Trong một động thái mang tính lịch sử, Mỹ đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, một quyết định được nhiều nhà quan sát cho rằng xuất phát từ mục tiêu chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phát biểu tại Hà Nội, ông Obama nêu rõ “Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí không liên quan Trung Quốc…mà dựa trên mong muốn của chúng tôi nhằm hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ lâu dài với Việt Nam. Tuy nhiên sau đó ông nói rằng cũng giống như Mỹ, Việt Nam quan ngại về những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông cũng lặp lại quan điểm Mỹ “sẽ tiếp tục bay, hải hành và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. SCM dẫn lời ông Obama tái khẳng định trước 2.000 cử tọa Việt Nam trưa 24/5: “Mỹ sẽ tiếp tục bay, hải hành và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và chúng tôi sẽ ủng hộ quyền của tất cả các nước làm điều tương tự”.
Tổng thống Obama kêu gọi các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình. “Nước lớn không nên bắt nạt các nước nhỏ hơn, các tranh chấp nên được giải quyết hòa bình”, ông Obama nêu rõ.
Mỹ không đứng về bên nào trong các tuyên bố chủ quyền nhưng kiên quyết thực thi tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và đã vài lần điều chiến hạm tiến sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép.
Theo DoDBuzz, chuyến thăm Việt Nam của ông Obama được giới quan sát nhìn nhận rộng rãi nhằm củng cố chiến lược “xoay trục châu Á-Thái Bình Dương” nhằm đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc cũng như những hành động hiếu chiến của nước này hòng áp đặt chủ quyền một cách ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam có thể được xem là tiến trình tự nhiên của quan hệ chính trị và thương mại ngày càng khăng khít giữa Hà Nội và Washington kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995.
Tháp tùng Tổng thống Obama trong chuyến công du còn có Ngoại trưởng John Kerry, từng là một cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam. Ông Obama là Tổng thống Mỹ thứ ba thăm Việt Nam sau Bill Clinton năm 2000 và George W. Bush năm 2006.
Thượng nghị sĩ John McCain người đã từng là tù binh gần 5 năm ở miền Bắc Việt Nam tuần trước cũng đã hối thúc ông Obama dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. “Lệnh cấm bán vũ khí mang tính biểu tượng này là sản phẩm của lịch sử đã qua và là một trở lực cho quan hệ tương lai của chúng ta. Đã đến thời điểm bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm này”, ông McCain nay là Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ tuyên bố.
Ông McCain nói thêm Việt Nam nên được cho phép mua các thiết bị trên bộ và trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Việt Nam tác chiến hiệu quả hơn.
Ni Lexiong, chuyên gia ở Đại học Thượng Hải cho rằng thông báo của ông Obama cho thấy Washington và Hà Nội đã gần như hình thành một đồng minh quân sự. “Cả Washington và Hà Nội đều có vẻ xem vấn đề dỡ bỏ cấm vận vũ khí như một lá bài chống Trung Quốc”, Ni chủ quan nhận xét.
Tuy nhiên, đó chỉ là ý kiến chủ quan của học giả Trung Quốc. Việt Nam yêu chuộng hòa bình và luôn thực hiện nhất quán chính sách "ba không" đã được tuyên bố với thế giới, bao gồm: không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.
Tuy nhiên, theo South China Morning Post (SCMP), ông Obama đã tuyên bố rằng động thái này không liên quan gì tới Trung Quốc, nhưng Tổng thống Mỹ cũng làm rõ Mỹ đứng về phía các nước nhỏ hơn như Việt Nam. Mỹ và Việt Nam cùng bày tỏ quan ngại về những vấn đề trên biển và tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, ông Obama nói. Trong khi Washington không chọn đứng về bên nào, ông tuyên bố, cần ủng hộ giải pháp ngoại giao dựa trên luật pháp quốc tế và “không dựa trên căn cứ ai là bên lớn hơn”, ám chỉ Trung Quốc.
Lãnh đạo Việt Nam (Chủ tịch nước Trần Đại Quang) đã hoan nghênh việc mở rộng quan hệ an ninh và thương mại giữa “những cựu thù nay trở thành bạn bè”. Theo SCMP, mặc dù Việt Nam và Trung Quốc có quan hệ gần gũi, nhưng chính sách bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang biến những bãi đá xa xôi thành các đảo nhân tạo với đường băng và cảng, đã buộc Việt Nam phải xem xét lại chiến lược quốc phòng của mình.
Các chuyên gia an ninh và tùy viên quân sự khu vực dự đoán danh sách mong muốn ban đầu về trang thiết bị của Việt Nam (sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí) sẽ bao gồm thế hệ mới nhất radar trinh sát, tình báo và công nghệ viễn thông, cho phép Hà Nội quản lý tốt hơn ở Biển Đông, cũng như nâng cao năng lực phối hợp trong các lực lượng.
Các nhà chiến lược quân sự Việt Nam cũng bày tỏ mong muốn có các máy bay không người lái và có thể cả máy bay tuần tra, cảnh báo sớm P-3 từ Mỹ, theo SCMP.
“Động thái Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí vào một thời điểm nhạy cảm như vậy nhằm tìm cách hỗ trợ Việt Nam có những bước đi ngăn chặn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp. Việc này không hề có lợi trong việc giúp giảm căng thẳng tại khu vực”, Xu Liping thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc lặp lại luận điệu quen thuộc của giới chức Trung Quốc khi đề cập vấn đề Biển Đông.