Chính trường Trung Quốc: “Hoàng hôn” của phái Đoàn thanh niên đã đến?

VietTimes -- Với sự phá vỡ quy định “không được lập án điều tra Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị”, đưa Chu Vĩnh Khang ra vành móng ngựa của ông Tập Cận Bình, quy định “thất thượng bát hạ” rất có thể sẽ bị loại bỏ và cái quy định bất thành văn “tu dưỡng cả đời không bằng vào Đoàn thanh niên một năm” sẽ bị cáo chung.
Ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình
Ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình

Bài 3: “Hoàng hôn” của phái Đoàn thành niên đã đến?

Quy định “Năng thượng năng hạ” ra đời

Ngày 28/7/2015, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát hành văn kiện “Một số quy định thúc đẩy cán bộ lãnh đạo có thể lên, có thể xuống” (bản thử nghiệm). Đáng chú ý là Điều 5 của Quy định chỉ rõ: “Phải nghiêm túc thực hiện chế độ về hưu đối với cán bộ. 

Khi cán bộ tới tuổi giới hạn đối với chức vụ đảm nhiệm hay tới tuổi về hưu cần phải làm thủ tục miễn nhiệm cho cán bộ theo trình tự quy định. Nếu thực sự do nhu cầu công việc cần kéo dài thời gian công tác phải căn cứ vào quyền hạn của cơ quan quản lý cán bộ, do Đảng ủy cùng cấp nghiên cứu nêu ý kiến báo cáo lên Đảng ủy cấp trên xem xét phê chuẩn”.

 Theo quy định hiện hành của Trung Quốc, tuổi về hưu của lãnh đạo đứng đầu cấp tỉnh, Bộ là 65 tuổi. Trong năm 2016, một loạt quan chức lãnh đạo cấp tỉnh, Bộ trong hệ thống Đảng, chính quyền và quân đội Trung Quốc sẽ đến giới hạn này. 
 
 Họ hoặc phải về hưu hoặc đứng trước cơ hội tấn thăng do nhu cầu công việc. Ngoài ra, khi tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc, ở Trung Quốc còn có quy định Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị 67 tuổi có thể liên nhiệm, nhưng nếu đã 68 tuổi thì buộc phải về hưu.
 
Nhà bình luận chính trị của Trung Quốc, ông Đường Tịnh Viễn cho rằng “Năng thượng năng hạ” (cán bộ lãnh đạo có thể lên, có thể xuống) ra đời đồng nghĩa với việc phế bỏ quy định “Thất thượng bát hạ” xuất hiện dưới thời Giang Trạch Dân. 

Báo “Thái dương” của Hồng Công số ra ngày 26/11/2015 cho biết quy định này được “Quân sư” Tăng Khánh Hồng thiết kế giúp Giang Trạch Dân thanh loại được các đối thủ chính trị. 

Ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình
Ông Hồ Cẩm Đào và ông Tập Cận Bình

Theo báo trên, tại Đại hội 15 vào năm 1997, nhằm triệt tiêu khả năng lưu nhiệm của Kiều Thạch (Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Ủy viên Trưởng Nhân đại Toàn quốc), lợi dụng việc khi đó Kiều Thạch đã 73 tuổi, Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng đã thương lượng đưa ra đề xuất “Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị 70 tuổi phải về hưu”. 

Quy định này được nguyên lão Bạc Nhất Ba (bố của Bạc Hy Lai) ủng hộ và cuối cùng đã đưa Kiều Thạch ra khỏi vũ đài chính trị. Từ đó, 70 tuổi trở lên thành “giới hạn đỏ” đối với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ở Trung Quốc.

Tới Đại hội 16 vào năm 2002, ông Giang Trạch Dân đã làm hai khóa Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc buộc phải về hưu. Khi đó, Lý Thụy Hoàn (Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc) 68 tuổi, chưa tới giới hạn đỏ 70 tuổi. 

Nhưng nếu Lý Thụy Hoàn lưu nhiệm, toàn bộ chính trường sẽ mất cân bằng, cũng không có lợi cho Giang Trạch Dân “buông rèm nhiếp chính”. Trong bối cảnh đó, Tăng Khánh Hồng đã đề xuất quy định “Thất thượng bát hạ”, thành công trong việc có lý do chính đáng để ông Lý Thụy Hoàn về hưu. 

Song theo báo “Thái dương”, vấn đề nằm ở chỗ các quy định “Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị 70 tuổi phải về hưu” hay “Thất thượng bát hạ” đều không được viết trong Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng giống như quy định “không được lập án điều tra Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị”, chỉ thuộc nghị quyết của một Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị nào đó, không có sự ràng buộc pháp lý. 

