Trước đó dư luận đặc biệt quan tâm đến hai vấn đề chính được nêu trong dự thảo đã công bố từ đầu năm. Thứ nhất, giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Thứ hai, nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản.
Nhìn chung những nội dung chính trong thông tư 06 được Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh ký lần này đều được giữ nguyên như trong dự thảo.
Cụ thể, về việc thay đổi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn cơ bản được giữ nguyên ở mức 60% đối với NHTM, Chi nhánh NH nước ngoài, Tổ chức phi tín dụng NH và NH Hợp tác xã (riêng với tổ chức phi ngân hàng là 100%) và sau đó tỷ lệ giảm dần có lộ trình xuống 50% bắt đầu từ 1/1/2017 và xuống 40% từ thời điểm 1/1/2018.
Mặc dù vẫn theo quan điểm kiểm soát rủi ro thanh khoản và quan trọng hơn là đảm bảo an toàn cho hệ thống. Nhưng NHNN vẫn tạo điều kiện để các TCTD có thêm hai năm để “quen dần” với lần điều chỉnh lần này.
Còn với vấn đề thứ hai, nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về bất động sản. Với vấn đề này, đối tượng tác động sẽ rộng hơn rất nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là việc “siết van” bất động sản, bởi thị trường BĐS VN đang phụ thuộc vào hai nguồn là huy động từ khách hàng và chủ yếu nguồn vốn của ngân hàng. Sâu xa hơn thì từ nguồn huy động của KH cũng chủ yếu xuất phát từ tín dụng ngân hàng. Thế nên vai trò của hệ thống NH là vô cùng quan trọng với sự phát triển của thị trường BĐS trong thời gian tới. Các chuyên gia nghi ngại việc sửa đổi thông tư 36 sẽ không những tác động tiêu cực tới thị trường BĐS “vừa mới ốm dậy” trong thời gian qua mà còn tác động với các ngành kinh tế liên quan mật thiết với thị trường BĐS như: giao thông, vật liệu xây dựng… và cả công ăn việc làm của người lao động.
Chính vì vậy, trong thông tư 06 vừa được ban hành, NHNN chỉ nâng tỷ lệ này từ 150% lên 200% thay vì con số 250% như trong dự thảo, và tỷ lệ này được áp dụng từ 1/1/2017.
Một điểm thay đổi của thông tư 06 là việc NHNN “hỗ trợ” cho hoạt động phát hành trái phiếu của Chính phủ khi tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề trước đó của chi nhánh NH nước ngoài từ 15% lên 35%, của ngân hàng thương mại trong nươc từ 15% lên 25% , và ấn định tỷ lệ đối với tổ chức phi ngân hàng 5% và ngân hàng hợp tác xã là 35%.
Cơ bản là những thay đổi lần này đều được giữ nguyên như trong dự thảo đã công bố trước đó. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, có thể thấy NHNN đã tạo một “bước đệm ” về cả mặt kỹ thuật lẫn tâm lý để những thành viên tham gia thị trường có thời gian thích nghi với những thay đổi lần này.
Hoàng Nguyên