FPT Online - Công ty “đứng sau” báo điện tử VnExpress chào sàn UPCoM vào ngày 10/12

VietTimes -- Có thể quy mô niêm yết của FPT Online không quá lớn nhưng nên nhớ, doanh nghiệp này chính là đơn vị "đứng sau" trang báo điện tử có nhiều người đọc nhất Việt Nam (VnExpress.net). Ngoài ra, FPT Online còn sở hữu một cơ cấu tài chính ấn tượng cùng tỷ suất sinh lời đáng nể.
Ảnh minh họa (Nguồn: FPT Online)
Ảnh minh họa (Nguồn: FPT Online)

Theo thông tin công bố từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), 14.085.336 cổ phiếu FOC của CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) sẽ niêm yết trên sàn Upcom vào ngày 10/12/2018. Mức giá giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên là 110.000 đồng/cổ phiếu.

Mức giá trên không chỉ là kết quả của các phương pháp định giá, nó còn cho thấy tiềm lực của một doanh nghiệp có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.

Được biết, FPT Online được thành lập vào ngày 1/7/2007, tập trung vào các mảng hoạt động quảng cáo trực tuyến, game online, âm nhạc trực tuyến, mạng xã hội và dịch vụ SMS. Tới nay, FPT Online đã trở thành đơn vị quảng cáo trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam, chiếm khoảng gần 50% thị trường quảng cáo trực tuyến.

Đáng chú ý, VnExpress.net - tờ báo điện tử có lượng truy cập lớn nhất và cũng là tòa soạn báo được xem là chuyên nghiệp nhất Việt Nam - chính là "sản phẩm chính" của FPT Online, theo như giới thiệu trong bản công bố thông tin tiền niêm yết.

Theo thống kê của Google Analytics, năm 2016, trang báo này đã có 45,9 triệu người đọc thường xuyên (user) trung bình theo tháng; 15,8 tỷ lượt truy cập, trong đó 11% users từ nước ngoài. Bước sang năm 2017, trang báo VnExpress tiếp tục ghi nhận có tới 41,373 triệu users trung bình theo tháng, trong đó 9,71% users từ nước ngoài.

“Số liệu này tiếp tục khẳng định VnExpress luôn là báo tiếng Việt có nhiều người xem nhất toàn cầu” - Bản công bố thông tin tóm tắt của FPT Online cho biết. Ngoài ra, VnExpress cũng được cho là tờ báo có diễn đàn bạn đọc lớn nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, FPT Online còn sở hữu các “sản phẩm” khác là Ngoisao.net, Sohoa.net, iOne, Vitalk.vn và hệ thống quảng cáo trực tuyến eClick.

Tỷ suất sinh lời hơn 40%, có hàng trăm tỷ gửi ngân hàng

Lợi thế về mặt thị phần cũng giúp FPT Online đạt được kết quả kinh doanh đáng nể, cùng cơ cấu tài chính lành mạnh.

Năm 2017, doanh thu thuần của FPT Online đạt 519,67 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với năm 2016. Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh năm 2017 đạt tới 313,79 tỷ đồng, (tăng trưởng 23,4% so với năm trước); lợi nhuận sau thuế đạt 250,22 tỷ đồng (tăng 26,8% so với năm trước).

Đây là kết quả kinh doanh đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi, FPT Online phải cạnh tranh với các công ty lớn trên thị trường quảng cáo như Google hay Facebook.

Về phía FPT Online, ban lãnh đạo công ty cũng có những quyết định chiến lược khi thu gọn mô hình kinh doanh đến mức đơn giản nhất. Theo đó, FPT Online sẽ chỉ tập trung vào mảng kinh doanh mang lại nguồn thu chính là kinh doanh về nội dung truyền thông, quảng cáo.

Kết quả kinh doanh khả quan trong nhiều năm cũng giúp FPT Online có được cơ cấu tài chính “khỏe mạnh”.

Tính tới ngày 31/12/2017, FPT Online ghi nhận quy mô tổng tài sản đạt 955,83 tỷ đồng, chiếm đa số là các khoản Tiền và các khoản tương đương tiền và Đầu tư tài chính ngắn hạn, ghi nhận giá trị lần lượt đạt 292,89 tỷ đồng và 514,97 tỷ đồng.

Trong đó, các khoản tiền và tương đương tiền ghi nhận giá trị đạt 264,84 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản tiền gửi với thời hạn 3 tháng bằng USD (mức lãi suất 0%/năm) và VND với mức lãi suất từ 4,8% đến 5,5%/năm. Tương tự, phần lớn các khoản đầu tư tài chính là các khoản tiền gửi có kỳ hạn có giá trị ghi sổ đạt 512,9 tỷ đồng. Đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 4 đến 6 tháng bằng VND với mức lãi suất từ 5,4% đến 7,3%/năm.

Tới cuối Quý 3/2018, tổng tài sản của FPT Online tăng lên mức 1.019 tỷ đồng, trong đó, các khoản Tiền và tương đương tiền, Đầu tư tài chính ngắn hạn tiếp tục có sự gia tăng tỷ trọng, chiếm tới 88%.

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến ngày 30/9/2018, khoản mục Nợ phải trả của FPT Online ghi nhận giá trị đạt 274,48 tỷ đồng, chỉ chiếm 26,9% tổng nguồn vốn. Phần lớn nguồn lực đến từ nguồn vốn Chủ sở hữu khi ghi nhận giá trị đạt tới 744,94 tỷ đồng.

Trong đó, Vốn góp của chủ sở hữu chỉ là 140,8 tỷ đồng, khoản Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chiếm phần lớn với giá trị ghi nhận là 586,36 tỷ đồng. Do đó, có thể thấy kết quả hoạt động kinh doanh tích cực của FPT Online đã được duy trì từ nhiều năm trước.

Mặc dù vậy, cơ hội đầu tư vào FPT Online đối với các nhà đầu tư mới cũng sẽ không nhiều. Được biết, cơ cấu cổ đông của FPT Online khá cô đặc với sự góp mặt của 3 cổ đông lớn chiếm tới 91,05%, bao gồm: CTCP viễn thông FPT (chiếm 59,12%), CTCP FPT (chiếm 24,96%) và CTCP Dịch vụ Dữ liệu công nghệ thông tin Vi na - thành viên của Tập đoàn VNG (chiếm 6,96%).

Sau khi trừ đi số cổ phần các cổ đông lớn nắm giữ, chỉ còn 1,26 triệu cổ phiếu dành cho nhà đầu tư quan tâm, muốn thực hiện đầu tư lâu dài vào doanh nghiệp này./.