Chuyên gia Mỹ: Đảo nhân tạo ở Biển Đông có thể bị xóa sổ trong vài phút nếu có chiến tranh

VietTimes -- Theo giáo sư Amitai Etzioni là giáo sư đại học và giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học George Washington nhận định trên The Diplomat, những hòn đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông trên thực tế mang rất ý giá trị quân sự. Chúng chỉ như các tàu sân bay bị mắc cạn và sẽ bị xóa sổ chỉ trong vài phút nếu chiến tranh xảy ra. 
Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo với đường băng dài 3.000m và các công trình quân sự kiên cố ở quần đảo Trường Sa
Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây dựng trái phép thành đảo nhân tạo với đường băng dài 3.000m và các công trình quân sự kiên cố ở quần đảo Trường Sa

Theo chuyên gia Etzioni, những phản ứng trước các tuyên bố của ứng viên Ngoại trưởng Rex Tillerson và Nhà Trắng cho rằng Mỹ sẽ ngăn chặn Trung Quốc không được tiếp cận các đảo nhân tạo của nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông đã cho thấy những khó khăn mà các lãnh đạo nước ngoài và các nhà bình luận gặp phải trong việc điều chỉnh để phù hợp với chính quyền ông Trump.

Các phản ứng bao gồm bài viết trên tờ China Daily của chính phủ Trung Quốc chỉ trích: “Những tuyên bố này không đáng để nhìn nhận một cách nghiêm túc vì chúng chỉ là biểu hiện của sự ngây thơ, tầm nhìn hạn hẹp, định kiến theo lối mòn và những ảo tưởng chính trị phi hiện thực. Nếu ông ta hành động như vậy trong thế giới thực, đó sẽ là thảm họa”. Tờ báo dân tộc chủ nghĩa Hoàn Cầu hung hăng hơn còn lớn tiếng cảnh báo: “Tillerson nên xây dựng các chiến lược tăng cường sức mạnh hạt nhân nếu muốn ép một cường quốc hạt nhân rút lui khỏi lãnh thổ của nước mình”.

Những tuyên bố này cho thấy những ai nói ra những lời này hay những ai mà những tuyên bố trên hướng tới vẫn cho rằng người ta đang sống trong thế giới mà một tuyên bố của Nhà Trắng hay Ngoại trưởng Mỹ thể hiện một chính sách thực tế và tuyên bố đó là kết quả của các cuộc thảo luận và lựa chọn ngôn từ một cách cẩn thận. Thay vào đó, ông Etzioni cho rằng thế giới này giờ đây phải làm quen với một vị tổng thống và một chính quyền ưa “nói trước và có thể nghĩ sau”. Tổng thống Donald Trump đã đưa ra một loạt các lời tuyên bố phản ánh suy nghĩ nhất thời hoặc các thực tế tưởng tượng chứ không phải là một chính sách đã được suy tính kỹ càng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan điểm cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan điểm cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc

Hơn nữa, ông Etzioni cho rằng những tuyên bố này đều được viết trên băng. Ngay khi mặt trời thức dậy, chúng sẽ tan ra và có thể được thay thế bởi một số điều chỉnh, hoặc thậm chí là có thể thay đổi hẳn lập trường. Do đó, nếu trước đó ông Trump chỉ trích cộng đồng tình báo và buộc tội họ đứng sau chiến dịch bôi nhọ chống lại ông. Sau đó, ông lại tuyên bố rằng rạn nứt giữa ông và cơ quan tình báo CIA là do truyền thông thiếu trung thực.

Rất nhiều lần trong chiến dịch tranh cử và thậm chí sau cuộc bầu cử, ông Trump đã chỉ trích cuộc chiến tranh Iraq. Sau đó, trong một bài phát biểu trước CIA, sau khi nói nước Mỹ nên chiếm lấy dầu của Iraq, ông Trump lại nói rằng “Có thể chúng ta sẽ có một cơ hội nữa.” Có lúc ông lại cho rằng Nhật Bản, Hàn Quốc và Ả Rập Xê-út phải được phép phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng chỉ vài tháng sau đó ông lại nói rằng: “Vấn đề lớn nhất đối với tôi trên thế giới này là kiểm soát hạt nhân và sự phổ biến hạt nhân”.

Theo ông Etzioni, có lẽ sẽ chẳng có ai ngạc nhiên nếu ngày mai ông Trump lại nói rằng Trung Quốc có thể có được các hòn đảo (kiểm soát trái phép ở Biển Đông) mà họ muốn vì bảo vệ những hòn đảo này còn tiêu tốn nhiều tiền bạc hơn, hoặc cũng có thể ông Trump sẽ có những suy nghĩ ngẫu hứng nào đó.

