Theo Cơ quan Thông tấn Ả-rập tại Syria (SANA), ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem đã phát biểu trong một cuộc họp tại thủ đô Damascus với ông Staffan de Mistura - đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về vấn đề Syria: “Syria sẵn sàng tham gia vào các cuộc họp tại Geneva theo thời gian đã chỉ định”.
Tuy nhiên, ông al-Moallem vẫn nhấn mạnh vào việc cần phải tiếp tục chống lại chủ nghĩa khủng bố. Chính phủ Assad muốn xem xét lại danh sách các bên tham dự cuộc đàm phán nhằm phân biệt rõ ràng giữa "các tổ chức khủng bố" và "phe đối lập Syria".
Cũng theo SANA, trong một ví dụ chứng minh rằng việc tham gia của các cường quốc bên ngoài đang làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Syria, ông al-Moallem cũng nói rằng: "Các nghị quyết liên quan có mối liên hệ trực tiếp đến hiệu quả của những nỗ lực chống khủng bố, trong đó bắt buộc các nước hỗ trợ khủng bố phải ngừng ủng hộ chúng".
Chính phủ Assad cũng nhấn mạnh cần thiết phân biệt rõ ràng giữa phe đối lập với các nhóm khủng bố. |
Một tuyên bố hôm 9.1 từ văn phòng ông De Mistura mô tả cuộc họp với ông al-Moallem là "hữu ích" và cho biết đặc phái viên của Liên Hợp Quốc đang "mong muốn có được sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan" trong các cuộc đàm phán sắp tới.
Ông De Mistura cũng đã gặp gỡ các thành viên của phe đối lập Syria ở Ả-rập Saudi – quốc gia hỗ trợ chính cho một số nhóm phiến quân nhằm lật đổ chính phủ Assad.
Phe đối lập Syria đang đòi hỏi chính phủ phải có một số hành động trước khi các cuộc đàm phán diễn ra, bao gồm giảm bớt sự vây hãm đối với các khu vực phiến quân, thả một số người bị giam giữ và kết thúc các cuộc không kích. Phe đối lập cũng bày tỏ quan điểm rằng họ không ủng hộ việc tại vị của tổng thống Bashar al - Assad.
Theo kế hoạch, cuộc đàm phán của Liên Hiệp Quốc sẽ diễn ra vào ngày 25.1 để khởi động lại các nỗ lực chấm dứt nội chiến tại Syria. Trước đó, một nghị quyết đã được thông qua tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 12.2015, ủng hộ tiến trình hòa bình mới cho Syria.
Nỗ lực trong đàm phán hòa bình trong năm 2014 đã không mang lại thay đổi có ý nghĩa. Cho đến nay, cuộc xung đột Syria đã giết chết hơn 250.000 người và khiến hàng triệu người phải di dời. Đồng thời, cuộc chiến tranh cũng gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn tại các quốc gia biên giới với Syria và thậm chí vươn tới châu Âu.
Theo DSPL