Báo cáo toàn cảnh về kiều hối vừa được Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Công ty Western Union công bố hé lộ nhiều bất ngờ. Theo khảo sát của CIEM, kênh chuyển tiền phi chính thức hiện chiếm tới 25%.
Khoảng 25% kiều hối về Việt Nam được chuyển qua kênh phi chính thức do phí chuyển tiền của các kênh chính thức khá cao |
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng CIEM cho rằng, có hai kênh chuyển tiền phi chính thức thông dụng.
Thứ nhất là chuyển qua người quen, bởi theo quy định hiện nay của Việt Nam, người mang dưới 5.000 USD không phải khai báo.
Thứ hai, với mức độ công nghệ và tình trạng đô la hóa ở Việt Nam hiện nay, việc chuyển tiền rất đơn giản, chỉ cần một cú điện thoại giữa đầu mối hai bên là việc chuyển tiền đã được thực hiện xong.
“Cạnh tranh về phí và tính thuận tiện chính là yếu tố khiến kênh chuyển tiền phi chính thức vẫn tồn tại và phát triển”, ông Thành nói.
Trên thực tế, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, hiện nay, nếu chuyển tiền qua kênh chính thức, người gửi tiền và nhận tiền sẽ phải chịu một khoản chi phí không nhỏ. Trong khi đó, nếu qua kênh chuyển tiền phi chính thức có thể dễ dàng tìm thấy tại một số thành phố lớn, người dân được nhận/chuyển tiền thậm chí hoàn toàn miễn phí, có thể giao dịch ngay tại nhà.
Cũng với câu hỏi này của phóng viên Báo Đầu tư, bà Patricia Z.Riingen, Phó chủ tịch cấp cao khu vực ASEAN và châu Đại Dương (Công ty Western Union) thừa nhận, giá phí của kênh chuyển tiền chính thức cao hơn kênh phí chính thức vì phải duy trì các chương trình tuân thủ đi kèm, đảm bảo an toàn cho đồng tiền. Bên cạnh đó, các tổ chức chuyển tiền còn phải chia sẻ phí với các đại lý. Mặc dù phí của kênh chuyển tiền phi chính thức thấp hơn, song bà Patricia cũng cảnh báo, đây là kênh chuyển tiền có nguy cơ rủi ro cao, thậm chí là mất trắng.
“Nhìn vào dịch vụ gửi tiền không chỉ đánh giá dựa trên phí, mà quan trọng nhất là có độ an toàn cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chúng tôi cũng đang rất nỗ lực để giảm phí tốt nhất cho khách hàng”, bà Patricia nói.
Mặc dù sự tồn tại và lớn mạnh của kênh chuyển tiền phi chính thức tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có cả nguy cơ rửa tiền. Song nhiều chuyên gia cho rằng, kênh chuyển tiền này cũng có ý nghĩa nhất định, là động lực để kênh chuyển tiền chính thức làm tốt hơn, giảm chi phí hơn. Đồng thời, kênh chuyển tiền phi chính thức lên tới 25% cũng cho thấy, dư địa thị trường chuyển kiều hối ở Việt Nam còn rất lớn.
Theo một khảo sát của CIEM, hiện Western Union (gắn với các định chế tài chính là đại lý) chiếm thị phần chuyển tiền lớn nhất Việt Nam (khoảng 40% ), MoneyGram khoảng 10%...
Ra chứng khoán, vào ngân hàng, vàng…
Một trong những bất ngờ về kiều hối trong báo cáo khảo sát kiều hối của CIEM là lượng kiều hối chảy vào sản xuất ít hơn so với các báo cáo mà Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó.
Đáng chú ý, đầu tư vào chứng khoán chỉ còn 2,9%. Điều này cho thấy, dòng kiều hối đã có sự chuyển biến so với giai đoạn trước: chủ yếu đầu tư vào chứng khoán, bất động sản.
“Chúng tôi thật sự bất ngờ khi nhận thấy mức độ quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của nguồn lực kinh tế này với mọi mặt trong đời sống nhân dân”, TS. Thành nói. Theo CIEM, kiều hối vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015-2016.