cùng với ông Lê Hùng Dũng, cuộc họp sáng nay của Sacombank có đại diện 79,19% cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. 

Trao với tư cách đại diện cổ đông lớn, ông Lê Hùng Dũng cho rằng việc sáp nhập Sacombank và Southern Bank có cả yếu tố tích cực và tiêu cực, song "cái lợi" sẽ lớn hơn, dù nhà băng sẽ gặp khó khăn trong vài năm tới. "Hiện thị trường có 4 ngân hàng quy mô lớn. Giờ nếu Sacombank sáp nhập Phương Nam thì vốn điều lệ sẽ hơn 18.000 tỷ đồng, tăng quy mô và năng lực tài chính rất lớn. Tôi tin rằng trong 3-5 năm tới, không có ngân hàng cổ phần nào có thể bắt kịp quy mô này", vị này nói.

Tuy nhiên, phát biểu sau ông Dũng, nhiều cổ đông vẫn đặt các câu hỏi liên quan đến nội dung bản đề án, trong đó cơ sở để tính ra tỷ lệ hoán đổi 1:0,75 (một cổ phiếu Southern Bank đổi 0,75 cổ phiếu Sacombank) nhận được nhiều ý kiến quan tâm nhất. Ngay cả Phó chủ tịch Eximbank - Nguyễn Phước Dừa cũng chất vấn với tư cách cổ đông: "Tôi đề nghị ban lãnh đạo giải thích rõ tỷ lệ hoán đổi để các cổ đông không phải băn khoăn trước khi sáp nhập", vị này nói.

Giải trình sau đó về vấn đề này, Phó chủ tịch Sacombank - Nguyễn Miên Tuấn cho rằng căn cứ theo thị trường, giá sáp nhập của Phương Nam hiện nay có thể dưới mệnh giá, chỉ khoảng 6.000 đồng (so với STB là gần 20.000 đồng), nhưng khi chuyển giao thì giá giao dịch phải cao hơn giá thị trường. "Từ cơ sở đó, chúng tôi cân nhắc cho thật hài hoà lợi ích của tất cả các bên và quyết định đưa ra tỷ lệ 1:0,75", vị này nói.

Một nữ cổ đông thắc mắc về căn cứ tính tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa 2 ngân hàng. Ảnh:Lệ Chi

Một nữ cổ đông thắc mắc về căn cứ tính tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa 2 ngân hàng. Ảnh:Lệ Chi

Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm rằng khi công bố sáp nhập, ngân hàng đã gặp nhiều phản ứng trên thị trường, sóng đáng mừng là cổ phiếu Sacombank vẫn tăng, lên 19.700 đồng vào cuối ngày 10/7. "Chúng tôi cũng xin cam kết giải quyết mọi quyền lợi về cổ tức và cổ phiếu thưởng của cổ đông Sacombank trước khi sáp nhập", vị Phó chủ tịch cam kết.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Kiều Hữu Dũng, đến nay chưa có bất kỳ công thức nào để làm căn cứ chia tỷ lệ hoán đổi cho chính xác. "Chúng tôi chỉ có thể dựa trên sự hài hoà của tất cả cổ đông và các bên đẻ đưa ra tỷ lệ 1:0,75 này", ông Dũng nói thêm.

Cùng với thắc mắc nêu trên, nhiều cổ đông cũng đặt câu hỏi sau 3 năm sáp nhập giữ cổ tức ở mức 3%, đến khi nào cổ đông sẽ được hưởng khoản tiền này ổn định; bao giờ ngân hàng hoạt động tốt trở lại như hiện nay?... Chia sẻ việc tham gia ngân hàng từ ngày đầu, khi "trụ sở còn rất bé", một cổ đông khoảng 60 tuổi cho biết ông rất mừng khi nhà băng phát triển như hiện nay. Do đó, vị này rất băn khoăn nếu nợ xấu của Sacombank tăng mạnh sau sáp nhập thì đến bao giờ mới trở lại mức an toàn?

