Từ “bố già Đông trùng hạ thảo” đến “nhà khoa học rượu” tự xưng
Như VietTimes đã đưa tin, tối 15/3, thương hiệu rượu Tinghuajiu đã bị "bóc phốt" tại chương trình “Dạ hội 15/3” của CCTV Trung Quốc. Sau vụ việc, sản phẩm đã bị loại khỏi kệ, cơ quan quản lý thị trường gửi công văn thông báo điều tra. Công ty vội vã phản hồi, hàng loạt phản ứng dây chuyền xảy ra, đồng thời người sáng lập Trương Tuyết Phong và hoạt động tiếp thị quá mức của ông đã bị đem ra mổ xẻ.
Từ Thành Đô đến Thanh Hải rồi Tây Tạng; từ Đông trùng Hạ thảo đến rượu Lianglu rồi rượu Tinghua, Trương Tuyết Phong, sinh năm 1969, đã biến ước mơ của ông ta trở thành hiện thực bằng việc niêm yết Qinghai Spring theo kiểu “ốc mượn hồn” vào năm 2015.
Trương Tuyết Phong, sinh năm 1969, là một thạc sĩ quản trị kinh doanh. Khởi nghiệp tại Thành Đô, Tứ Xuyên, ông từng kinh qua vị trí giám đốc các công ty như Huaxing (Hoa Hưng), Công nghiệp Zhongda (Trung Đạt), Chủ tịch Công ty Quản lý Đầu tư Zhongzi (Trung Tư), Chủ tịch Công ty TNHH Phát triển Công nghiệp Jiufeng (Cửu Phong). Tuy nhiên, năm 2000 được xem là bước ngoặt trong sự nghiệp khi thương nhân họ Trương bắt đầu tập trung cho ngành dược phẩm.
Năm đó, Công ty TNHH Dược phẩm Qinghai Tanggula được thành lập và Trương Tuyết Phong giữ chức chủ tịch. Sau đó, Công ty Công nghệ sinh học Theron (tiền thân của Qinghai Spring) được đăng ký thành lập tại Cục Công thương tỉnh Thanh Hải vào ngày 3/4/2003, Trương Tuyết Phong chính thức “bén rễ” tại Thanh Hải.
Sau hơn 10 năm làm việc trong ngành dược phẩm, Trương Tuyết Phong để mắt tới đông trùng hạ thảo. Do Tây Tạng là khu vực sinh trưởng chính của dược liệu đặc biệt này nên Trương Tuyết Phong đã tham gia thành lập công ty Tây Tạng Rongen (Vinh Ân) vào năm 2013.
Sau một loạt thay đổi về vốn chủ sở hữu, Qinghai Spring đã trở thành cổ đông kiểm soát Tây Tạng Rongen, và là đơn vị chính kinh doanh Đông trùng Hạ thảo.
Với khẩu hiệu quảng cáo "Ngậm và ăn đông trùng hạ thảo", sản phẩm viên ngậm "Jicao" (Cực thảo) của Qinghai Spring được nhắc đến như một "thảo dược thần", được rất nhiều người biết đến. Được quảng cáo thổi phồng là viên ngậm dạng bột nguyên chất đông trùng hạ thảo có tác dụng chống ung thư, Cực thảo có giá dao động từ 3.876 NDT đến 29.888 NDT/hộp (13,2 - 102,4 triệu đồng) với những tác dụng siêu phàm.
Cực thảo đã mang lại doanh thu từ 160 triệu NDT năm 2010 tăng vọt lên 5 tỉ NDT năm 2012; theo báo cáo tài chính. Lãi suất mỗi hộp Cực thảo lên tới 40%.
Tuy nhiên, đến năm 2016, cơ quan quản lý ban hành văn bản đình chỉ việc thí điểm sử dụng đông trùng hạ thảo trong thực phẩm chức năng, sản phẩm Cực thảo của Qinghai Spring bỗng dưng suy sụp, doanh thu của Qinghai Spring liên tục giảm. Vụ việc đã giáng đòn chí mạng vào cá nhân Trương Tuyết Phong.
Được "Thái thượng Lão quân" mách nước?
Sau khi thất bại trong việc tạo ra “thảo dược thần”, Trương Tuyết Phong quay sang tập trung vào rượu. Trên thực tế, sản phẩm rượu ban đầu mà Trương Tuyết Phong phát triển không phải là Tinghuajiu.
Trước Tinghuajiu, ông ta đã tiếp thị mạnh mẽ Lianglujiu (Lương Lộ tửu), một loại "rượu đặc biệt dành cho người ăn cay". Theo quảng cáo, Lianglujiu là loại rượu mới đầu tiên được phát triển và điều chỉnh đặc biệt để uống kèm đồ ăn cay. Quảng cáo này đã gây tranh cãi trên thị trường lúc bấy giờ.
Nhưng điều thực sự khiến Trương Tuyết Phong có biệt danh “kẻ ma quái” trong lĩnh vực tiếp thị chính là Tinghuajiu. Sau khi kể câu chuyện “Thái thượng Lão quân thác mộng”, Trương Tuyết Phong đã thuê 2 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel làm đồng Khoa học trưởng. Loại Tinghuajiu chất lượng cao được bán với giá 58.600 NDT/chai (hơn 200 triệu đồng), khiến nó trở thành một trong những loại rượu đắt nhất Trung Quốc. Ông ta còn rêu rao: "Tinghuajiu là một ân phước lành to lớn từ Chúa dành cho những người uống rượu" (!?).