Cận cảnh đá Subi bị bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo với đường băng, các công trình quân sự kiên cố
Cận cảnh đá Subi bị bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo với đường băng, các công trình quân sự kiên cố
Đá Vành Khăn đã bị Trung Quốc bồi lấp phi pháp thành đảo nhân tạo với đường băng, các công trình quân sự kiên cố
Đá Vành Khăn đã bị Trung Quốc bồi lấp phi pháp thành đảo nhân tạo với đường băng, các công trình quân sự kiên cố

Một thực tế cũng cho thấy những nhân vật chủ chốt trong hoạch định chính sách đối ngoại được ông Trump chỉ định lại không đồng tình với ông và bất đồng lẫn nhau trong các vấn đề chính yếu.

Chuyên gia Etzioni đặt câu hỏi, liệu Mỹ có nên giảm các vướng mắc và cam kết ở bên ngoài và tập trung vào Mỹ hay Mỹ nên thực hiện các cam kết mới và mở rộng các cam kết hiện nay? Nếu là trường hợp thứ hai, liệu Mỹ có nên đối xử với các hòn đảo (bị Bắc Kinh kiểm soát trái phép) trên Biển Đông như thể chúng là lãnh thổ do Trung Quốc chiếm đóng từ tay đồng minh của Mỹ và chúng là những vấn đề quân sự quan trọng, hay những hòn đảo bồi lấp phi pháp này chỉ nên được coi là vấn đề thông thường? Cho đến khi Hội đồng chính sách đối ngoại của ông Trump họp và có cơ hội để nhất trí, ít nhất là về các đường lối chính của chính sách mà họ định theo đuổi, tốt nhất là người ta chỉ nên coi những phát biểu này là lời tuyên bố “hiếu chiến hơn tổng thống Obama”, ông Etzioni khuyên.

Một khi các nhân vật chủ chốt họp lại với nhau, họ sẽ phải đối mặt với các vấn đề sau đây: quần đảo chính đang tranh chấp bởi nhiều bên là quần đảo Trường Sa. Philippines cũng có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông và đã khởi kiện ra Tòa trọng tài thường trực The Hague. Tòa phán quyết rằng các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp của Trung Quốc chỉ được coi là đá và bãi nửa chìm nửa nổi theo Luật Biển, do đó Trung Quốc không có chủ quyền đối với các vùng nước mà nước này tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp.

Tuy nhiên, kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên làm tổng thống Philippines, ông đã đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc cho phép các tàu thuyền đánh cá của Philippine hoạt động xung quanh bãi cạn tranh chấp Scarborough. Liệu Mỹ có tiếp tục kiên quyết sử dụng quân đội để giành lại các quyền mà Philippine không còn tuyên bố nữa hay không? Và điều đó có thể đạt được bằng cách nào? Trung Quốc đang sử dụng ngư dân chứ không phải tàu chiến để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Liệu Mỹ có ngăn chặn họ và đưa họ đến trại giam Gitmo? Hoặc là nã súng vào ngư dân?

Theo giáo sư Etzioni, những hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông trên thực tế mang rất ý giá trị quân sự. Chúng chỉ như các tàu sân bay bị mắc cạn và sẽ bị xóa sổ chỉ trong vài phút nếu chiến tranh xảy ra. Tetsuo Kotani, chuyên gia về an ninh hàng hải ở Viện quan hệ quốc tế Nhật Bản đã viết rằng, kể cả với hệ thống phòng thủ chống tàu, các căn cứ quân sự trên các hòn đảo tranh chấp chỉ sao chép lại khả năng những gì mà Trung Quốc có ở đảo Hải Nam, “về cơ bản họ chỉ đang gửi đi một thông điệp chính trị. Tôi không chắc là những binh lính này liệu có thể đóng vai trò gì (trong trường hợp nổ ra xung đột)”.

Theo ông Trump thì có một cách khác để nhìn nhận thế giới. Đó là lý thuyết chiến tranh điên rồ. Theo đó, nếu một bên hành động phi lý, các bên còn lại suy nghĩ thận trọng hơn sẽ nhượng bộ. Tuy nhiên cũng phải nhận thức được rằng chính sách này là hết sức nguy hiểm. Sớm hay muộn, một bên nào đó cũng sẽ không nhượng bộ nữa và đụng độ chắc chắn sẽ xảy ra, chuyên gia Etzioni cảnh báo.

Hiện nay, Trung Quốc chưa đủ sức đối đầu quân sự với Mỹ. Do đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ không thử hành động như vậy nếu như chính quyền ông Trump có thực sự cử tàu chiến đến để ngăn chặn Trung Quốc không tiếp cận các đảo xây dựng phi pháp. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn có cách khác để đáp trả, và cách tốt nhất là gián tiếp giúp Triều Tiên phát triển tên lửa và chương trình hạt nhân.