Hiện nay, ông Tập Cận Bình đã phá vỡ quy định “không được lập án điều tra Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị”, đưa Chu Vĩnh Khang ra vành móng ngựa, quy định “thất thượng bát hạ” rất có thể sẽ bị loại bỏ.

“Năng thượng năng hạ” ra đời là một minh chứng. Tuy phải đợi tới Đại hội 19, quy định này mới được nghiệm chứng đối với cấp Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, nhưng ở tầng thấp hơn nó đã được áp dụng cho một số trường hợp cụ thể. 

Tờ “Nhật báo Cát Lâm” ngày 21/11/2015 cho biết Trung ương Đảng Công sản Trung Quốc đã quyết định bổ nhiệm Mã Tuấn Thanh làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Cát Lâm. Cùng ngày, truyền thông chính thức Trung Quốc cho hay Lý Khang đã được bổ nhiệm làm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khu Tự Trự dân tộc Choang Quảng Tây. 

Ngoài ra, nguyên Phó Tỉnh Trưởng Giang Tây, Chu Hồng mới đây đã xuất hiện trong một hoạt động công khai với chức danh Ủy viên Thường vụ, Tổng Thư ký tỉnh ủy. 

Tất cả các quan chức này đều có điểm chung là khi được bổ nhiệm đã 58 tuổi. Trong khi đó, vào ngày 10/8/2015 khi thông báo trường hợp nghỉ hưu của Cung Chính (sinh tháng 3/1960), nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Triết Giang, truyền thông Trung Quốc lại nêu “do nguyên nhân tuổi tác”. Như vậy, đối với trường hợp bổ nhiệm các ông Mã Tuấn Anh, Lý Khang và Chu Hồng, nhân tố “nhu cầu công tác” đã phát huy tác dụng.

Sự thoái trào của phái cán bộ Đoàn

Lệnh Kế Hoạch.
Lệnh Kế Hoạch.

Trong cuốn “Trung Quốc tự hủy hoại thê đội kế nhiệm” do Nhà xuất bản Minh Kính ấn hành tháng 7/2015, hai tác giả Trần Hiểu Minh và Tề Ngụ Xuân đã khái quát sự phát triển của phái đoàn Thanh Niên ở Trung Quốc, chỉ rõ có 3 cần lực lượng chính trị này trở thành tiêu điểm dư luận.

Cao trào thứ nhất là từ năm 1981 tới năm 1987 với việc ông Hồ Diệu Bang, người nhiều năm nắm quyền ở Trung ương Đoàn, bất ngờ trở thành lãnh tụ. Khi đó, một loạt quan chức xuất thân từ phái Đoàn Thanh niên đã được bổ nhiệm các chức vụ cao. Tới khi Hồ Diệu Bang thất thế, Triệu Tử Dương lên nắm quyền, tổ chức Đại hội 13, xu thế đi lên của phe Đoàn Thanh niên mới bị hãm lại.

Cao trào thứ hai là từ năm 2002 đến năm 2007 với việc cựu Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, ông Hồ Cẩm Đào vốn xuất đầu lộ diện từ cao trào thứ nhất được Đặng Tiểu Bình chỉ định làm người kế nhiệm Giang Trạch Dân. 

Trong 10 năm Hồ Cẩm Đào nắm giữ chức Tổng Bí thư, nhiều quan chức thời Hồ Cẩm Đào công tác tại Trung ương Đoàn được bố trí đảm nhiệm các chức vụ, vị trí quan trọng, nhiều tới nỗi có người phải thốt lên rằng ở Trung Quốc dường như “Đoàn Thanh niên đang lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Các gương mặt có thể kế ra ở đây tiêu biểu là các ông bà Lưu Vân Sơn, Lý Khắc Cường, Lệnh Kế Hoạch, Lý Nguyên Triều, Uông Dương, Hồ Xuân Hoa, Lưu Diên Đông, Lưu Kỳ Bảo, Đỗ Thanh Lâm, Dương Tinh...

Cao trào thứ ba là từ Đại hội 18 vào năm 2012 tới nay, có sự khác biệt lớn so với hai cao trào trước khi các vấn đề của phái Đoàn Thanh niên được mang ra bàn tán nhiều nhất, chứ không phải do việc các quan chức thuộc phái Đoàn Thanh niên đi lên như diều gặp gió. 

