Liên danh này chính là cái tên duy nhất lọt vào vòng sơ tuyển lựa chọn Nhà đầu tư dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao (BOT) – theo kết quả được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt vào tháng 4/2018.
Vì chỉ có một nhà đầu tư lọt sơ tuyển nên tháng 5/2018, khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT này, UBND tỉnh Quảng Ninh chốt hình thức lựa chọn là “chỉ định thầu trong nước”, phương thức lựa chọn là “một giai đoạn một túi hồ sơ”.
Và đến hôm kia (18/7/2018), UBND tỉnh Quảng Ninh đã chính thức ban hành Quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Dĩ nhiên, tên nhà đầu tư trung thầu chính là cái tên duy nhất lọt vòng sơ tuyển: Liên danh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Long Vân – Công ty cổ phần Mặt trời Vân Đồn – Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Công Thành.
Giá vé tối đa có thể lên đến 480 nghìn đồng/lượt
Theo Quyết định, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có địa điểm xây dựng thuộc 5 huyện/thành phố của tỉnh Quảng Ninh, gồm: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái.
Quy mô đầu tư là đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, Vtk=100km/h (TCVN 5729-2012), tổng chiều dài tuyến 80,2km.
Thời hạn khởi công: Theo Điều 107 của Luật Xây dựng và trong điều kiện đảm bảo bàn giao mặt bằng đủ điều kiện thi công cho Nhà đầu tư.
Thời gian hoàn thành xây dựng: 22 tháng kể từ ngày khởi công.
Thời hạn kinh doanh: Dự kiến 19,88 năm. Thời gian thực tế sẽ xác định từ thời điểm dự án BOT hoàn thành và được quyết toán vốn đầu tư theo quy định.
Thời hạn chuyển giao công trình dự án: Hết thời hạn kinh doanh Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án chuyển giao công trình dự án cho Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Dự kiến, diện tích sử dụng đất để thực hiện dự án là khoảng 462,2ha.
Tổng mức đầu tư/tổng vốn đầu tư của dự án là gần 11.200 tỷ đồng.
Về giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại dự án: Phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ thuộc đối tượng thanh toán giá dịch vụ sử dụng đường bộ gồm 05 nhóm theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông vận tải.
Quyết định cũng nêu cụ thể về mức giá dụng dịch vụ sử dụng đường bộ áp dụng cho 03 năm đầu tiên thu giá. Trong đó mức giá tối đa là 6.000 đồng/km, áp dụng cho xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet.
Như vậy, với chiều dài toàn tuyến khoảng 80 km, tài xế có thể phải trả đến 480 nghìn đồng cho mỗi lượt đi trên cao tốc này.
Tất nhiên, đây là mức tối đa. Nhưng sau 3 năm khai thác đầu tiên, nó có thể còn tăng lên. Bởi theo Quyết định, mức tăng giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các năm tiếp theo (sau 03 năm đầu) là 18%/3 năm.
Lịch sử “trúc trắc”
Cần thiết phải nói rằng dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có một lịch sử khá “trúc trắc”.
Năm 2016, dư luận từng một phen ồn ào về dự án này sau khi Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc đề xuất cho Việt Nam vay 304,6 triệu USD để đầu tư hơn 80km đường cao tốc 4 làn xe này.
Khi ấy, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho rằng việc sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc cho dự án là hợp lý bởi đây là dự án quan trọng, cấp bách. Tuy nhiên, dư luận thì lại tỏ ý nghi ngại bởi những kinh nghiệm xương máu về các dự án hạ tầng sử dụng vốn vay Trung Quốc, như dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội và người làm chính sách đã lên tiếng mạnh mẽ phản đối phương án này.
Ý kiến từ dư luận đã được nhà chức trách lắng nghe.
Đề xuất vay vốn Trung Quốc là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái từng bị dư luận phản đối mạnh mẽ. (Ảnh: Internet)
|
Đầu tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao địa phương này là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, thay thế cho phương án đề xuất giao Bộ GTVT thẩm quyền quyết định đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc để thực hiện đầu tư như hồi giữa tháng 2/2016.
Lý do mà Quảng Ninh đưa ra là nếu vận hành thực hiện dự án tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đầu tư bằng nguồn vốn ODA sẽ rất lâu và không hoàn thành theo quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ là trước năm 2020.
Đề xuất này của Quảng Ninh đã được Thủ tướng chấp thuận.
Trung tuần tháng 11/2016, rộ lên thông tin liên danh các nhà đầu tư Cái Mép – Thái Sơn – VINACONEX E&C – Công ty Cổ phần Cầu 12 – Khánh An – Cienco1 đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh về đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức đầu tư BOT.
Theo đề xuất của liên danh này, dự án có tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng, thời gian thi công khoảng 3 năm và thời gian thu phí dưới 25 năm. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khi ấy đã đánh giá: Liên danh nhà đầu tư đã chuẩn bị chu đáo, nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất hướng tuyến, quy mô dự án về cơ bản phù hợp.
Tháng 7/2017, Quảng Ninh có văn bản đề nghị Bộ GTVT thẩm định Dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Theo đó, tuyến cao tốc Vân Đồn – Quảng Ninh sẽ có điểm đầu tại Km80 +108, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn; điểm cuối tại Km150+338 giao với đường tỉnh 335, trùng với điểm cuối Dự án cầu Bắc Luân II, Tp. Móng Cái. Tổng mức đầu tư Dự án là 15.660,6 tỷ đồng, trong đó phần lãi vay trong thời gian xây dựng (năm 2017 – 2020) là 1.188 tỷ đồng.
Sau khi nhận được sự phê duyệt từ các cơ quan trung ương, Quảng Ninh đã tiến hành các bước sơ tuyển, lựa chọn nhà đầu tư. Và kết quả thì như đã đề cập ở đầu bài viết.
Liên danh các nhà đầu tư Cái Mép – Thái Sơn – VINACONEX E&C – Công ty Cổ phần Cầu 12 – Khánh An – Cienco1, cái tên từng được nhắc đến rất nhiều trong đề xuất dự án BOT cao tốc Vân Đồn – Móng Cái trước đó, đã không được lựa chọn.
Tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng mà liên danh này đề xuất cho dự án rõ ràng là cao hơn đáng kể so với con số gần 11.200 tỷ đồng mà Quảng Ninh vừa phê duyệt.
Thứ nữa, cũng nên lưu ý rằng, trong liên danh Cái Mép – Thái Sơn – VINACONEX E&C – Công ty Cổ phần Cầu 12 – Khánh An – Cienco1 có không ít cái tên được cho là có mối liên hệ mật thiết với “Út trọc” Đinh Ngọc Hệ./.