Hoạt động quảng cáo cực đoan, vượt quá giới hạn đã không thể kéo dài. Với việc Tinghuajiu được chương trình “Dạ hội 15/3” của CCTV nêu tên, điều này càng được chứng minh.
Lên sàn chứng khoán nhờ đi cửa sau
Năm 2015, Qiancheng (Hiền Thành), một công ty khoáng sản niêm yết cổ phiếu hạng A, tiết lộ kế hoạch tái cơ cấu. Qinghai Spring muốn được niêm yết cửa sau theo kiểu “ốc mượn hồn”, công ty sẽ bán nghiệp vụ kinh doanh ban đầu và phát hành cổ phiếu để mua tài sản của Qinghai Spring.
Kết quả là cổ đông kiểm soát của công ty niêm yết được đổi từ Tổng công ty Đầu tư Thanh Hải thành Tây Tạng Rongen, người kiểm soát thực tế cũng thay đổi và công ty sau khi lên sàn được đổi tên thành Qinghai Spring.
Sau khi “mượn vỏ” niêm yết thành công, giá cổ phiếu của Qinghai Spring cũng tăng vọt, đạt đỉnh cao 50,09 NDT/cổ phiếu trong năm đó. Trương Tuyết Phong chủ trì công việc của Qinghai Spring, giữ chức chủ tịch kiêm tổng giám đốc của công ty.
Tiếp thị điên cuồng, không trả cổ tức
Sau khi mua lại 100% vốn của Tinghua Alcoholor Industry (Thính Hoa Tửu nghiệp) vào năm 2018, Qinghai Spring bắt đầu chi một số tiền lớn cho việc quảng cáo rượu và kinh doanh rượu cũng đóng góp 60% doanh thu cho công ty.
Dữ liệu cho thấy năm 2018, chi phí tiếp thị của Qinghai Spring là gần 93 triệu NDT (318,65 tỉ đồng), tăng 792,9% so với cùng kỳ năm trước đó. Đến năm 2022, chi phí tiếp thị của Qinghai Spring vượt qua mốc 100 triệu, lên tới 123 triệu NDT (421,45 tỉ đồng). Qinghai Spring nói rằng nguyên nhân chủ yếu là do chi phí tiếp thị cho phân khúc đồ uống có cồn tăng vọt.
Điều đáng nói là năm 2022, Qinghai Spring đạt doanh thu khoảng 160 triệu NDT (548,22 tỉ đồng), sau khi tính toán, tỷ lệ chi phí tiếp thị của công ty trong năm đó chiếm 76,88%, đồng nghĩa với việc công ty đã chi gần 80% doanh thu trong năm cho tiếp thị.
Do chi phí tiếp thị lớn và thua lỗ đầu tư bên ngoài, hoạt động kinh doanh của Qinghai Spring cũng liên tục thu hẹp. Từ năm 2020 đến 2022, doanh thu các năm của Qinghai Spring lần lượt là 124 triệu, 128 triệu và 160 triệu NDT; lợi nhuận ròng tương ứng lần lượt là –(âm, lỗ) 320 triệu, -249 triệu và -288 triệu NDT.
Năm 2023, chi phí tiếp thị của Qinghai Spring tiếp tục tăng, theo báo cáo 3 quý được công ty tiết lộ, chi phí tiếp thị quảng cáo ba quý đầu 2023 lên tới 127 triệu NDT, công ty đạt doanh thu 161 triệu NDT, qua tính toán tỷ lệ chi phí tiếp thị chiếm 78,88%.
Một số tiền lớn đã được chi cho tiếp thị, nhưng Qinghai Spring chưa bao giờ trả cổ tức cho các nhà đầu tư của công ty kể từ khi niêm yết cửa sau vào năm 2015.
Không có thành tích kinh doanh, các nhà đầu tư ở Qinghai Spring phải gánh chịu hậu quả. Trang Oriental Fortune cho thấy trong gần 1 năm qua, giá cổ phiếu của Qinghai Spring đã "gãy ngang lưng". Tính đến cuối ngày 15/3, giá cổ phiếu của công ty được báo cáo ở mức 6,57 NDT/cổ phiếu, với tổng giá trị vốn hoá thị trường là 3,857 tỉ NDT.
Hiện nay rượu Tinghua và các sản phẩm liên quan đã bị ngừng kinh doanh, cổ phiếu của công ty Qinghai Spring cũng bị ngừng giao dịch; đồng thời cơ quan hữu quan tiến hành điều tra về việc xuất bản các nội dung tuyên truyền cho rượu Tinghua trên Tạp chí Thực phẩm Trung Quốc.
“Dạ hội 15 tháng 3” - chương trình bóc phốt doanh nghiệp thu hút hàng triệu người Trung Quốc
Thương hiệu rượu đắt nhất Trung Quốc sập tiệm sau một đêm bị "bóc phốt”
Theo China.com, Sohu