Trước đó, cuộc họp dành phần lớn thời gian buổi sáng để nghe tờ trình của Hội đồng quản trị Sacombank về kế hoạch sáp nhập cũng như các nội dung khác. Đáng chú ý tại phần báo cáo bổ sung về tình hình sức khỏe của đối tác, đại diện Sacombank dẫn lại số liệu của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho thấy Southern Bank có 18.786 tỷ đồng nợ xấu (so với con số 2.500 tỷ công bố cuối 2014) và việc trích lập dự phòng có thể ảnh hưởng kết quả kinh doanh. 

Đối với khoản nợ xấu này, Phương Nam đã thực hiện xử lý thu hồi hơn 9.000 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC 1.444 tỷ và cơ cấu lại 6.768 tỷ. Ngoài ra, khoản đầu tư trái phiếu của ngân hàng đến cuối năm 2014 là 2.420 tỷ đồng đã tất toán hết. Trong các khoản phải thu 1.118 tỷ đồng, ngoài 714 tỷ phải thu của Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam đã quá hạn, các khoản còn lại được đánh giá là có khả năng thu hồi.

Phó chủ tịch Sacombank -Trầm Bê đích thân đi thu phiếu biểu quyết của cổ đông. Ảnh:Lệ Chi

Phó chủ tịch Sacombank -Trầm Bê đích thân đi thu phiếu biểu quyết của cổ đông. Ảnh:Lệ Chi

Đại diện Sacombank cho biết Ngân hàng Phương Nam phải tiến hành giải quyết các vấn đề trên, vì nếu kéo dài các hoạt động trên số dư dự thu lãi sẽ tăng lên, ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của nhà băng này. Đây là lý do Phương Nam phải tăng vốn hoặc sáp nhập với ngân hàng khác để đảm bảo an toàn hoạt động.

Trước đó, theo đề án sáp nhập cũng do Phó chủ tịch Sacombank trình bày ở đầu cuộc họp, nhà băng sau sáp nhập sẽ nằm trong Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam, có vốn điều lệ trên 18.853 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ Sacombank hơn 12.425 tỷ đồng, Southern Bank là 4.000 tỷ đồng và hơn 2.427 tỷ đồng từ vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ chia cổ tức (2013-2014) và cổ phiếu thưởng. 

Tổng tài sản của tổ chức mới là 290.000 tỷ đồng và dự kiến tăng lên gần 355.000 tỷ vào năm 2017. Ngân hàng sẽ có mạng lưới hoạt động 567 điểm giao dịch trải dài trên cả nước và tại Campuchia, Lào, với tổng số lượng khách hàng khoảng 3,5 triệu khách hàng và trên 15.510 cán bộ.

Sau đại hội bất thường của Sacombank sáng nay, ngày 14/7 Southern Bank cũng tổ chức họp tương tự để quyết định kế hoạch sáp nhập. Ảnh:Lệ Chi

Sau đại hội bất thường của Sacombank sáng nay, ngày 14/7 Southern Bank cũng tổ chức họp tương tự để quyết định kế hoạch sáp nhập. Ảnh:Lệ Chi

Theo số liệu công bố, tổng tài sản của SouthernBank đạt hơn 82.000 tỷ đồng, tăng 5,82% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động tăng 5,71%, dư nợ cấp tín dụng của SouthernBank đạt 43.329 tỷ đồng, chỉ tăng 0,08% so với đầu năm 2014. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 17 tỷ đồng, giảm gần 5% so với 2013. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt trên 14%.

Trong khi đó, năm 2014 theo báo cáo hoạt động từ ban điều hành, riêng Sacombank (công ty mẹ) đạt tổng tài sản gần 189.000 tỷ đồng, tăng 17,8% so với 2013; huy động vốn tăng 19,3%; dư nợ tín dụng tăng 18,3%. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.800 tỷ đồng, và nếu loại trừ các yếu tố bất thường do ảnh hưởng từ các khoản nợ bán cho VAMC thì lợi nhuận trước thuế là hơn 3.400 tỷ đồng.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 13,21%; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 1,31%; lợi nhuận trên một cổ phần (EPS) đạt 1.931 đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9,87%; tỷ lệ nợ xấu là 1,18%.

* Tiếp tục cập nhật