Nhiều quan chức đi lên từ hệ thống Đoàn Thanh niên đã dính chàm và ngã ngựa. Nếu như cao trào thứ nhất là “Thời kỳ phái Đoàn Thanh niên tập kết phát tích”, cao trào thứ hai là “thời kỳ cực thịch” thì cao trào thứ ba có thể là “hoang hôn” của phái Đoàn Thanh niên.

Trong số ra ngày 18/02/2016, tờ “Đông phương Nhật báo” cũng có nhận định tương tự, cho rằng sau Đại hội 19, phái Đoàn Thanh niên sẽ chỉ còn là quá khứ bởi Tổng Bí thư Tập Cận Bình  đã có ý đóng băng con đường kế nhiệm của cán bộ Đoàn. 

Bài báo cho biết trong một phát biểu mới đây, ngoài việc yêu cầu cán bộ đoàn phải “chuyên nghiệp hóa, chính quy hóa”, Tập Cận Bình còn cảnh báo họ “không được lúc nào cũng nghĩ tới việc thăng quan tiến chức, cũng không được ảo tưởng làm người kế nhiệm”.

Có phân tích cho rằng đây là tín hiệu cho thấy con đường thăng quan tiến chức theo kiểu tốc hành của các cán bộ thuộc phái Đoàn Thanh niên sẽ bị chặn lại. Tuy rằng đây chỉ là một suy đoán khó chứng thực, nhưng có thể khẳng định lãnh đạo thế hệ 5 đang quyết tâm chấm dứt vai trò, thay đổi tình trạng thăng quan tiến chức nhanh như tiên lửa của cán bộ thuộc phái Đoàn, đưa Đoàn Thanh niên trở lại với đúng truyền thống.

Theo báo trên, điều làm cán bộ Đảng viên ở cơ sở bất bình nhất là trong hơn 10 năm qua, phàm là cán bộ có thời gian công tác trong hệ thống Đoàn, ở Trung ương hay địa phương đều có thể thăng quan tiến chức vù vù, bất luận người đó có kinh nghiệm hay không, phẩm chất tốt hay xấu. 

Ngay cả yếu tố thành tích chính trị cũng bị xem nhẹ, chỉ cần người đó công tác vài năm trong hệ thống Đoàn là có thể dễ dàng trở thành quan chức cấp Vụ, Cục, thậm chí là quan chức cấp Tỉnh, Bộ. Vì thế, trên quan trường Trung Quốc có câu “mấy chục năm gian khổ không bằng một năm làm cán bộ Đoàn”.

Đặc biệt, một số quan chức xuất thân từ hệ thống Đoàn sau khi năm quyền ở địa phương đã loại bỏ những người không thuộc phe mình, mặc sức đề bạt các cán bộ có thời gian công tác Đoàn. Tình trạng này gần như lây lan ra cả nước khiến cho giới quyền quý đua nhau gửi con cháu vào “đào vàng” trong hệ thống Đoàn. 

Tổng Bí thư ĐCS kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tổng Bí thư ĐCS kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nhưng xét về mức độ tham nhũng thì các quan tham gốc gác Đoàn Thanh niên cũng không hề kém cạnh, có thể điểm ra các gương mặt như nguyên Bí thư Thị ủy Quảng Châu Vạn Khánh Lương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Khu Tự trị Nội Mông Phan Dật Dương, nguyên Bí thư Thị ủy Thái Nguyên Thân Duy Thìn, nguyên Trưởng ban Mặt trận Thống nhất Tỉnh ủy Sơn Tây Bạch Vân... và ở tầm cao hơn là Lệnh Kế Hoạch (nay đã thất thế).

“Đông phương Nhật báo” cho rằng đối với một người có kinh nghiệm công tác ở địa phương 20 năm như ông Tập Cận Bình, nhận vật này sớm biết rõ tình trạng hủ bại của phái Đoàn Thanh niên ở Trung Quốc. 

Ông Tập Cận Bình cũng biết rõ tính bè phái của cán bộ đi lên từ hệ thống Đoàn còn nguy hại hơn nhiều so với bè đảng tham nhũng hiện nay ở đất nước Trung Hoa. Do vậy, lãnh đạo thế hệ 5 mới quyết tâm khôi phục trận tự, đặt dấu chấm hết cho phái Đoàn Thanh niên. Muốn làm việc này, có lẽ ông Tập Cận Bình trước tiên sẽ chặn đứng con đường thăng quan tiến chức vù vù của cán bộ Đoàn.


(Còn nữa)