Sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt thêm thuế quan trên 200 tỷ USD sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ trả đũa thích đáng.
Vấn đề là do việc hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ nhiều hơn gấp bội so với hàng Mỹ nhập vào Trung Quốc, Bắc Kinh không thể áp dụng kiểu đánh trả ăn miếng trả miếng bằng thuế quan như từng chủ trương cho đến nay, mà phải viện đến nhiều biện pháp phi thuế quan khác đã từng chứng tỏ hiệu quả khi Trung Quốc muốn bắt chẹt các nước khác. Các biện pháp phi thuế quan này được coi là những đòn ngầm vì không thể hiện qua những số liệu cụ thể.
Theo Reuters, ngay từ tháng 5/2018, Trung Quốc có dấu hiệu là đã bắt đầu dùng chiêu này đối với các mặt hàng Mỹ nằm trong danh sách sản phẩm sẽ bị trả đũa nếu chiến tranh thương mại nổ ra.
Một số nguồn tin từ giới nhập khẩu và công nghiệp đã xác nhận với hãng tin Anh rằng khối lượng các cuộc kiểm tra hàng hóa đến từ Mỹ đã gia tăng đáng kể so với các kiểm tra ngẫu nhiên trong quá khứ. Các sản phẩm bị bị kiểm tra rất đa dạng, đi từ thịt lợn, táo tươi và trái anh đào, cho đến xe cộ.
Giới nhập khẩu cho biết họ đã được chính quyền thông báo rằng đó chỉ đơn thuần là những cuộc kiểm tra "kỹ thuật", thế nhưng các mặt hàng bị làm khó dễ đều có tên trong danh sách bị áp thuế trả đũa của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có thể bày ra các quy định mới về các sản phẩm Mỹ được bán trên thị trường, cũng như đối với công ty Mỹ để hạn chế sự hiện diện, thậm chí cấm các công ty này tại Trung Quốc. Đây là điều đã từng xảy ra với Facebook, Google, và có nguy cơ xảy ra với các tập đoàn khác.
Theo ông Jacob Parker, phó chủ tịch đặc trách các hoạt động tại Trung Quốc của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung đã tin chắc rằng Trung Quốc đang xem xét thêm các phương thức nhằm cản trở hoạt động của các công ty Mỹ tại Trung Quốc. Thậm chí còn khuyến cáo các doanh nghiệp tư nhân và quốc doanh thôi mua sắm các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ mà quay sang mua của châu Âu, Nhật Bản hoặc các công ty Trung Quốc trong nước.
Vũ khí thứ hai mà Trung Quốc có thể tung ra là kích động người tiêu thụ trong nước tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Mỹ.
Trung Quốc đã sử dụng biện pháp này đối với Seoul vào năm ngoái sau khi Hàn Quốc cho Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD trên lãnh thổ, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc là nạn nhân điển hình của đòn trả đũa này.
Ngành du lịch Mỹ cũng có thể bị tác hại nếu Trung Quốc khuyến cáo các công ty lữ hành của họ giảm các tour đi Mỹ. Hiện nay, có khoảng 3 triệu lượt du khách Trung Quốc đi thăm Mỹ mỗi năm, chi ra hàng chục tỷ USD. Ngoài ra, dịch vụ lữ hành chiếm gần hai phần ba các dịch vụ mà Mỹ "xuất khẩu" sang Trung Quốc trong năm 2015.
Biện pháp này đã được Trung Quốc áp dụng để tấn công Đài Loan vào năm 2016 khi nhân vật theo xu hướng độc lập Thái Anh Văn được bầu làm lãnh đạo.
Ngoài các đòn ngầm kể trên, giới phân tích cũng nhắc đến khả năng Trung Quốc để cho đồng nhân dân tệ hạ giá so với đồng đô la Mỹ để đẩy giá hàng Mỹ lên cao. Thế nhưng, một số nhà kinh tế cho rằng Trung Quốc sẽ phải rất thận trọng khi dùng đến vũ khí tiền tệ này, rút kinh nghiệm của năm 2015, khi sự mất giá của đồng nhân dân tệ đã tạo nên tình trạng vốn tư bản từ Trung Quốc chảy ngược ra nước ngoài.
Một đòn đáp trả khác Trung Quốc thỉnh thoảng vẫn bóng gió đe dọa là cắt giảm số lượng lớn trái phiếu nhà nước Mỹ mà Trung Quốc nắm trong tay, trị giá tính đến tháng 3 vừa qua đã lên tới 1.188 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc làm như vậy, trị giá các trái phiếu sẽ tụt, khối tài sản của Trung Quốc sẽ bị giảm mạnh về giá trị, gây hại cho chính Bắc Kinh.