Trong tuyên bố phát đi từ Bruxelles, Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU, bà Federica Mogherina cho biết, thỏa thuân trên sẽ góp phần cải thiện hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế.
Theo đó, thỏa thuận đạt được cuối tháng 7-2015, sau cuộc hội đàm giữa Iran và nhóm P5+1.
Lệnh cấm vận trên dỡ bỏ sẽ giải tỏa hàng tỉ USD tài sản và cho phép Iran bán dầu cho quốc tế.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết giám sát viên của họ nhận định Tehran đã tiến hành các bước cần thiết trong thỏa thuận. Họ vô hiệu hóa đáng kể các máy ly tâm hạt nhân và tháo dỡ lò phản ứng hạt nhân nước nặng gần thị trấn Arak.
Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của họ nhằm mục tiêu hòa bình nhưng các thành phần đối lập cho rằng điều đó không đủ để đảm bảo rằng nước này không sản xuất bom hạt nhân, đe dọa hòa bình quốc tế. Vì thế, lệnh cấm vận được ban hành và sau thời gian hội đàm, thỏa thuận được đưa ra. Ngay khi Iran hoàn thành phần cốt lõi của thỏa thuận, lệnh cấm vận được dỡ bỏ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Iran. Phát biểu tại Vienna, ông nói rằng Iran đã tiến hành các bước quan trọng mà nhiều người từng nghi ngờ họ chẳng thể vượt qua.
“Ngày hôm nay là kết quả đáng kể từ các hoạt động cuối tháng 7-2015, Mỹ cùng bạn bè và đồng minh Trung Đông cũng như thế giới an toàn hơn bởi các mối đe dọa vũ khí hạt nhân đã được giảm xuống” – ông John Kerry nói.
Còn bề phía Iran, Tổng thống nước này, ông Hassan Rouhani, đã không giấu nổi sự vui mừng trên Twitter. “Tôi cảm ơn Chúa vì phúc lành này và cúi đầu trước sự vĩ đại của dân tộc Iran", ông viết .
Trong một động thái liên quan, có nhiều thông tin cho rằng, Iran đã phóng thích phóng viên Washington Post Jason Rezaian và 3 tù nhân người Mỹ gốc Iran khác trong cuộc trao đổi tù nhân với Mỹ. Jason Rzaian bị bắt giam nhiều tội danh bao gồm cả hoạt động gián điệp vào cuối tháng 11-2015. Phía Mỹ phóng thích 7 người gốc Iran bị giam giữ ở nước này.
Dương Nhâm (Theo BBC)